Chương 22: Thế hệ khác

Cho dù trong Bộ chính trị khoá X (2006-2011) vẫn có những người trưởng thành qua chiến tranh, họ bắt đầu thuộc thế hệ “làm cán bộ” chứ không còn là thế hệ của những “nhà cách mạng”. Nếu có khả năng nắm bắt các giá trị của thời đại và có khát vọng làm cho người dân được ngẩng cao đầu, họ hoàn toàn có cơ hội chính trị để đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới. Ngay cả khi duy trì phương thức nắm giữ quyền bính tuyệt đối hiện thời, nếu lợi ích của nhân dân và sự phát triển quốc gia được đặt lên hàng đầu, họ có thể trao cho người dân quyền sở hữu đất đai, lấy đa sở hữu thay cho sở hữu toàn dân; họ có quyền chọn phương thức kinh tế hiệu quả nhất làm chủ đạo thay vì lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Vẫn còn quá sớm để nói về họ. Khi cuốn sách này ra đời, họ vẫn đang nắm giữ trong tay mình vận hội của chính họ và đất nước.

Người kế nhiệm

Theo ông Phan Văn Khải, khi thăm dò ý kiến chuẩn bị nhân sự cho Đại hội X, các ban ngành đánh giá ông Vũ Khoan cao hơn. Một trong những “ban, ngành” nhiệt tình ủng hộ ông Vũ Khoan là Ban Nghiên cứu của thủ tướng. Thời ông Phan Văn Khải, trước khi chính phủ ban hành bất cứ văn bản nào, thủ tướng cũng đều chuyển cho Ban Nghiên cứu xem trước. Các văn bản hay bị Ban Nghiên cứu có ý kiến lại thường được đưa lên từ Văn phòng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Khải thừa nhận, thâm tâm ông cảm tình với ông Vũ Khoan hơn, tuy nhiên, phần vì Vũ Khoan bị coi là thiếu thực tế trong nước, phần vì ông đã lớn tuổi – Vũ Khoan sinh năm 1937, cùng năm sinh với các ông Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An – nên việc giới thiệu ông là gần như không thể. Nhưng, chủ yếu, theo ông Khải: “Tương quan lực lượng không cho phép”.

Ngày 28-6-2006, Quốc hội bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Trước khi rời nhiệm sở, ông Phan Văn Khải tổ chức một buổi gặp mặt toàn thể Ban Nghiên cứu với sự có mặt của thủ tướng mới được bầu Nguyễn Tấn Dũng. Tiếp lời ông Phan Văn Khải, trong một diễn văn ngắn, ông Dũng cũng đã dùng những từ ngữ tốt đẹp để nói về Ban Nghiên cứu và tương lai cộng tác giữa ông và các thành viên. Cũng trong cuộc gặp này, ý tưởng hình thành Văn phòng thủ tướng trong Văn phòng Chính phủ đã được cả ông Khải và ông Dũng cùng ủng hộ.

Trong đúng một tháng sau đó, công việc của Ban vẫn tiến hành đều đặn. Chiều 27-7-2006, ông Trần Xuân Giá được mời lên phòng thủ tướng. Ông Giá nhớ lại, đó là một cuộc làm việc vui vẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý để Giáo sư Đào Xuân Sâm, lúc ấy đã lớn tuổi, nghỉ hưu và ông cũng tỏ ra không bằng lòng với việc Tiến sỹ Lê Đăng Doanh vẫn hay phát biểu với vai trò thành viên của Ban Nghiên cứu. Cuộc nói chuyện kéo dài tới 17 giờ ngày 27, Thủ tướng thân tình đến mức ông Giá tạm thời gạt qua kế hoạch nghỉ hưu và trở về ngồi vẽ sơ đồ tổ chức văn phòng thủ tướng và chuẩn bị kế hoạch củng cố Ban Nghiên cứu.

Hôm sau, ngày 28-7-2006, khi ông Trần Xuân Giá đến cơ quan ở đường Lê Hồng Phong thì thấy Văn phòng vắng vẻ, nhân viên lúng túng tránh nhìn thẳng vào mắt ông. Ông Trần Xuân Giá làm tiếp một số việc rồi về nhà. Vào lúc 16 giờ cùng ngày, ông nhận được quyết định nghỉ hưu và quyết định giải thể Ban Nghiên cứu do văn thư mang tới. Cả hai cùng được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào ngày 28-7-2006, tức là chỉ ít giờ sau khi ngồi “hàn huyên” với ông Trần Xuân Giá. Theo ông Giá thì ông là người cuối cùng trong Ban Nghiên cứu nhận được quyết định này.

Ông Nguyễn Tấn Dũng sinh tại Cà Mau năm 1949. Mới mười hai tuổi đã theo cha vào “bưng” làm liên lạc, ông biết chữ chủ yếu nhờ các lớp bổ túc ở trong rừng do địa phương quân tổ chức. Sau đó, ông Dũng được đưa đi cứu thương rồi làm y tá cho Tỉnh đội.

Ngày 30-4-1975, Nguyễn Tấn Dũng là trung uý, chính trị viên Đại đội Quân y thuộc Tỉnh đội Rạch Giá. Đầu thập niên 1980, theo ông Lê Khả Phiêu: “Khi ấy, tôi là Phó chính uỷ Quân khu IX, trực tiếp gắn quân hàm thiếu tá cho anh Nguyễn Tấn Dũng. Năm 1981, khi anh Dũng bị thương ở chiến trường Campuchia, tôi cho anh về nước đi học”. Năm 1983, từ trường Nguyễn Ái Quốc trở về, ông Dũng ra khỏi quân đội, bạn bè của cha ông, ông Nguyễn Tấn Thử, đã bố trí ông Dũng giữ chức phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ. Nhưng vị trí giúp ông có một bước nhảy vọt trong con đường chính trị là chức vụ mà ông nhận sau đó: bí thư Huyện uỷ Hà Tiên.

Sau Đại hội V, ông Lê Duẩn có ý tưởng cơ cấu một số cán bộ trẻ và một số cán bộ đang là bí thư các ‘pháo đài huyện’ vào Trung ương làm uỷ viên dự khuyết như một động thái đào tạo cán bộ. Ông Nguyễn Đình Hương1 nhớ lại: “Trước Đại hội VI, tôi được ông Lê Đức Thọ phân công trực tiếp về địa phương gặp các ứng cử viên. Phía Nam có anh Nguyễn Tấn Dũng, bí thư huyện Hà Tiên, cô Hai Liên, bí thư huyện uỷ Thống Nhất, Đồng Nai, cô Trương Mỹ Hoa, bí thư quận Tân Bình; phía Bắc có cô Nguyễn Thị Xuân Mỹ, bí thư Quận uỷ Lê Chân, Hải Phòng”. Sau Đại hội VI, ông Nguyễn Tấn Dũng rời “pháo đài” Hà Tiên về Rạch Giá làm phó bí thư thường trực rồi Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh.

Trước Đại hội Đảng lần thứ VII, khi chuẩn bị cho Đại hội Tỉnh Đảng bộ Kiên Giang, ông Lâm Kiên Trì, một cán bộ lãnh đạo kỳ cựu của tỉnh từ chức, mở đường cho ông Nguyễn Tấn Dũng lên bí thư. Theo ông Năm Loan, khi ấy là uỷ viên thường vụ, trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Kiên Giang: “Ông Đỗ Mười vào T78, triệu tập Thường vụ Tỉnh uỷ lên họp, duyệt phương án nhân sự và quyết định đưa Nguyễn Tấn Dũng lên làm bí thư”. Năm ấy ông Dũng bốn mươi hai tuổi.

Trong một nền chính trị, mà công tác cán bộ được giữ bí mật và phụ thuộc chủ yếu vào sự lựa chọn của một vài nhà lãnh đạo, các giai thoại lại xuất hiện để giải thích sự thăng tiến mau lẹ của một số người. Trong khi dư luận tiếp tục nghi vấn ông Nông Đức Mạnh là “con cháu Bác Hồ”2, một “huyền thoại” khác nói rằng, cha của ông Nguyễn Tấn Dũng đã “chết trên tay ông Lê Đức Anh” và trước khi chết có gửi gắm con trai cho Bí thư Khu uỷ Võ Văn Kiệt và Tư lệnh Quân khu IX Lê Đức Anh. Trên thực tế, cha ông Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Tấn Thử, thường gọi là mươi Minh, đã mất trước khi hai ông Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh đặt chân xuống Quân khu IX.

Ngày 16-4-1969, một trái bom Mỹ đã ném trúng hầm trú ẩn của Tỉnh đội Rạch Giá làm chết bốn người trong đó có ông Nguyễn Tấn Thử khi ấy là chính trị viên phó Tỉnh đội. Một trong ba người chết còn lại là ông Chín Quý, chính trị viên Tỉnh đội. Trong khi, đầu năm 1970, ông Lê Đức Anh mới được điều về làm tư lệnh Quân khu IX còn ông Kiệt thì mãi tới tháng 10-1970 mới xuống miền Tây. Họ có nghe nói đến vụ ném bom làm chết ông Chín Quý và ông Mười Minh nhưng theo ông Kiệt thì cả hai ông đều chưa từng gặp ông Mười Minh Nguyễn Tấn Thử. Mãi tới năm 1991, trong đại hội đại biểu tỉnh đảng bộ Kiên Giang, ông Võ Văn Kiệt mới thực sự biết rõ về ông Nguyễn Tấn Dũng và cho tới lúc này ông Kiệt vẫn muốn ông Lâm Kiên Trì, một người mà ông biết trong chiến tranh, tiếp tục làm bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang.

Ông Nguyễn Tấn Dũng được điều ra Hà Nội tháng 1-1995, ông bắt đầu với chức vụ mà xét về thứ bậc là rất nhỏ: thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trước Đại hội VIII, theo ông Lê Khả Phiêu: “Khi làm nhân sự Bộ Chính trị, anh Nguyễn Tấn Dũng gặp tôi, nói: ‘Anh em miền Nam yêu cầu tôi phải tham gia Bộ Chính trị’. Trong khi, thứ trưởng thường trực là anh Lê Minh Hương thì băn khoăn: ‘Ngành công an không thể có hai anh ở trong Bộ Chính trị’. Tôi bàn, anh Lê Minh Hương tiếp tục ở trong Bộ Công an, anh Nguyễn Tấn Dũng chuyển sang Ban Kinh tế”.

Tháng 6-1996, ông Dũng được đưa vào Bộ Chính trị phụ trách vấn đề tài chính của Đảng. Cho dù, theo ông Lê Khả Phiêu, ông Dũng đắc cử Trung ương với số phiếu thấp và gần như “đội sổ” khi bầu Bộ Chính trị nhưng vẫn được đưa vào Thường vụ Bộ Chính trị, một định chế mới lập ra sau Đại hội VIII, vượt qua những nhân vật có thâm niên và đang giữ các chức vụ chủ chốt như Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải. Ông Nguyễn Đình Hương giải thích: “Nguyễn Tấn Dũng được ông Đỗ Mười đưa đột biến vào Thường vụ Bộ Chính trị chỉ vì ông Đỗ Mười có quan điểm phải nâng đỡ, bồi dưỡng, con em gia đình cách mạng. Tấn Dũng vừa là một người đã tham gia chiến đấu, vừa là con liệt sỹ, tướng mạo cũng được, lại vào Trung ương năm mới ba mươi bảy tuổi”.

Ngay cả khi đã ở trong Thường vụ Bộ Chính trị, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn là một con người hết sức nhã nhặn. Ông không chỉ cùng lúc nhận được sự ủng hộ đặc biệt của các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, mà những ai biết ông Dũng vào giai đoạn này đều tỏ ra rất có cảm tình với ông. Theo ông Phan Văn Khải: “Nguyễn Tấn Dũng được cả ba ông ủng hộ, đặc biệt là ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Tấn Dũng cũng biết cách vận động. Năm 1997, trước khi lui về làm cố vấn, cả ba ông thậm chí còn muốn đưa Tấn Dũng lên thủ tướng, tuy nhiên khi thăm dò phiếu ở Ban Chấp hành Trung ương cho cương vị này, ông chỉ nhận được một lượng phiếu tín nhiệm thấp”.

Kinh tế tập đoàn

Trước Đại hội Đảng lần thứ X, tháng 4-2006, ông Nguyễn Tấn Dũng được Bộ Chính trị phân công làm tổ trưởng biên tập “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010”. Khi chủ trì các buổi thảo luận, ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đưa vào văn kiện chủ trương tổ chức doanh nghiệp nhà nước theo hướng kinh doanh đa ngành.

Theo ông Trần Xuân Giá, tổ phó biên tập: “Cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành là ngược lại với chủ trương lâu nay của chính phủ nên chúng tôi không dự thảo văn kiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng. Đến gần đại hội, ông Dũng cáu, ông viết thẳng ra giấy ý kiến của ông rồi buộc chúng tôi phải đưa nguyên văn vào Báo cáo, phần nói về doanh nghiệp nhà nước: Thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có một số ngành chính; có nhiều chủ sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối”.

