Theo một tài liệu được tiết lộ tại Quốc hội, thì từ khi trở lại chức vụ giám đốc Việt Nam vụ, ông