Lúc ấy, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có đủ phiếu ở Ban Chấp hành Trung ương để tiến đến chiếc ghế thủ tướng. Ông khát khao tạo dấu ấn và nôn nóng như những gì được viết trong Báo cáo Kinh tế mà ông chủ trì: “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Mặc dù từ năm 1994, Quyết định số 91/TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói đến việc “thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh” nhưng cho đến năm 2005, Việt Nam chưa có một tập đoàn nào ra đời. Cuối nhiệm kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải cho thành lập hai tập đoàn: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam ngày 26-12-2005 và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam Vinashin ngày 15-5-2006.

Hai tháng sau khi nhận chức, ngày 29-8-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ngành dầu khí được nâng lên quy mô tập đoàn, PetroVietnam, ngày 30-10-2006 thành lập Tập đoàn Công nghiệp Cao su, ngày 9-01-2006 thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Tốc độ thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước có chững lại sau khi cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết một thư ngỏ đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, yêu cầu thận trọng vì theo ông, trong khi những yếu kém của mô hình tổng công ty 90, 91 chưa được khắc phục mà lại làm phình to chúng ra bằng các quyết định hành chính là không hợp lý. Ông Võ Văn Kiệt viết: “Các doanh nghiệp nhà nước của ta có truyền thống dựa vào bao cấp nhiều mặt, không dễ từ bỏ thói quen cũ, nếu từ bỏ thói quen cũ cũng không dễ đứng vững trong thế cạnh tranh… Không có gì đảm bảo khi các tập đoàn được thành lập sẽ hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp hiện nay”3.

Trong khoảng thời gian từ khi ông Võ Văn Kiệt mất, tháng 6-2008, cho đến năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kịp nâng số tập đoàn kinh tế nhà nước lên con số mười hai. Nhưng chính sách cho tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành chứ không phải số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước mới là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng kinh tế.

Theo ông Phan Văn Khải: “Khi thành lập Tập đoàn Vinashin, tôi nghĩ, đất nước mình có bờ biển dài hơn 3.000km, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu là cần thiết nhất là khi ngành công nghiệp này đang được chuyển dịch từ các nước Bắc Âu về Trung Quốc, Hàn Quốc. Chính tôi quyết định đầu tư cho Vinashin khoản tiền bán trái phiếu chính phủ hơn 700 triệu USD. Nhưng, sau đó thì không chỉ Vinashin mà nhiều tập đoàn khác cũng phát triển ồ ạt nhiều loại ngành nghề, ở đâu cũng thấy đất đai của Vinashin và của các tập đoàn nhà nước”.

Theo ông Trần Xuân Giá: “Ông Nguyễn Tấn Dũng coi doanh nghiệp nhà nước như một động lực phát triển, nhưng phát triển doanh nghiệp nhà nước theo cách của ông Dũng không hẳn chỉ để làm vừa lòng ông Đỗ Mười”. Cho phép các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành cũng như tháo khoán các kênh đầu tư mà nguồn vốn cho khu vực này lại thường bắt đầu từ ngân sách. Ông Phan Văn Khải giải thích: “Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo ra một thành tích nổi bật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tấn Dũng muốn hoàn thành kế hoạch 5 năm chỉ sau bốn năm. Ngay trong năm 2007, ông đầu tư ồ ạt. Tiền đổ ra từ ngân sách, từ ngân hàng. Thậm chí, để có vốn lớn, dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại tệ cũng được đưa ra. Bội chi ngân sách lớn, bất ổn vĩ mô bắt đầu”.

Theo ông Trần Xuân Giá: “Thời Thủ tướng Phan Văn Khải, mỗi khi tổng đầu tư lên tới trên 30% GDP là lập tức thủ tướng được báo động. Trước năm 2006, năm có tổng đầu tư lớn nhất cũng chỉ đạt 36%. Trong khi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngay sau khi nhận chức đã đưa tổng mức đầu tư lên 42% và đạt tới 44% GDP trong năm 2007”. Cho tới lúc đó những ý kiến can gián thủ tướng cũng chủ yếu xuất phát từ các thành viên cũ của Ban Nghiên cứu như Trần Xuân Giá, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan. Nhưng tiếng nói của họ không còn sức mạnh của một định chế sau khi Ban Nghiên cứu đã bị giải tán. Cả ba sau đó còn nhận được các khuyến cáo một cách trực tiếp và nhiều cơ quan báo chí trong nhiều tháng không phỏng vấn hoặc đăng bài của những chuyên gia này.

Năm 2006, tăng trưởng tín dụng ở mức 21,4% nhưng con số này lên tới 51% trong năm 20074. Kết quả là lạm phát cả năm ở mức 12,6%. Các doanh nghiệp, các ngân hàng bắt đầu nhận ra những rủi ro, từng bước kiểm soát vốn đầu tư vào chứng khoán và địa ốc. Nhưng đầu năm 2008, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như hoảng sợ khi lạm phát lên tới gần 3% mỗi tháng và những “liệu pháp” được đưa ra sau đó đã khiến cho nền kinh tế dồn dập chịu nhiều cú sốc.

Cuối tháng 1-2008, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng dự trữ bắt buộc từ 10 lên 11%. Để có ngay một lượng tiền mặt lên tới khoảng 20.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu dự trữ, các ngân hàng thương mại cổ phần buộc lòng phải tăng lãi suất huy động. Lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng mấy ngày cuối tháng 1-2008 tăng vọt lên tới 27%, trong khi đầu tháng, con số này chỉ là 6,52%. Ngày 13-2-2008, Ngân hàng Nhà nước lại ra quyết định, buộc các ngân hàng thương mại phải mua một lượng tín phiếu trị giá 20.300 tỷ đồng. Áp lực tiền bạc đã làm náo loạn các tổ chức tín dụng.

Thoạt đầu, các tổng công ty nhà nước rút các khoản tiền đang cho vay lãi suất thấp ở các ngân hàng quốc doanh, gửi sang ngân hàng cổ phần. Chỉ trong ngày 18-2-2008, các tổng công ty nhà nước đã rút ra hơn 4.000 tỷ đồng. Các ngân hàng quốc doanh, vốn vẫn dùng những nguồn tiền lãi suất thấp từ Nhà nước đem cho các ngân hàng nhỏ vay lại, nay thiếu tiền đột ngột, vội vàng ép các ngân hàng này. “Cơn khát” tiền toàn hệ thống đã đẩy lãi suất thị trường liên ngân hàng có khi lên tới trên 40%.

Lãi suất huy động tăng, đã khiến cho các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng buộc khách hàng chấp nhận lãi suất lên tới 24 – 25%, cao hơn nhiều mức mà Luật Dân sự cho phép. Các doanh nghiệp cũng “khát” tiền mặt, tình trạng bán hàng dưới giá, hoặc vay với lãi suất cao đang khiến cho chi phí sản xuất tăng đột biến. Không có gì ngạc nhiên khi lạm phát ba tháng đầu năm 2008 lên tới 9,19%. Các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước nói là chống lạm phát, nhưng đã trực tiếp làm “mất giá” đồng tiền khi đặt các ngân hàng trong tình thế phải nâng lãi suất.

Ngày 25-3-2008, Ngân hàng Nhà nước lại khiến cho tình trạng khan hiếm tiền mặt thêm nghiêm trọng khi yêu cầu thu về 52.000 tỷ đồng của ngân sách đang được đem cho các ngân hàng quốc doanh vay với lãi suất 3%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường tín dụng. Khoản tiền này theo nguyên tắc phải được chuyển vào Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, từ mười năm trước, theo “sáng kiến” của Bộ Tài chính, nó đã được đem cho các ngân hàng quốc doanh vay. Một mặt, nó tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, một mặt làm cho nền kinh tế lập tức rơi vào khủng hoảng do tín dụng bị cắt đột ngột và những khoản vay còn lại thì phải chịu lãi suất cao.

Thị trường chứng khoán nhanh chóng hiển thị “sức khỏe” của nền kinh tế. Từ mức trên 1000, ngày 6-3-2008, chỉ số VN-index xuống còn 611. Cho dù Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cố dùng uy tín chính trị của mình để cứu vãn bằng cách tuyên bố rằng đầu tư vào chứng khoán bây giờ là thắng vì đã xuống đến đáy nhưng chỉ hai mươi ngày sau, 25-3- 2008, chỉ số VN-index chỉ còn 492 điểm. Ngày 5-12-2008, VN-index chỉ còn 299 điểm. Xuất khẩu quý 1-2008 vẫn tăng 23,7%; nhập khẩu tăng 60,7%. Tại Sài Gòn, kinh tế vẫn tăng trưởng khá, ngân sách quý I vẫn thu tăng 72,6%. Nhưng các biện pháp chống lạm phát đã làm cho Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh hơn nửa năm trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu.

Từ cuối năm 2008, khuynh hướng quay trở lại nền kinh tế chỉ huy càng tăng lên cho dù điều này là vô vọng vì ở giai đoạn này, đóng góp của khu vực tư nhân cho nền kinh tế đã vượt qua con số 50% GDP của Việt Nam. Dù vậy, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn liên tục ban hành các mệnh lệnh hành chánh hòng kiểm soát trần lãi xuất, kiểm soát thị trường ngoại tệ, thị trường vàng5.

Khi ông Đỗ Mười nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, để có ngoại tệ, Chính phủ phải cho một nhà đầu tư của Nhật thuê khu nhà khách ven hồ Thiền Quang. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng nhận chức thủ tướng, Việt Nam có một khoản dự trữ ngoại tệ lên tới 23 tỷ đôla. Nhưng, di sản lớn hơn mà Thủ tướng Phan Văn Khải trao lại cho ông Dũng là một Việt Nam đã hoàn thành thủ tục để gia nhập WTO. Trong khoảng thời gian 1996-2000, cho dù chịu mấy năm khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5% trong khi lạm phát chỉ là 3,5%. Trong khoảng thời gian 2001-2005, lạm phát có cao hơn, 5,1%, nhưng tăng trưởng vẫn dương: 7%.

Chỉ sau mấy tháng nhận chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa GDP tăng trưởng tới mức kỷ lục: 8,5% vào tháng 12-2007; đồng thời cũng đã đưa lạm phát vào tháng 8-2008 lên tới 28,2%. Tháng 3-2009, tăng trưởng GDP rơi xuống đáy: 3,1%. Trong sáu năm ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chứ Thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế luôn thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát. Năm 2007 GDP tăng trưởng ở mức 8,48% trong khi lạm phát lên tới 12,63%. Năm 2008 mức tăng trưởng giảm xuống 6,18% trong khi lạm phát là 19,89%. Năm 2009 GDP chỉ tăng 5,32% lạm phát xuống còn 6,52% do các nguồn đầu tư bị cắt đột ngột. Năm 2010 GDP tăng đạt mức 6,78% nhưng lạm phát tăng lên 11,75%. Năm 2011 tăng trưởng GDP giảm còn 5,89% trong khi lạm phát lên tới 18,13%. Năm 2012, nền kinh tế gần như ngưng trệ, lạm phát ở mức 6,81% nhưng GDP cũng xuống tới 5,03% thấp kỷ lục kể từ năm 19996. Nền kinh tế rơi vào tình trạng gần như không lối thoát.

Nông Đức Mạnh

Ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chức thủ tướng sau Đại hội Đảng lần thứ X, một đại hội mà ông Nông Đức Mạnh cảm nhận được áp lực thông qua vụ án PMU 18. PMU 18 là một cơ quan quản lý các dự án giao thông sử dụng các nguồn vốn ODA lên tới gần hai tỷ USD. Thoạt đầu, gần như tình cờ, cảnh sát bắt được một vụ đánh bạc từ đó thu giữ một máy tính có chứa các dữ liệu cho thấy, Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc PMU 18 đã từng đánh bạc, cá độ với số tiền lên tới 1,8 triệu USD.

Nếu như vụ án “Năm Cam” hồi năm 2003 ảnh hưởng tới chính trị bởi cách triển khai mang tính anh hùng cá nhân thì vụ PMU 18 đã mang một màu sắc mới. Lực lượng công an biết sử dụng công cụ “làm án” của họ và các nhà chính trị cũng không còn để bị động. Kịch tính của vụ án PMU 18 được đẩy lên cao khi cơ quan điều tra cố tình rò rỉ các thông tin về sự dính líu của Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Việt Tiến và những tin nhắn tình nghi chạy án liên quan đến Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát.

Cả ông Tiến và ông Oánh đều là những người được Hội nghị Trung ương 13 đưa vào danh sách đề cử bầu Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt, ông Nguyễn Việt Tiến đích thân được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh giới thiệu. Cái gọi là “đường dây chạy án” được đồn đãi lúc đó còn nhắc tới Đặng Hoàng Hải, con rể Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đang làm chánh văn phòng cho Bùi Tiến Dũng. Ngày 14-4-2006, tức là chỉ chưa đầy hai tuần trước khi khai mạc Đại hội Đảng lần thứ X, ông Nguyễn Việt Tiến bị bắt.

Ngoài hai ứng cử viên bị lỡ cơ hội vào Trung ương, Đại hội vẫn diễn ra như dự kiến, ông Nông Đức Mạnh vẫn được giữ ngồi lại ghế Tổng bí thư nhưng vụ PMU 18 đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của ông. Nhiều tháng sau Đại hội, ông Mạnh gần như không ra khỏi khu Nguyễn Cảnh Chân. Các cáo buộc về ông Nguyễn Việt Tiến và ông Cao Ngọc Oánh hoá ra là bịa đặt. Các phóng viên trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt đã đăng bất cứ thông tin gì được mớm từ cơ quan điều tra bắt đầu phải đối diện với một cuộc điều tra mới dưới sự chỉ đạo của tướng An ninh Nguyễn Văn Hưởng.

Quyền bính bắt đầu vận hành theo một sắc thái mới. Lần đầu tiên trong nền chính trị Hà Nội, mối quan hệ giữa Thủ tướng và công an thực sự có ảnh hưởng qua lại. Ngoài Bộ trưởng Lê Hồng Anh xuất thân từ Kiên Giang, bên cạnh Thủ tướng luôn là tướng An ninh Nguyễn Văn Hưởng.

Trong suốt gần hai năm sau đại hội, hơn hai mươi lăm phóng viên của gần như đủ các tờ báo quan trọng nhất bị điều tra. Ngày 12-5-2008, Nguyễn Văn Hải, phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến, phóng báo Thanh Niên, bị bắt. Cùng với một cộng sự khác, tướng Nguyễn Xuân Quắc, cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, người ra lệnh bắt ông Nguyễn Việt Tiến đã bị chính ông Nguyễn Tấn Dũng, ngay sau khi nhận chức Thủ tướng, ký quyết định cho nghỉ hưu khi vẫn còn dở dang công việc của một trưởng ban chuyên án. Ông Quắc sau đó còn bị khởi tố.

Sau khi hai nhà báo phải lãnh án tù giam, theo yêu cầu của công an, Bộ Thông tin rút thẻ bốn nhà báo chủ chốt của hai tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Tổng Biên tập Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng, và Tổng Biên tập Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế, bị mất chức. Báo chí trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Nguyễn Tấn Dũng gần như không còn nhuệ khí để phản biện các chính sách và đề cập đến các thông tin liên quan đến tham nhũng. Trong khi đó, người đứng đầu bên Đảng là Nông Đức Mạnh lại thể hiện rất giới hạn quyền lực Tổng bí thư.

Về sau, ông Phan Văn Khải cũng đã nuối tiếc khi ủng hộ ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư. Ông Khải nói: “Ông Mạnh trình độ yếu lại thiếu bản lĩnh nên gần như không có tác dụng gì. Khi ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, nếu điều gì đã thống nhất với tôi thì cho dù ra Bộ Chính trị có ý kiến khác ông vẫn bảo vệ nhưng ông Mạnh thì không. Gật gù với nhau nhưng khi thảo luận thấy có vài ý kiến hơi khác là ông im lặng”. Theo ông Lê Khả Phiêu: “Sau Đại hội VIII khi anh Đỗ Mười giao cho tôi chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị và Thường vụ để bàn trước với các anh Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt. Nông Đức Mạnh gặp tôi nói: em biết thân phận em rồi, người dân tộc chỉ có thể làm đến thế”7.

Từ một người vô danh trên chính trường bỗng chốc được đặt vào ghế chủ tịch Quốc hội, ngay từ khi đó, Nông Đức Mạnh đã trở thành tâm điểm của những lời đồn đoán. Cha ông là Nông Văn Lại, mẹ ông là Hoàng Thị Nhị. Nhưng họ Nông của ông khiến nhiều người liên tưởng tới một người phụ nữ từng gặp gỡ Hồ Chí Minh, bà Nông Thị Trưng. Nhiều người còn cho rằng tuổi thật của ông là sinh năm 1942, một năm sau khi Hồ Chí Minh trở về hang Pac Bó, chứ không phải năm 1940, như ghi trong hồ sơ. Lại còn có giai thoại, năm 1965, khi ông đang là công nhân lâm trường, đích thân Đại tướng Võ Nguyễn Giáp lên gọi về đưa sang Liên Xô học8.

Tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội khoá IX, tháng 7-1994, trong giờ giải lao, phóng viên Huỳnh Ngọc Chênh của báo Thanh Niên phỏng vấn: “Thưa, Chủ tịch có phải con của Bác Hồ?”. Ông Nông Đức Mạnh lúng túng mấy giây rồi trả lời: “Người Việt Nam ta ai cũng là con cháu Bác Hồ cả”. Cho dù sau đó, ông Mạnh rất tức giận9 nhưng đấy là câu trả thông minh nhất trong suốt cuộc đời làm chính trị của ông. Từ đó cho đến khi làm Tổng bí thư, ông Mạnh trở thành một người lúc nào cũng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nhưng ăn nói nhạt nhẽo và có rất ít quyền lực. Ông xuất hiện trên truyền hình ở nhiều địa phương khác nhau với gần như chỉ có một câu nói: “Các đồng chí phải tìm ra thế mạnh của địa phương là nên trồng cây gì và nuôi con gì”.

Người lập hồ sơ để đưa ông Mạnh vào Trung ương, ông Nguyễn Đình Hương, nhận xét: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì Đảng ta có một Tổng bí thư như vậy, Nông Đức Mạnh chỉ có trình độ ở tầm cán bộ cấp huyện”. Theo ông Phan Văn Khải: “Nhiều lần, đặc biệt là trước Đại hội Đảng lần thứ X, mấy ông cựu cố vấn đề nghị ông nghỉ nhưng ông Mạnh không chịu. Nhân sự thay thế cũng chưa rõ ràng nên các ông ấy cũng không kiên quyết”.

“Phương án” Nguyễn Văn An

Cố vấn Võ Văn Kiệt biết, cách làm nhân sự truyền thống sẽ không thể nào đưa một lãnh đạo trì trệ như Nông Đức Mạnh ra khỏi vị trí của mình. Ngày 11-1-2005, ông Kiệt viết thư đề nghị để: “Đại hội đại biểu toàn quốc bầu trực tiếp chức danh Tổng bí thư… Áp dụng triệt để nguyên tắc tự do ứng cử, tự do đề cử… Người được bầu phải là người có năng lực và phẩm chất, không phân biệt tuổi tác, không theo cơ cấu vùng miền, không theo danh sách đã quy hoạch, không phân biệt giữa người ứng cử và người được để cử”. Ông cũng đề nghị: “Đại hội X nên bầu ra đoàn chủ tịch gồm những đại biểu ưu tú thực sự có năng lực điều hành công việc của đại hội”, thay vì theo truyền thống, đại hội vẫn do Bộ Chính trị cũ điều hành.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã không cho lưu hành bức thư này trong Trung ương. Ông Kiệt, lúc ấy đang ở biệt thự Hồ Tây, cho Thư ký Nguyễn Văn Trịnh “xé rào”, phát hành tận tay nhiều uỷ viên Trung ương. Trong thư đề ngày 21-1-2005 gửi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, ông Kiệt giải thích: “Tôi thấy không còn cách nào khác, vạn bất đắc dĩ tôi phải tự gửi trực tiếp thư của mình đến các đồng chí Trung ương uỷ viên và một số đồng chí bí thư tỉnh uỷ dự Hội nghị Trung ương 11”. Bộ Chính trị yêu cầu ai đã nhận bức thư của ông Võ Văn Kiệt thì gửi lại Văn phòng. Uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị Phan Diễn nói trước Hội nghị Trung ương 11 rằng đó là những tài liệu “không phát hành theo con đường của Đảng” và giải thích với ông Kiệt, sở dĩ cho “thu hồi” bức thư ấy là vì: “Nhận thấy một số nội dung trong thư góp ý của anh nếu để lọt ra ngoài thì sẽ không có lợi, dễ bị lợi dụng, xuyên tạc”10.

Trung tuần tháng 4-2006, khi các đại biểu dự Đại hội X bắt đầu được triệu tập về Thủ đô, ông Võ Văn Kiệt lại bay ra Hà Nội. Từ khu biệt thự Hồ Tây, ông Võ Văn Kiệt nhờ Giáo sư Tương Lai đến gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, chuyển lời: “Nếu như trong đại hội có người đề nghị giữ anh lại, có người đề cử anh làm Tổng bí thư thì anh đừng từ chối”. Tiếp đó, Giáo sư Tương Lai lại được cử đi “ăn tối” với ông Nguyễn Thiện Nhân, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối bữa cơm, Giáo sư Tương Lai nói riêng với ông Nhân: “Anh Sáu Dân nhờ tôi nói với anh, làm sao để Đoàn Thành phố đề xuất anh Nguyễn Văn An ở lại”. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận lời.

Ông Nguyễn Văn An đã từng là trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ khoá VIII, biết rõ mọi việc đã được hội nghị trung ương an bài. Ông An nói với Giáo sư Tương Lai: “Anh về nói với anh Sáu Dân, tôi hết sức cám ơn anh ấy đã tin tôi. Nhưng, đây là quyết định của tổ chức, tôi không làm trái được”. Ông Nguyễn Văn An thừa nhận: “Lúc ấy tôi cũng suy nghĩ, cũng có khá đông anh em muốn tôi ở lại, nhưng số đông ấy chưa đủ đông”.

Năm 1954, khi Chính phủ Hồ Chí Minh tiếp quản Thủ đô, ông Nguyễn Văn An đang là công nhân nhà máy Điện Hà Nội. Năm 1961, ông được đưa đi học văn hoá hai năm rồi sang Liên Xô, học điện ở trường Đại học Bách khoa Donetsk. Ông An thừa nhận, người đồng hương Trần Xuân Bách đã đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp chính trị của mình: Năm 1972, tỉnh uỷ viên dự khuyết, phó giám đốc công ty kỹ thuật Điện Nam Hà; năm 1980, chủ tịch tỉnh mới Hà Nam Ninh11; năm 1982, uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Năm 1996, ông An năm mươi chín tuổi nói với lãnh đạo Ban Tổ chức là ông xin nghỉ. Theo ông An: “Lãnh đạo Ban biểu quyết nhất trí 100% nhưng Ban Chấp hành Trung ương vẫn giữ tôi ở lại”. Ở Đại hội VIII, ông được bầu vào Bộ Chính trị, trong khi người dự kiến làm trưởng ban là ông Lê Huy Ngọ thì không, ông An trở thành trưởng Ban Tổ chức. Cuối năm 1997, trước khi rời khỏi chức vụ Tổng bí thư, ông Đỗ Mười đưa một danh sách bốn người ra thăm dò nhân sự thay thế mình, ông Lê Khả Phiêu được cao phiếu nhất, Nông Đức Mạnh chỉ được một phiếu, người về nhì là ông Nguyễn Văn An, dù ông An không nằm trong bốn người được ông Đỗ Mười đề cử. Sự xuất hiện quá sớm đã khiến cho ông An thêm thận trọng.

Ông Nguyễn Văn An thường tìm cớ vắng mặt trong các phiên họp mà Bộ Chính trị bàn nhân sự có liên quan đến mình: trước Đại hội IX thì lấy cớ về nuôi mẹ bệnh12; trước Đại hội X, ông công du các nước châu Mỹ Latin. Có mặt trong những phiên họp như vậy, nếu được giới thiệu mà từ chối thì không thật lòng, không từ chối thì dễ trở thành mục tiêu của các đợt tấn công chính trị. Ông An biết, sau một nhiệm kỳ trên cương vị trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ơn huệ cũng lắm mà oán thán cũng nhiều13.

Ông Nguyễn Văn An cho rằng: “Ông Kiệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và nhận thức về tôi cũng chậm. Ông Kiệt là một người rất khéo dùng người cho những công trình lớn nhưng ông thường quan tâm đến chính sách, đường lối chứ ít quan tâm đến công tác cán bộ. Ông Kiệt không nâng đỡ những người thân quen, không co cụm trong lợi ích riêng. Có lúc tôi phải nói: anh phải lo nhân sự, chứ chỉ chăm lo đường lối thì lấy ai làm”. Theo ông Nguyễn Văn An: “Công tác nhân sự rất phức tạp, chuẩn bị sai thì hỏng, chuẩn bị đúng mà không đúng lúc cũng không thành. Đảng ta sai lầm về cán bộ rất nhiều. Ngay từ Đại hội VI, chọn ông Nguyễn Văn Linh đã không đúng. Ông ấy không phải là người đổi mới. Ông Linh chọn ông Đỗ Mười cũng không đúng. Ông Mười chọn Lê Khả Phiêu cũng không đúng. Đến khi chọn Nông Đức Mạnh thì sai”.

Về sau, ông Nguyễn Văn An nhận ra vấn đề của Đảng Cộng sản Việt Nam là “lỗi hệ thống”. Nếu như năm 2001, ông không tán thành tranh cử trong Đảng14 thì năm 2010, ông công khai đề nghị trên báo Vietnamnet: “Công nhận sở hữu tư nhân, bãi bỏ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; bãi bỏ chế độ ‘đảng chủ’, áp dụng tam quyền phân lập; thực hiện dân chủ theo nguyên tắc phải có tranh cử, phải công khai minh bạch”. Nhưng, hệ thống chính trị mà ông đã cả đời phục vụ nhanh chóng dập tắt sự lan toả của đề nghị này15. Đại hội XI vẫn diễn ra theo đúng truyền thống: bộ máy cũ sản sinh ra chính nó.

Sở hữu toàn dân

Chiều 18-1-2011, với số phiếu biểu quyết 61,70%, Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn định nghĩa đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” thay vì theo định nghĩa cũ trong “Cương lĩnh 1991” là phải “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu”.

Tuy nhiên, người thuộc về thiểu số bảo vệ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, ông Nguyễn Phú Trọng, đã trở thành Tổng bí thư chứ không phải là một nhân vật thuộc số đông ủng hộ “quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp”16.

Công hữu là đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội, nó được xác lập trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản viết năm 1848. Mở đầu Tuyên ngôn, các giả của nó, Friedrich Engels và Karl Marx, tuyên bố rằng: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu”. “mươi phương pháp nhằm xoá bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản” mà Marx và Engels kêu gọi gồm: “Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước; áp dụng thuế luỹ tiến cao; xoá bỏ quyền thừa kế; tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn; tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn; tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước; tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất…”.

Trong “tám đặc trưng”17 của chủ nghĩa xã hội mà cương lĩnh của Đảng xác định cho đến trước Đại hội XI, chỉ có “đặc trưng thứ ba”, về mặt lý thuyết, là còn mang dấu hiệu của chủ nghĩa xã hội kinh điển. Nhưng hai uỷ viên Trung ương sắp sửa về hưu, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc và cựu Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thuý, chiều 13-1-2011, khi yêu cầu sửa đổi “đặc trưng” này đã không thể nói thẳng ra rằng, các đặc trưng mà văn kiện Đảng đề cập không hề mang dáng dấp của cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa mà Marx và Engels đã nói. Cuộc biểu quyết bằng phiếu kín hôm 18- 1-2011 chỉ có ý nghĩa như một hành động cách mạng khi các nhà lãnh đạo mới khai thác “chữ nghĩa” trong văn kiện Đảng.

Chiều 18-1-2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội “thiểu số sẽ phục tùng đa số”. Nhưng, tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư vẫn quyết định duy trì “chế độ công hữu” với đất đai, “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất18.

Hiến pháp 1959 vẫn chưa “quốc hữu hoá đất đai” như Hiến pháp 1936 của Liên Xô mà nó được coi là một bản sao. Cho dù, từ thập niên 1960 ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970 ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức thuộc về “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc19 nói: “Trong Dự thảo Hiến pháp 1980 do Chủ tịch Trường Chinh trình Bộ Chính trị vẫn duy trì đa hình thức sở hữu đối với đất đai, trên cơ sở khuyến khích năm thành phần kinh tế. Nhưng Hiến pháp 1980 là Hiến pháp Lê Duẩn. Tổng bí thư Lê Duẩn quan niệm: Đối với những nước lạc hậu phải dùng quan hệ sản xuất tiên tiến để kéo lực lượng sản xuất lên. Công hữu khi ấy được coi là quan hệ sản xuất tiên tiến. Đặc biệt, năm 1980 Lê Duẩn lại đang say sưa với làm chủ tập thể”. Ông Tôn Gia Huyên, năm 1980 là Vụ phó Vụ Quản lý đất đai, bổ sung: “Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và của Vụ chúng tôi là vẫn giữ ba hình thức sở hữu: sở hữu toàn dân (nhà nước), sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Biên bản ghi rõ thế. Nhưng về sau tôi biết, đêm trước khi bỏ phiếu, Bộ Chính trị quyết định chỉ giữ một hình thức: sở hữu toàn dân”.

Từ ngày 4 đến ngày 10-9-1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng “họp hội nghị toàn thể để xem xét bản Dự thảo Hiến pháp”. Trong phiên bế mạc, Tổng bí thư Lê Duẩn có bài nói chuyện với tựa đề: “Hiến pháp mới, Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa”. Sau khi điểm lại những “công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam”, phân tích mối quan hệ giữa “tư tưởng làm chủ tập thể” với chủ nghĩa Marx – Lenin, Tổng bí thư Lê Duẩn tuyên bố: “Làm chủ tập thể là tinh thần cơ bản, là nội dung nhất quán của Hiến pháp mới… Nhân đây, tôi nhấn mạnh một điểm rất quan trọng trong Dự thảo Hiến pháp mới là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân”20.

Sau chiến thắng 1975, theo ông Nguyễn Đình Lộc: “Ông Lê Duẩn coi mình là trung tâm của lý luận và những người còn lại thì không ai phản đối”. Tuy Hiến pháp 1980 quốc hữu hoá đất đai nhưng theo ông Tôn Gia Huyên: “Ông Trường Chinh chủ trương giữ nguyên hiện trạng chứ không tịch thu ruộng đất như điều mà Lenin đã làm với kulak ở Nga sau năm 1917. Ông yêu cầu ghi vào Điều 20 của Hiến pháp 1980: Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật”.

Người có vai trò quyết định trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Tổng bí thư Đỗ Mười thì theo Trưởng Ban Biên tập Hiến pháp 1992 Nguyễn Đình Lộc, “bị hạn chế trong tư tưởng của Lê Duẩn”. Theo ông Lộc: “Tổng bí thư Lê Duẩn coi quốc hữu hoá đất đai là một tiến bộ của chủ nghĩa xã hội. Trong tình hình Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội là rất thiêng liêng. Khi chuẩn bị bài phát biểu về Hiến pháp cho Tổng bí thư Đỗ Mười, tôi có trình bày, nhưng ông Đỗ Mười nghiêng về sở hữu toàn dân. Ông lập luận, trước sau gì cũng tới đó nên cứ để vậy. Khi ấy, không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm”.

Theo ông Phan Văn Khải: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tôi muốn sửa Hiến pháp theo hướng trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân nhưng không thành công, chúng tôi đành phải tìm ra khái niệm 5 quyền cho người sử dụng đất”. “5 quyền” mà ông Phan Văn Khải đề cập trên đây được ghi trong Luật Đất đai 1993 là một bước tiến so với những gì xác lập trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội mà Đại hội VII thông qua hồi tháng 6-199121. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, trưởng Ban Soạn thảo Luật Đất đai 1993, nói: “Tôi biết trong bụng một số ông muốn cho người dân quyền tư hữu đất đai, nhưng đã vào Bộ Chính trị là không còn ông nào dám đưa ra chính kiến. Ông Kiệt, ông Khải muốn cho tư nhân sở hữu đất đai mà không dám nói. Tôi cũng muốn cho tư nhân sở hữu đất đai và tuy chỉ là Trung ương uỷ viên, tôi cũng không dám nói”.

Quan hệ ruộng đất thực hiện theo “các chính sách của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã làm kiệt quệ đời sống nông dân. Chỉ thị 100, ban hành năm 1981, từng được coi là một bước tiến trong nông nghiệp. Nhưng, theo chính sách này ruộng đất vẫn nằm trong tay hợp tác xã, trên vai người nông dân vẫn phải mang gánh nặng của bộ máy quan liêu. Tham ô, lãng phí trong các hợp tác xã đã lấy hết phần lớn sản phẩm của người nông dân22. Năm 1987, phần vì thiên tai, phần chủ yếu do chính sách đất đai, sản lượng lương thực giảm gần một triệu tấn, từ tháng 3-1987 nhiều địa phương bắt đầu bị đói.

Đầu năm 1988, nạn đói lan ra ở hai mươi mốt tỉnh, thành miền Bắc với hơn 9,3 triệu người thiếu ăn, trong đó có 3,6 triệu người “đứt bữa và đói gay gắt”. Quốc hội nhận được báo cáo: “Có nơi, xuất hiện người chết đói”. Theo nhà báo Thái Duy: “Gần như cả nước thiếu ăn, một vài tỉnh mang dáng dấp của nạn đói năm Ất Dậu (1945). Người ăn xin đổ về Hà Nội đông khác thường, không riêng lẻ như trước mà đi từng gia đình. Ở quê không có gì ăn cả”23. Cuộc sống và phản ứng của người dân đã làm thay đổi tư duy của một số nhà lãnh đạo và buộc Đảng phải thay đổi một phần chính sách trong đó có chính sách khoán trong nông nghiệp mà về sau gọi là “Khoán 10” hoặc “Nghị quyết 10”24.

Sau khi thừa nhận những chính sách trước đó, kể cả Chỉ thị 100, đã không khắc phục được tình trạng “tự cấp, tự túc, chia cắt và độc canh”, Nghị quyết 10 đã cho các hộ cá thể, tư nhân nhận “khoán đất ruộng, đất rừng và mặt nước để họ tổ chức sản xuất, kinh doanh”25, đặc biệt, nông dân còn “được giao quyền thừa kế” đất khoán này cho con cái, và trong trường hợp chuyển sang làm nghề khác được phép “chuyển nhượng quyền tiếp tục sử dụng cho chủ khác”. Cùng với quyết định bãi bỏ chính sách “ngăn sông, cấm chợ”26, chỉ đơn giản là giao ruộng đất cho dân, Nghị quyết 10 đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong sản xuất nông nghiệp.

Tháng 3-1988, nạn đói vẫn đang hoành hành ở hai mươi mốt tỉnh thành. Tháng 7-1989, đã có 516.000 tấn gạo được đưa lên tàu xuất khẩu. Cả năm 1989, Việt Nam xuất khẩu gạo lên tới 1,4 triệu tấn. Người nông dân ngay sau đó đã “suy nghĩ trên luống cày” của mình và họ đã “đồng khởi” lần thứ hai để đòi lại đất đai trước đó bị ép đưa vào tập đoàn, hợp tác. Ông Nguyễn Văn Linh, cho dù gặp không ít khó khăn chính trị, đã chấp nhận để nông dân mang ruộng đất của mình ra khỏi các tập đoàn, hợp tác xã27. Bằng quyết định này, ông Nguyễn Văn Linh đã thêm một lần ra tay “cởi trói”, lần này là đối với nông dân.

Thế nhưng, những lợi ích to lớn mà quốc gia được hưởng nhờ ruộng đất được giao cho nông dân này đã không làm lung lay ý chí “sở hữu toàn dân” của các nhà lãnh đạo, kể cả Nguyễn Văn Linh. Trong Cương lĩnh mà Đại hội Đảng lần thứ VII (6-1991) thông qua (soạn thảo khi Nguyễn Văn Linh còn là Tổng bí thư) vẫn coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Trước khi Dự thảo Luật Đất đai 1993 được đưa ra thảo luận, ngày 14-4-1993, ông Đào Duy Tùng thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị số 18, yêu cầu “lãnh đạo lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Luật đất đai”. Theo đó, phải “làm cho nhân dân, cán bộ, đảng viên nắm được những quan điểm cơ bản: toàn bộ đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân”. Đào Duy Tùng yêu cầu: “Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ, đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, các đoàn thể nhân dân khác” phải “theo dõi sát sao quá trình thảo luận trong phạm vi cả nước, kịp thời giải thích, uốn nắn những tư tưởng và việc làm lệch lạc”28. Cũng như thời làm Hiến pháp 1980, một chính sách liên quan đến toàn dân mà một tập thể nhỏ (Bộ Chính trị, Ban Bí thư) đã quyết định trước khi nhân dân được biết.

Luật Đất đai 1993 tuy trao cho người sử dụng đất 5 quyền (sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê) đã có một bước lùi khi đặt ra mức hạn điền và, thay vì “giao đất ổn định lâu dài” theo Điều 18 của Hiến pháp, Luật đã quy định thời hạn đối với người sử dụng đất.

Theo ông Tôn Gia Huyên, hạn điền và thời hạn giao đất là đặc trưng, là ranh giới cuối cùng để phân biệt giữa sở hữu tư nhân và sở hữu toàn dân. Nhưng, các chuyên gia luật cho rằng, đây là trao quyền sở hữu một cách trá hình. Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc thừa nhận: “Vì không muốn xáo trộn chính trị mà phải vi phạm tính pháp lý”.

Hiến pháp 1992 chỉ giao cho người sử dụng đất “3 quyền”. Thế nhưng, theo ông Tôn Gia Huyên: “Ông Đỗ Mười vẫn cho là mở quá đà. Có những vấn đề Quốc hội định biểu quyết, thậm chí biểu quyết rồi, ông Mười cũng chặn lại. Cứ giờ giải lao là ông Đỗ Mười lại chạy vào phòng Chủ tịch Đoàn có ý kiến”. Điển hình là việc xét lại kết quả cuộc biểu quyết ngày 6-4-1992.

Năm giờ chiều ngày 6-4-1992, khi Ban Soạn thảo đưa “quyền thừa kế” ra “xin ý kiến Quốc hội”, có 318/422 đại biểu biểu quyết đồng ý. Nhưng ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, cần phải thận trọng, xin Quốc hội để lại chỉnh lý. Đại biểu Trần Thị Sửu, Long An, nói: “Tôi có cảm giác ai đứng sau lưng giật dây Quốc hội”. Câu hỏi của bà Sửu đã làm cho ông Lê Quang Đạo, lần đầu tiên, mất bình tĩnh. Ông gần như đập mạnh tay xuống bàn: “Ai! Ai đứng sau lưng giật dây Quốc hội! Đây là một vấn đề phức tạp phải cân nhắc chứ không phải ai cả!”29. Tối 6-4-1992, Đảng đoàn Quốc hội nhóm họp quyết định sẽ đưa “quyền thừa kế của người sử dụng đất” ra bàn lại. Nhiều đại biểu cho rằng “biểu quyết lại là vô nguyên tắc”30.

Tất nhiên, ông Lê Quang Đạo đã phát biểu với tư cách một uỷ viên Trung ương. Cũng như Chủ tịch, đa số đại biểu Quốc hội đều là đảng viên. Chiều 11-4-1992, khi biểu quyết lại, 302/411 đại biểu đã tán thành không ghi quyền thừa kế quyền sử dụng đất vào Điều 18 của Hiến pháp.

Sự thoả hiệp giữa những người muốn coi đất đai là hàng hoá và những người muốn coi đất đai là tư liệu sản xuất đặc trưng của chủ nghĩa xã hội đã làm biến dạng các chính sách đất đai thời kỳ hậu Hiến pháp. Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 6-1993, qua bốn buổi thảo luận trên Hội trường, trong khi các đại biểu miền Nam đề nghị “giao đất lâu dài” như Hiến pháp, các đại biểu miền Bắc và miền Trung lại tán thành giao đất có thời hạn; thậm chí có đại biểu còn đòi rút ngắn thời hạn giao đất xuống còn từ 10-15 năm. Trong tính toán của nhiều người, giao đất có thời hạn nghĩa là sau đó Nhà nước có thể lấy đất lại để giao cho người khác31.

Luật Đất đai 1993 vì thế không gây phấn khởi như người dân chờ đợi. Đất đai của cha ông để lại, của chính họ đổ mồ hôi nước mắt khai khẩn hoặc bỏ tiền ra mua, sau khi có Luật còn phải ngồi chờ được Nhà nước làm thủ tục giao đất của mình cho mình. Trừ các giao dịch về đất đi liền với nhà ở, việc chuyển nhượng đất đai, đặc biệt là chuyển nhượng đất đi kèm với chuyển quyền sử dụng thường bị hành chính hoá bằng quyết định Nhà nước thu hồi đất của người bán, giao đất ấy cho người mua rồi người mua còn phải đóng 100% tiền sử dụng đất. Người dân cho rằng họ đã phải trả tiền hai lần để có được tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất32.

Luật đất đai 1993 còn bỏ ngõ 18 vấn đề, trong đó có ba vấn đề Chính phủ phải trình Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định: Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước; Quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài thuê đất và Thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Chính phủ khi điều hành các giao dịch về đất đai đã dựa trên quan điểm thị trường của mình, coi đất đai là hàng hoá trong khi, quyền sở hữu của người dân về đất đai vẫn là “trá hình”. Năm quyền của người sử dụng đất đã được ghi vào Bộ Luật Dân sự 1985 của Việt Nam nhưng trên thực tế, các quyền dân sự này vẫn có thể bị vô hiệu bởi các quyền hành chánh33. Chính phủ đầu thập niên 1990 cũng đánh giá tiềm lực nguồn thu từ đất đai rất lớn nên đã định ra một mức thuế quá cao, khiến cho thị trường địa ốc đóng băng ngay chỉ sau vài năm nhen nhúm34.

Thị trường địa ốc còn phải chịu rất nhiều tác động sau khi Nghị định 18 được ban hành35. Sau khi Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng (1-1994) đưa ra “bốn nguy cơ”, các chính sách trong đó có chính sách đất đai có khuynh hướng thắt chặt hơn và “sở hữu toàn dân” lại được đặt lên trên những lợi ích mà đất đai mang lại36. Nghị định 18 không những trở thành một trong những tác nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của các doanh nghiệp đầu tư quá rủi ro vào đất đai như Minh Phụng, EPCO và Tamexco37 mà còn gây thất thu lớn cho ngân sách38.

Ngày 2-7-1998, trong một Hội nghị tại Thành phố Hồ Chí Minh có cả Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tham dự, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận xét: “Luật nói đất đai là tài sản vô giá. Nhưng quy định một hồi đất không còn có giá. Luật không công nhận thì thị trường đất đai sẽ hoạt động ngầm thôi. Vấn đề là phải biến cái thị trường ngầm đó trở thành công khai để Nhà nước quản lý”. Nhưng, ngày 2-12-1998, khi thông qua Luật “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai” tinh thần “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” vẫn lấn át quan điểm thị trường mà Thủ tướng đã trình bày trước đó.

Chính sách hạn điền được ban hành dựa trên tính toán bình quân ruộng đất của từng vùng của thập niên 1990, khi hơn 80% dân số vẫn sống trong khu vực nông thôn. Các nhà lập pháp đã không tính đến khả năng thị trường sẽ điều chỉnh quan hệ này, nhất là khi đô thị và các ngành kinh tế khác thu hút thêm nhiều lao động. Theo Trưởng Ban Soạn thảo Luật Đất đai 1993, ông Nguyễn Công Tạn, “hạn điền và thời hạn giao đất là đặc trưng, là ranh giới cuối cùng để phân biệt giữa sở hữu tư nhân và sở hữu toàn dân”.

Chính sách hạn điền đã cản trở chính chủ trương “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không cho tích tụ ruộng đất thì không thể hiện đại hoá trong sản xuất nông nghiệp. Ruộng đất manh mún khiến cho nông dân, đặc biệt là nông dân miền Bắc tiếp tục cuốc bẫm cày sâu, ruộng ít mà không ít nơi, người nông dân lại bỏ ruộng. Tiến trình công nghiệp hoá vì thế sẽ được thay thế bằng một con đường gây biến động xã hội nông thôn hơn: Nhà nước thu hồi đất của nông dân giao cho các nhà doanh nghiệp phá ruộng làm khu công nghiệp

Kể từ năm 1993, Luật Đất đai đã được sửa đổi 5 lần. Luật năm 1998 đã sửa đổi tương đối căn bản Pháp lệnh 14-10 và Nghị định 1839 nhưng phải đến Luật Đất đai năm 2003, thông qua ngày 26-11-2003, Nhà nước mới công nhận đủ các quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp40. Điểm tiến bộ nhất của Luật Đất đai năm 2003 là bãi bỏ các điều kiện bắt buộc khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp áp dụng với hộ gia đình và cá nhân41.

Làm luật cũng là chính quyền, giải thích luật cũng là chính quyền. Khi đất đai càng mang lại nhiều đặc lợi thì “sở hữu toàn dân” lại càng trở thành căn cứ để các chính sách giao cho người ban hành nó có thêm nhiều đặc quyền. Chỉ riêng các điều khoản thu hồi, nếu như từng được quy định khá chặt chẽ trong Luật 1993, đã trở nên rắc rối và dễ bị lũng đoạn hơn trong Luật 2003.

Điều 20, Luật Đất đai 1993 quy định: “Khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng”. Luật Đất đai được sửa đổi vào ngày 2-12-1998 vẫn giữ nguyên quy định này ở Điều 20.

Đầu tháng 11-1998 khi Quốc hội bàn về Luật Đất đai sửa đổi, không khí thảo luận cho thấy một số đại biểu Quốc hội hiểu về thời hạn theo kiểu, giao đất 20 năm là để 20 năm sau thu hồi, chia lại đất đai một lần nữa. Trưởng Ban Soạn thảo Luật Đất đai 1998, Tổng Cục trưởng Địa chính Bùi Xuân Sơn giải thích: “Luật Đất đai không đặt ra vấn đề thu hồi đất chia lại. Luật chỉ qui định: sau 20 năm người sử dụng đất được giao tiếp tục sử dụng”42.

Nhưng, ý chí của nhà làm luật đã không được minh định thành giấy trắng mực đen. Năm 2003, khi Quốc hội viết lại Luật Đất đai, tại Điều 38, mặc dù Khoản 7 có ghi: Nhà nước chỉ thu hồi đất khi “cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế”; nhưng, tại Khoản 10 lại mở ra một rủi ro: Nhà nước thu hồi những phần đất không được gia hạn khi hết thời hạn. Hai mươi năm, rất tiếc, vẫn không phải là một thời gian đủ dài để chính quyền thay đổi nhận thức của mình về vấn đề sở hữu. Luật Đất đai nói người sử dụng đất được tiếp tục giao đất khi hết thời hạn nhưng không khẳng định đó là một điều kiện đương nhiên. Tài sản đất đai của người dân bị lệ thuộc rất nhiều vào chính quyền huyện, cấp được Luật giao cho quyền giao và thu hồi đất của cá nhân và hộ gia đình.

Điều 27, Luật Đất đai 1993, quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”. Điều Luật tiếp theo còn đưa ra những điều kiện ràng buộc nhằm tránh sự lạm dụng của Chính quyền. Luật sửa đổi 1998 gần như giữ nguyên tinh thần này. Nhưng, đến Luật Đất đai 2003, Chính quyền có thêm quyền thu hồi đất để ử dụng cho mục đích “phát triển kinh tế”.

Thời Thủ tướng Phan Văn Khải, “mục đích phát triển kinh tế” được minh định trong ba trường hợp: xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Các nghị định ban hành trong thời gian này tuy có đưa danh mục các trường hợp bị thu hồi đất tăng lên43 nhưng phải tới năm 2007, khi các nhà kinh doanh địa ốc thực sự trở thành một thế lực, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới sửa đổi chính sách làm cho đất đai của dân bị thu hồi dễ dãi44.

Người dân nhận đền bù theo chính sách “thu hồi” chỉ được trả một khoản tiền tượng trưng, rồi chứng kiến các nhà doanh nghiệp được chính quyền giao đất để “phát triển kinh tế” bán lại đất ấy với giá cao hơn hàng chục, có khi hàng trăm lần. Cho dù “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, người dân chỉ có các quyền của người sử dụng. Nhưng, sở dĩ ai cũng gắn bó với nó là bởi: Đất ấy không phải được giao không từ quỹ đất công như những quan chức có đặc quyền, đặc lợi; Đất ấy họ đã phải mua bằng tiền; Đất ấy họ phải tạo lập bằng nước mắt, mồ hôi; Đất ấy là của ông cha để lại. Đó là lý do mà gia đình anh Đoàn Văn Vươn, hôm 5-1-2012, và 160 hộ dân Văn Giang, hôm 24-4-2012, phải chọn hình thức kháng cự bằng cách hết sức rủi ro trước lệnh cưỡng chế thu hồi đất45.

Theo ông Nguyễn Đình Lộc: “Ban Soạn thảo Hiến pháp 1992 nhận thấy Hiến pháp 1980 đã quốc hữu hoá đất đai một cách máy móc, nhưng vẫn phải để yên vì nếu gỡ ngay sẽ trở thành một vấn đề chính trị”. Hai mươi năm sau, Đại hội Đảng lần thứ XI đã cho các nhà lãnh đạo Việt Nam một lối thoát chính trị khi định nghĩa đặc trưng của chủ nghĩa xã hội không còn coi “sở hữu công về tư liệu sản xuất là chủ yếu”. Thế nhưng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5-2012) vẫn “máy móc” bảo vệ sở hữu toàn dân với đất đai.

Khi hình thành chính sách đất đai, theo ông Tôn Gia Huyên: “Trước sau, ông Võ Văn Kiệt chỉ hỏi tôi một câu: Tại sao đất 5% giao cho nông dân tạo ra của cải nhiều hơn 95% ruộng đất trong hợp tác xã, tập đoàn mà không trả hết đất cho nông dân”. Sở hữu toàn dân đối với đất đai không phải là một kinh nghiệm quản lý của ông cha ta mà là một chính sách cop-py từ Liên Xô, một nhà nước đã bị nhân dân lật đổ. Hình thức sở hữu ấy chỉ được giữ để bảo vệ niềm tin của một thiểu số coi nó là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội thay vì căn cứ vào các phân tích dựa trên lợi ích của nhân dân và của quốc gia.

“Tập thể hoá” đã được cưỡng bức ở cả miền Bắc và miền Nam để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, tháng 12-1976, đưa ra: “Năm 1980 đạt ít nhất 21 triệu tấn lương thực quy thóc”. Để rồi, kết quả là: Năm 1976, sản lượng lúa cả nước đang là 11,8 triệu tấn; Năm 1980 chỉ còn 11,6 triệu tấn. Trong các năm từ 1981-1987, nhờ khoán ruộng cho nông dân (theo Chỉ thị 100), sản lượng lương thực mới tăng được lên 17 triệu tấn. Trong khi chỉ trong vòng tám tháng sau khi Bộ Chính trị đồng ý giao ruộng cho nông dân với quyền chuyển nhượng và thừa kế thì người dân đã làm ra một sản lượng lương thực tăng thêm 2 triệu tấn46.

Chỉ cần có đất trong tay, chỉ sau hai năm, người nông dân đã đưa sản lượng lương thực đạt tới mức mà Đảng mất hàng thập niên để ước mơ. Sản lượng lương thực vượt qua con số 20 triệu tấn trong năm 1989 và lên đến 21,46 triệu tấn trong năm 1990, đạt mức 24,5 triệu tấn trong năm 1993. Năm 1988 đang là một quốc gia đói kém, năm 1989, Việt Nam đã có hơn 1,4 triệu tấn gạo dư đem xuất khẩu. Vậy mà, để bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa Đảng vẫn không trả lại ruộng đất cho nông dân. Vẫn đặt cuộc sống của những người thực sự làm thay đổi hình ảnh quốc gia trong những rủi ro: hạn điền, thời hạn sử dụng và bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bị thu hồi đất. Đổi mới đã giúp cho cuộc sống của người dân Việt Nam khá dần lên: Tỷ lệ người nghèo giảm từ 51,8%, năm 1990, xuống còn 14,5%, năm 2008; Tỷ lệ người thiếu đói giảm từ 24,9%, năm 1993, xuống còn 6,9%, năm 200847. Đổi mới đã biến hàng triệu người vô sản trở thành doanh nhân. Ở tuổi 17, 18, cô học sinh Lý Mỹ đã để cho Đoàn Thanh niên cộng sản dắt tay cùng cán bộ cải tạo đi kê biên tài sản của chính cha mẹ mình (tháng 3-1978)48. Đổi mới đã đưa Lý Mỹ trở lại truyền thống gia đình, trở thành một nhà tư sản. Nhưng Lý Mỹ đã phải bước qua biết bao đau thương. Cũng như Lý Mỹ, con đường trở lại làm doanh nhân của hàng triệu người dân Việt Nam cũng thấm đẫm biết bao máu và nước mắt49.

Nhớ khi “cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia kiệt quệ, dân chúng lầm than, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Nhớ khi trả lại ruộng đất và một số quyền căn bản cho dân thì đất nước hồi sinh, đời sống người dân bắt đầu cải thiện. Bản chất của đổi mới là từ chỗ Đảng và Nhà nước cấm đoán, tập trung tất mọi quyền hành, đến chỗ để cho dân quyền được tự lo lấy cơm ăn, áo mặc.

Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”50. Không thể phủ nhận tầm nhìn của Hồ Chí Minh. Khi ông đưa ra tuyên bố này loài người chưa có Internet, thế giới chưa có toàn cầu hoá, độc lập dân tộc đối với người dân ở nhiều quốc gia vẫn được coi là vô cùng thiêng liêng.

Giá như không phải là ý thức hệ mà tự do và hạnh phúc của nhân dân mới là nền tảng hình thành chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, thì người dân đã tránh được chuyên chính vô sản, tránh được cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, tránh được Nhân văn – Giai phẩm, tránh được biết bao binh đao xung đột trong nội bộ dân tộc, gia đình.


  1. Lúc ấy là Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng. 

  2. Còn có lời đồn nói rằng ông là con của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên. 

  3. Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 26-7-2007. 

  4. Năm 2007, số liệu được chính thức công bố là 38,7%. Năm 2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cải chính bằng con số mới là 53,89%. Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012: Từ bất ổn đến con đường tái cơ cấu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì tăng trưởng tín dụng năm 2007 lên tới 53,89%. Các nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số 51%. 

  5. Ngày 25-5-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký nghị định 24, giành lấy quyền sản xuất vàng miếng cho nhà nước và buộc doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải có vốn trên 100 tỷ đồng. Quyết định này đã dẫn tới việc đóng cửa hàng ngàn cửa hàng kinh doanh vàng bạc và giúp cho SJC trở thành nhãn hiệu vàng độc quyền. Hai mươi ba năm trước đó, ngày 24-5-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Quyết định 139, cho phép tư nhân mở tiệm vàng với điều kiện chỉ cần ký quỹ 5 lượng (trước đó những người sở hữu từ 2 chỉ vàng trở lên bị coi là bất hợp pháp), chỉ sau hai tháng cả nước có tới 400 tiệm vàng. 

  6. Nguồn: Tổng cục Thống kê. (Mức tăng trưởng GDP của năm 2012 bị các nhà kinh tế nghi vấn vì năm 2009, để GDP tăng 5,89% mức tăng tín dụng phải đạt 39,6%, trong khi năm 2012, tín dụng chỉ tăng 7%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt 33,5% GDP, tức là thấp nhất trong vòng 12 năm qua mà GDP vẫn tăng được 5,03%). 

  7. Thời gian đầu sau Đại hội VIII, tuy là chủ tịch Quốc hội nhưng Nông Đức Mạnh không được đưa vào Thường vụ Bộ chính trị. Trước khi hết nhiệm kỳ, ông Nông Đức Mạnh làm hai việc tai tiếng: đưa con trai là Nông Quốc Tuấn, một người xuất thân là “lao động xuất khẩu”, năng lực giới hạn, lên làm bí thư Bắc Giang để được cơ cấu vào Trung ương. 

  8. Tướng Giáp phủ nhận giai thoại này, việc ông Mạnh đi Liên Xô học như đã nói ở trên là do chính sách đối với cán bộ người dân tộc. 

  9. Theo thư đề ngày 2-8-1994 của Tổng Biên tập Tuổi Trẻ gửi Ban Tuyên huấn Thành uỷ thì ông Nông Đức Mạnh đã yêu cầu báo Tuổi Trẻ phải kỷ luật phóng viên hỏi câu này, ông Mạnh nhầm Huỳnh Ngọc Chênh với phóng viên Tâm Chánh của Tuổi Trẻ

  10. Theo thư Phan Diễn gửi Võ Văn Kiệt ngày 19-1-2005. 

  11. Sáp nhập từ Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình. 

  12. Trả lời phỏng vấn Huy Đức, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 27, ngày 28-06-2001: “TBKTSG: Có ít nhất hai lần, khi lãnh đạo Đảng bàn nhân sự, nghe nói, đã đề cập đến ông như là một trong những nhân vật trung tâm, nhưng, cứ bàn đến ông thì ông lại vắng vì lý do đi thăm mẹ? Nguyễn Văn An (Cười to): Cái này là đi sâu vào đời tư đây. Làm cán bộ thì bao giờ cũng phải đặt lợi ích quốc gia lên trên. Nhưng cán bộ nào thì cũng là con người thôi, mà con người thì ngoài nghĩa vụ với đất nước còn phải có nghĩa vụ với những người ruột thịt, với mẹ. Mẹ tôi có ba người con gái, mình tôi là con trai, con trai út. Khi tôi ở Hà nội, tôi mời mẹ lên, mẹ không lên. Chị gái kế tôi bị đau chân không đi lấy chồng, mẹ thương chị nên ở lại Nam Định. Lúc ấy, anh Huỳnh Công Thơ, người giới thiệu tôi vào Đảng, đọc lý lịch tôi, thấy vậy nói : “An ơi, mày về Nam Định chăm mẹ đi, không sau này ân hận đấy”. Tôi nghe anh ấy, mặc dù bạn bè lúc ấy ai cũng khuyên nên ở Hà Nội. Sau này, trên lại điều tôi ra Hà nội. TBKTSG: Ông vẫn chưa nói về cuộc họp liên quan đến cương vị của ông mà ông xin nghỉ họp để về thăm mẹ? Nguyễn Văn An: Hôm ấy mẹ tôi bị bệnh. Cụ có người em họ làm y tá trong quân đội, mọi lần mẹ bệnh, ông ấy vẫn chữa cho, rất nhanh. Lần này, cụ không cho tiêm, người nhà mới gọi tôi về. Tôi về thì cụ đã quá sức, một tuần sau cụ đi. Mẹ tôi mất năm 97 tuổi, tôi cứ ân hận, nếu tôi có điều kiện chăm sóc, cụ có thể sống hơn trăm tuổi. Tôi nghĩ, với một cán bộ cũng như với một người bình thường, nghĩa vụ với bố mẹ, anh em rất quan trọng. Anh hiếu thì sẽ trung, anh trung thì sẽ hiếu”. 

  13. Ngày 27-6-2001, khi Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Văn An chỉ nhận được 60,02% số phiếu. 

  14. Chủ tịch Nguyễn Văn An trả lời phỏng vấn Huy Đức, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 28-6-2001: “TBKTSG: Thưa ông, ở Đại hội 9 vừa qua, danh sách bầu cử Ban chấp hành Trung ương đã nhiều hơn số cần bầu khá nhiều. Đặc biệt, danh sách bầu Bộ chính trị có tới 27 người để chỉ bầu lấy 15. Điều đó là cần để giúp cho các đại biểu có sự lựa chọn dân chủ. Tuy nhiên, ở đây lại xuất hiện một vấn đề khác, những người bỏ phiếu có thực sự biết rõ người họ bầu là ai không? Nguyễn Văn An: Để phát huy dân chủ trong công tác cán bộ không phải đơn giản. Muốn có dân chủ, theo tôi, phải có thông tin. Đại hội lần này, thông tin có khá hơn: phiếu trong Trung ương thế nào; ý kiến nơi cư trú thế nào, ở cơ quan thế nào; kết quả kiểm điểmTrung ương 6, lần 2 thế nào… đều được gửi đến đại biểu. Vấn đề là thông tin ấy phải chính xác, ví dụ thông tin ở nơi cư trú. TBKTSG: Nơi cư trú thì làm sao nhận xét chính xác về một cán bộ ở cấp Trung ương thưa ông? Nguyễn Văn An: Đúng là có những người có vấn đề mà nơi cư trú vẫn đánh giá tốt, có người có vấn đề ở mức độ, nơi cư trú nhận xét quá gay gắt. Khi ấy phải bổ khuyết bằng kết luận của Uỷ ban kiểm tra Trung ương của Bộ Chính trị. Nhưng đáng tiếc, có đại biểu nói là họ không đọc hoặc đọc không hết những tài liệu ấy. Không có gì tuyệt đối hết, muốn phát huy dân chủ thì thông tin là hết sức quan trọng. Ngay Quốc hội họp đây, thông tin đến đây như thế nào, khả năng tiếp nhận thế nào cũng là một vấn đề. Để thực hiện dân chủ không phải đơn giản. TBKTSG: Thưa ông, tại sao không phát huy dân chủ bằng cách cho tranh cử? Ta hay có ấn tượng với tranh cử nhưng tranh cử thực chất chỉ là một hình thức cung cấp thông tin cho người bỏ phiếu? Nguyễn Văn An: Đây là vấn đề lớn, vấn đề khó. Tranh cử có cái hay nhưng không phải không có cái dở. Để có một trình độ tranh cử văn minh không đơn giản, tranh cử không khéo sẽ thành tranh giành, cục bộ. Hiện giờ trong Đảng mình chỉ bàn bạc dân chủ rồi phân công. Đảng phải làm sao đảm bảo có dân chủ mà trong Đảng vẫn giữ được sự thống nhất. Vấn đề như tôi nói ở trên là “ý Đảng lòng dân” phải là một. Quốc hội là cơ quan đại biểu của nhân dân cho nên Đảng rất cần phải lắng nghe Quốc hội. Trước đây, có một số trường hợp chưa nghe hết ý kiến Quốc hội… TBKTSG: Nếu Đảng cử hai ứng cử viên cho mỗi chức danh thì thưa ông, khi bầu, Quốc hội có điều kiện lựa chọn tốt hơn chứ? Nguyễn Văn An: Chúng tôi cũng đã từng bàn. Nhưng đây là vấn đề rất nhạy cảm. Phải hết sức cân nhắc, phải lường trước hậu quả của nó. Thường thì vấn đề nhân sự, trong Đảng đã phải cân nhắc rất kỹ, bàn rất kỹ trước khi quyết định”. 

  15. Bài báo được đưa tờ Vietnamnet đưa lên: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-05-nguyen-chu-tich-quoc-hoi-ban-ve-phuong- thuc-cam-quyen-của-dang, nhưng, chỉ sau bốn mươi tám giờ, tổng biên tập của tờ Vietnamnet nhận được lệnh trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, buộc gỡ bỏ. 

  16. Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944 ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội – cha mẹ là nông dân – ông thuộc thế hệ đầu tiên “lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”. Ông Trọng được mô tả là mê văn học dân gian từ nhỏ. Năm 1963, ông vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và như nhiều học sinh, nghiên cứu sinh miền Bắc thời đó, thành công của Nguyễn Phú Trọng gắn liền với việc ngợi ca thơ Tố Hữu. Khoá luận tốt nghiệp đại học của ông là “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” được nói là đạt điểm tối ưu duy nhất của Khoá. Điều này đã giúp ông được kết nạp Đảng khi sắp sửa ra trường. Tốt nghiệp, ông được điều về Tạp chí Học tập (tiền thân của tạp chí Cộng Sản). Bài báo đầu tiên mà ông viết khi trở thành phóng viên của tờ tạp chí khô khan này được đăng trên một tờ báo bạn, ca ngợi thơ ca của Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Tuyên huấn, bài viết có tên “Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu”(tạp chí Văn Hoá 11-1968). Năm 1973, ông Trọng được đưa đi làm nghiên cứu sinh kinh tế chính trị tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, “tập trung nghiên cứu trực tiếp các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx – Lenin. Năm 1981, ông được đưa đến Liên Xô và trong vòng hai năm, ông vừa học tiếng Nga vừa lấy bằng phó tiến sỹ. Tháng 8-1983, ông Nguyễn Phú Trọng về nước làm phó Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản, một chức vụ có “hàm” vụ phó, tháng 8-1991, ông Nguyễn Phú Trong đã được đưa lên chức tổng biên tập với hàm Bộ trưởng; Tháng 1-1994, tại hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng, ông được đưa vào Ban Chấp hành Trung ương cùng với mười chín người khác. Tháng 12-1997, sau hơn một năm được “luân chuyển” xuống Hà Nội làm phó bí thư Thành uỷ, ông Trọng lại được bổ sung vào Bộ Chính trị; Tháng 1-2000, làm bí thư Thành uỷ Hà Nội kiêm nhiệm chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. 

  17. “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại là chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất là chủ yếu; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”. 

  18. Hội nghị lần thứ Năm (bế mạc ngày 15-5-2012) vẫn tiếp tục khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. 

  19. 1992-2002. 

  20. Phát biểu trong phiên bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, họp từ ngày 4 đến ngày 10-9-1980, Lê Duẩn nói: “Nhân đây, tôi nhấn mạnh một điểm rất quan trọng trong Dự thảo Hiến pháp mới là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân Đề ra như vậy hoàn toàn đúng với quy luật tiến lên chủ nghĩa xã hội, đúng với thực trạng ruộng đất nước ta, phù hợp với lợi ích của toàn xã hội và phù hợp lợi ích của chính nông dân. Thật vậy, nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội là tất cả những tư liệu sản xuất cơ bản phải thuộc về của chung. Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải thống nhất quy hoạch và có chính sách khai thác hợp lý, đầu tư thích đáng, bảo vệ và bồi bổ đất đai trên phạm vi cả nước cũng như ở từng vùng kinh tế, làm sao cho toàn bộ đất đai bảo đảm nuôi sống hơn 50 triệu người, làm sao đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa để phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá nước nhà. Chỉ với điều kiện chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân mới làm được như thế”. 

  21. “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội” mà ông Phan Văn Khải làm Tổ trưởng biên tập ghi: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Các hộ nông dân được Nhà nước giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài và cấp giấy chứng nhận. Luật pháp quy định cụ thể việc thừa kế và chuyển quyền sử dụng ruộng đất”. 

  22. Theo Báo cáo Tổng kết 32 năm phong trào hợp tác hoá nông nghiệp (1958-1990) thì sau một thời gian áp dụng Khoán 100, nhiều nơi, người lao động chỉ còn được hưởng 16-20% sản lượng lương thực mà họ làm ra khi nhận khoán. Động lực sản phẩm bị triệt tiêu, nông dân lại không có cảm giác an tâm vì sự bấp bênh ruộng khoán. Năm 1981, năm đầu thực hiện Chỉ thị 100, sản lượng lương thực trên cả nước tăng thêm một triệu tấn. Năm 1982, mức tăng bắt đầu chững lại; tới năm 1983, 1984 thì mức tăng giảm đáng kể. Tình trạng nông dân nợ “sản phẩm” tăng lên, nhiều nơi xã viên bắt đầu trả khoán. 

  23. Trước tình hình đó, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã cử một đoàn cán bộ kiểm tra về Thanh Hoá, nơi có “cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc. Ông Nguyễn Ngọc Thọ, thành viên trong đoàn kiểm tra này của Quốc hội, kể lại: “Ở một số xã gay go nhất của ba huyện Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia… làng xóm tiêu điều, người qua lại thưa thớt, ai cũng xanh xao, hốc hác, nhớn nhác đi tìm thức ăn. Những quả, củ, lá cây có thể ăn được đều đã bị đào bới, vặt trụi. Ruộng đồng, vườn tược xơ xác, chỉ còn vài mảnh nửa xanh, nửa úa vàng. Khi mà con người bị đói quá, không còn gì để ăn, thì mọi vật dụng quý giá xung quanh đều vô nghĩa. Có người đã dỡ nhà, chẻ cây que thành củi ra chợ đổi một bó lấy ba bát bột mì, bột ngô, nhưng rồi chẳng có ai còn bột mà đổi. Có người đem xe đạp Phượng Hoàng ra rao bán lấy mười lăm ký gạo, sau giảm xuống mười ký cũng không có ai mua. Đồng hồ, khuyên tai, nhẫn vàng… đều không có sức hấp dẫn nữa”. Trong một trận đói trước đó ở Thanh Hoá, theo ông Nguyễn Thành Thơ, phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông đã gặp một người đàn ông phải cắt bắp chân của mình để nấu cháo cứu con qua trận đói. 

  24. Nghị quyết 10 “về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” được Bộ Chính trị thông qua ngày 5-4-1988. (Khi làm trưởng Ban Cải tạo Nông nghiệp, Võ Chí Công đã cùng Tố Hữu, Vũ Oanh, hô hào xây dựng đại trà hình thức tập đoàn ở miền Nam. Năm 1981, Võ Chí Công nhận thấy sự bế tắc của hợp tác xã và tập đoàn, ông ủng hộ “khoán sản phẩm” và muốn cho khoán luôn tới hộ. Sau Đại hội V, khuynh hướng trở về với các nguyên tắc xây dựng xã hội chủ nghĩa lại trỗi dậy. Chính Võ Chí Công, ngày 3-5-1983, đã thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị 19, đốc thúc “cải tạo triệt để quan hệ sản xuất trong nông nghiệp”. Đói kém lại càng trầm trọng. Các nhà lãnh đạo trong đó có Võ Chí Công lại phải thay đổi bằng việc cho ra đời “Nghị quyết 10”). 

  25. Theo Nghị quyết 10: “Đối với đất trồng rừng và cây công nghiệp dài ngày, có thể giao quyền sử dụng từ 1 đến 2 chu kỳ kinh doanh. Đối với mặt nước và đất trồng cây lương thực, cây công nghiệp hàng năm, thời gian đó có thể từ 15 đến 20 năm”. 

  26. Ngày 11-3-1987, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký Quyết định 80-CT: “Bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông trong nước”. 

  27. Theo ông Nguyễn Thành Thơ, lúc bấy giờ là phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: “Một hôm, khoảng bảy giờ tối, anh Nguyễn Văn Linh kêu tôi đến, vào buồng vắng lạnh, anh ngồi bó gối nói: ‘Anh báo cáo tình hình nông dân cho tôi nghe’. Tôi báo cáo mặt tốt về chính trị xã hội, mặt khó khăn về kinh tế đời sống. Anh khoát tay: ‘Anh thấy không, họ ham xã hội chủ nghĩa hình thức, họ đánh sập nền kinh tế nông dân, nền kinh tế nông dân bị sập làm sao xây dựng nền kinh tế nào được anh!’. Rồi ông Linh nói: ‘Anh thương dân, thương nước, anh phải đi cởi trói cho nông dân’”. Sáng hôm sau, ông Nguyễn Thành Thơ quay lại, ông Nguyễn Văn Linh giải thích: “Quan điểm của tôi: Một, họ nói đất đai là sở hữu toàn dân, có chỗ nào nói sở hữu nhà nước đâu, họ quản lý muốn lấy đất ai họ lấy, lấy đất người này vụt qua đất người kia, lấy đất người kia vụt qua đất người nọ, nông dân không gắn với đất đai làm sao sản xuất tốt được. Hai, nông dân đổ mồ hôi và máu mới có đất, không ai được quyền tước đoạt, thế mà trắng trợn tước đoạt. Ba, Engels nói, ‘sự nghiệp hợp tác hoá là sự nghiệp thế kỷ, họ vào họ đưa đất vào họ ra thì họ lấy đất ra, thế mà tập đoàn viên, xã viên ở ta muốn ra không được lấy đất ra. Bốn, vấn đề giai cấp nông dân là vấn đề chính trị lớn, quyết định thành bại tồn vong của chế độ, của đất nước. Anh thương dân thương nước anh phải đi cởi trói cho nông dân. Anh làm họ bắn anh, nhưng vì dân vì nước anh vẫn phải làm”. Vào Nam, ông Nguyễn Thành Thơ gặp Võ Văn Kiệt tại Vĩnh Long, ông Kiệt nói: “Tôi khuyên anh nên thi hành ý kiến anh Nguyễn Văn Linh. Đó là NEP của Lenin chứ không có gì lạ. Anh tiến hành, họ sẽ bắn anh, nhưng anh không từ chối được vì anh đã nhận nhiệm vụ anh Linh giao. Anh đã lên ngựa làm sao anh xuống. Nhưng tôi sẽ đứng sau lưng anh, ủng hộ anh thực hiện”. 

  28. Ngày 14-4-1993, Đào Duy Tùng thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị: “Làm cho nhân dân, cán bộ, đảng viên nắm được những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta: toàn bộ đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước chỉ giao cho các tổ chức và cá nhân quyền sử dụng đất, không cho mua bán đất; bảo đảm cho những người làm nghề nông đều có ruộng đất để canh tác, Nhà nước giao ruộng đất cho nông dân sử dụng ổn định lâu dài theo thời hạn thích hợp, người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước”. Ban Bí thư cũng yêu cầu: “Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ, đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, các đoàn thể nhân dân khác và ban cán sự đảng của các cơ quan hữu quan ở Trung ương, lãnh đạo tốt việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân; theo dõi sát sao quá trình thảo luận trong phạm vi cả nước, kịp thời giải thích, uốn nắn những tư tưởng và việc làm lệch lạc; tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để chỉnh lý dự án luật trình Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến về những chủ trương lớn, làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua vào tháng 6-1993”. 

  29. Chủ tịch Lê Quang Đạo nói tiếp: “Ai trong chúng ta cũng nói lên tiếng nói của nhân dân, đại biểu cho nhân dân. Nhân dân cả nước có những nguyện vọng chung, giống nhau. Chúng ta đều ý thức điều này và đều ý thức tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng. Đảng không áp đặt, Đảng có chính kiến của mình và kiến nghị Quốc hội, nhưng những vấn đề thuộc chức trách, quyền hạn của Quốc hội là do Quốc hội quyết định… Điều 18 có những ý kiến khác nhau, chúng tôi đã xin Quốc hội cho chúng tôi đước cân nhắc thêm. Hơn nữa, khi công nhận chyển quyền sử dụng đất đai, đã bao hàm vấn đề thừa kế cho con cháu quyền sử dụng đất và luật sau này sẽ định chế thêm vấn đề này”. 

  30. Đại biểu Lê Minh Tùng, An Giang. 

  31. Một đại biểu của Thanh Hoá, ông Lê Văn Chỉ, nói: “Nếu không có thời hạn cụ thể thì thành ra sở hữu tư nhân rồi còn gì; điều đó sẽ gây ra tình trạng phân hoá giàu nghèo ngay và sau này khó xử lý”. Đại biểu Đặng Quốc Tiến, Bắc Thái, nói: “Đất ít, người đông, giao có thời hạn thì sẽ bảo đảm cho công tác điều chỉnh đất đai khi có biến động nhân khẩu”. Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, bắt đầu quan lộ từ một chủ nhiệm hợp tác xã, cũng sợ nếu giao đất lâu dài cộng với 5 quyền thì thành tư nhân hoá đất đai. Ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Thời hạn ghi trong Dự thảo là thoáng lắm rồi, đi nghĩa vụ quân sự 2 năm thì kêu dài giao đất 20 năm thì bảo ngắn”. Trong khi, một đại biểu đến từ Tây Ninh, ông Đặng Văn Lý, cho rằng: “Quy định thời hạn giao đất để làm gì, điều này sẽ làm người dân không yên tâm vì cho rằng Nhà nước lăm lăm lấy lại”. 

  32. Cho đến tháng 3-1995, chỉ có 23/1.112 trường hợp hợp thức hoá quyền sử dụng đất chịu đóng 100% tiền sử dụng đất. 

  33. Năm 1995, ông Bùi Văn Thanh mua của bà Nguyễn Thị Nương, ngụ tại ấp 7, xã Thanh Hoà, Lộc Ninh, Bình Phước một căn nhà kèm theo đất, hợp đồng mua bán được làm bằng giấy tay. Năm 1996, sau khi được Uỷ ban Nhân dân huyện Lộc Linh cấp sổ đỏ cho lô đất đã bán cho ông Thanh, bà Nương kiện đòi lại đất. Bà Nương đã thắng kiện vì Toà tuyên bố hợp đồng bà bán nhà đất cho ông Thanh là vô hiệu, vì vào năm 1995 bà Nương chưa được cấp sổ đỏ nên chưa có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Bản án sơ thẩm số 40/DSST ngày 31-12-2002 của Toà án huyện Lộc Ninh và Bản án phúc thẩm số 38/DSPT ngày 15-04-2003 của Toà án Tỉnh Bình Phước). Vụ tranh chấp kể trên không phải là trường hợp cá biệt ở Việt Nam. Quyền sở hữu trá hình không phải lúc nào cũng được thừa nhận. Nếu 5 quyền của người sử dụng đất được đối xử như một tài sản thiêng liêng của công dân thì phần nhà đất mà ông Thanh mua của bà Nương đã thuộc về ông Thanh ngay sau khi ông trả đủ tiền theo thoả thuận chứ không phải do nhà nước ban phát khi bắt đầu cấp sổ đỏ đối với ruộng đất, sổ hồng đối với nhà. Sổ đỏ, sổ hồng chỉ là một thủ tục ghi nhận giúp minh bạch hoá quyền tài sản của dân chứ tự nó không sinh ra quyền tài sản. 

  34. Ngày 22-6-1994, Luật thuế Chuyển quyền sử dụng đất được Quốc hội thông qua, theo đó: Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển quyền sử dụng đất, sẽ phải chịu thuế suất 10% nếu là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản và làm muối; 20% nếu là đất ở, đất xây dựng công trình chuyển nhượng lần thứ nhất; 5% với đất ở, đất công trình đã nộp tiền sử dụng đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất từ lần thứ hai trở đi; 40% với trường hợp quyền sử dụng đất đồng thời chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đặc biệt là từ đất trồng lúa ổn định, sang đất phi nông nghiệp. Ngày 21-12-1999, Quốc hội đã sửa đổi thuế suất theo đó, thuế chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, thuỷ hải san, làm muối chỉ còn 2%; chuyển quyền đất ở, đất công trình chỉ còn %. 

  35. Ngày 14-10-1994, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước khi được nhà nước giao đất và cho thuê đất. Trên cơ sở đó, ngày 13-2-1995, Chính phủ ban hành Nghị định 18. Theo đó: các tổ chức trong nước chỉ còn được quyền thuê đất. Nguyên tắc bất hồi tố trong dân sự đã không được áp dụng, Nghị định 18 còn buộc tất cả các tổ chức có đất đã được giao trước đó phải chuyển sang thuê đất. 

  36. Ngay sau khi có phản ứng của dư luận, người soạn thảo Pháp lệnh 14-10 và Nghị định 18, ông Tôn Gia Huyên giải thích: “Ta không có chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất, nên ta phải xử lý theo cách mà ta có thể vận dụng được trong nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân” (Trả lời phỏng vấn của Huy Đức, Tuổi Trẻ 16-3-1995). 

  37. Minh Phụng một doanh nghiệp chuyên về may mặc. Năm 1995, Minh Phụng có 10 phân xưởng gia công hàng may, quần áo và giày dép, xuất khẩu; 5 phân xưởng: dệt gòn, nhựa, sản xuất bao bì PP… có thời điểm thu hút trên 9.000 lao động. Nhưng, doanh thu từ các hoạt động đúng chức năng này chỉ chiếm một phần nhỏ. Từ năm 1993, bất động sản trở thành lĩnh vực kinh doanh chính của mình Phụng. Có những khu đất mà Minh Phụng mua chỉ mấy năm sau đã tăng giá lên hàng chục lần. Nhưng, Minh Phụng sau khi Pháp lệnh 14-10 và Nghị định 18 ra đời thị trường địa ốc bắt đầu đóng băng. Để có tiền trang trải, Minh Phụng và sau đó là đối tác của ông, ông Liên Khui Thìn, Tổng giám đốc công ty EPCO, đã phải nhập sắt thép, phân bón, bất chấp giá cả của các mặt hàng này với mục đích duy nhất là bán ra để có tiền mặt. Để lách luật, đối phó với quy định một doanh nghiệp không được vay, bảo lãnh vượt quá 10% vốn một ngân hàng, Minh Phụng và EPCO đã lập ra một hệ thống hàng chục “công ty con”, các công ty này được lập ra chủ yếu để ký các hồ sơ mở tín dụng thư, bảo lãnh hoặc vay vốn ngân hàng, lấy tiền cho Minh Phụng, EPCO đầu tư địa ốc. Chính quyền e ngại một sự sụp đổ nằm ngoài tầm kiểm soát. Ngày 24-3-1997, vào lúc 1:30 chiều, Tăng Minh Phụng bị bắt và gần như cùng lúc, công an bắt tiếp đối tác của ông: ông Liên Khui Thìn. Ông Tăng Minh Phụng được tiếng là một người dồn hết thời gian và sức lực của mình để xây dựng cơ nghiệp. Nhưng, món nợ của ông và đối tác EPCO là quá lớn, gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD, trong khi khối tài sản của ông, trên 390 danh mục, gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự v.v… chỉ được Toà định giá 2.232 tỷ đồng. Năm 1999, ông bị toà tuyên án tử hình vì tội “lừa đảo”, ngày 17-7-2003, Tăng Minh Phụng cùng một bị cáo khác bị hành quyết. Bị án tử hình Liên Khui Thìn sau đó được giảm án xuống chung thân. Cũng bằng phương thức kinh doanh địa ốc tương tự, Giám đốc Tamexco Phạm Huy Phước, Giám đốc công ty Bình Giã Trần Quang Vinh cũng bị tử hình, án thi hành năm 1998. 

  38. Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX, Chính phủ đã gửi tới các đại biểu Quốc hội một báo cáo nói rằng, ngân sách 1995 sẽ thất thu hơn 1000 tỷ đồng vì những ách tắc do thực hiện Pháp lệnh 14-10 và Nghị định 18. 

  39. Luật có hiệu lực từ 1-1-1999, tuyên bố hết hiệu lực với Pháp lệnh 14-10-1994; Pháp lệnh sửa đổi ngày 27-8-1996. 

  40. Thay vì phải thuê, Luật chỉ coi thuê đất như một lựa chọn, các “tổ chức kinh tế” không chỉ được giao đất “xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê, xây dựng kết cấu hạ tầng” mà còn được giao đất để “làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh”. Luật còn giao đất cho “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” được giao đất để “thực hiện các dự án đầu tư”. 

  41. Theo Điều 75 Luật Đất đai 1993 và Điều 706 Bộ luật Dân sự năm 1995: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp để trồng rừng chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi “chuyển đến nơi cư trú khác để sinh sống; chuyển sang làm nghề khác; không còn hoặc không có khả năng trực tiếp lao động”. Luật Đất đai năm 2003 cho phép cá nhân, tổ chức, hộ gia đình được chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không cần những điều kiện này. 

  42. Huy Đức, Tuổi Trẻ 12-11-1998. 

  43. Nghị định 181 hướng dẫn chi tiết thi hành. Theo đó, ngoài các trường hợp xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế như luật định, Nhà nước còn được thu hồi đất đối với các dự án: a) Đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch (với điều kiện dự án thuộc nhóm A và không thể đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế); b) Các dự án sử dụng vốn ODA; c) Các dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài (với điều kiện dự án không thể đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế). Chỉ riêng loại dự án thuộc nhóm A, theo quy định tại Nghị định 16 (sau đó được thay thế bằng Nghị định 12), được chi tiết hoá thành trên 50 lĩnh vực khác nhau ngoài ra còn đưa thêm các khái niệm như “dự án xây dựng khu nhà ở”, “dự án xây dựng công trình dân dụng khác”. 

  44. Nghị định 84 năm 2007 bổ sung một loạt khái niệm không có trong Luật Đất đai như “Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế quan trọng”; Nhà nước thu hồi đất để “xây dựng các khu kinh doanh tập trung”. Theo đó, các dự án khu dân cư (bao gồm dự án hạ tầng khu dân cư và dự án nhà ở), trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp; dự án khu thương mại – dịch vụ, khu vui chơi giải trí ngoài trời, khu du lịch… đều thuộc danh mục Nhà nước thu hồi đất để phát triển, xây dựng. Danh mục các trường hợp Nhà nước thu hồi đất còn được mở rộng hơn khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 06 hướng dẫn thi hành chi tiết. 

  45. Ngày 5-1-2012, khi bị huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, cưỡng chế thu hồi 19,5 hecta đất đầm do chính anh khai hoang, lấn biển và được huyện, năm 1997 giao với thời hạn 14 năm, người nhà anh Vươn đã dùng súng đạn ghém bắn bị thương 6 công an và bộ đội. Anh Vươn và 3 người em sau đó đã bị bắt, bị khởi tố với tội danh giết người. Ngày 24-4-2012, 160 hộ dân Văn Giang, Hưng Yên, đã chống lệnh cưỡng chế thu hồi đất của họ giao cho dự án Ecopark. 

  46. Nghị quyết 10 ban hành tháng 4-1988 trong năm ấy sản lượng lương thực tăng lên 2 triệu tấn. 

  47. Năm 1995, sau gần 10 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người tính theo sức mua, Việt Nam vẫn thua Thái Lan 4,4 lần, thua Singapore 27 lần và thua Hàn Quốc 13 lần. Năm 2009, theo Báo cáo Phát triển Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn bị tụt hậu 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Nhưng, “cơm, áo” chỉ là một phần nhu cầu của con người. Người dân Việt Nam còn xứng đáng được hưởng những giá trị mà người dân ở các quốc gia tự do đang được hưởng. 

  48. Xem Chương III: Đánh Tư Sản

  49. Mặc dù tuyên bố từ con để gây áp lực nhưng trước khi ra đi theo “Phương án II”, ông Lý Tích Chương đã tìm một người Hoa thân tín, gửi lại 10 lượng vàng, dặn cứ để cho Lý Mỹ nếm cực khổ, tới khi nào cô không chịu nổi nữa thì đưa số tiền ấy cho cô vượt biên. Khi ngôi nhà cha mẹ để lại cho Lý Mỹ bị chiếm mất, thay vì đấu tranh để trả lại tài sản cho cô, Lý Mỹ lại được động viên, “lý tưởng Đoàn không cần tài sản”. Nhưng kể từ đó, cho dù được những đoàn viên cộng sản thế hệ 30-4 cố gắng quan tâm, Lý Mỹ bắt đầu khép mình, cô độc. Đêm nào Lý Mỹ cũng phải sống trong nước mắt, phải sống trong những lúc đói quay quắt, những lúc bị đòi nợ… Chính tình thương yêu gia đình đã giúp Lý Mỹ vượt qua những cám dỗ. Cô tiểu thư con nhà tư sản ấy, mỗi tối lại đi bưng cà phê, đi dọn bàn kiếm tiền… để học xong đại học. Năm 1985, không thấy Lý Mỹ vượt biên, người bạn của gia đình mới trao lại 10 cây vàng cho cô làm ăn. Đến lúc ấy, Lý Mỹ mới biết, chuyến vượt biên của gia đình thành công. Nhưng trong thời gian ở trại tị nạn Malaysia, ông Lý Tích Chương lâm bịnh. Vào đúng hôm gia đình được chấp nhận đi định cư ở Úc, ông Chương mất. Tuy Lý Mỹ đã không bỏ Việt Nam ra đi như gia đình cô tiên liệu, nhưng cô cũng không trở thành một Pavel Korchagin (Nhân vật trong tiểu thuyết How the Steel Was Tempered của Nikolai Ostrovsky). Như một thanh thép đã được tôi, Lý Mỹ tự chọn lấy con đường cho mình. Cô nữ sinh điển hình trong chiến dịch cải tạo tư sản năm 1978, 30 năm sau, lại trở thành một nhà tư sản. Lý Mỹ hiện cùng chồng, hoạ sỹ Nguyễn Văn Vinh, sở hữu bốn công ty kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông và xuất nhập khẩu. 

  50. Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2000, tập 4, trang 64-66.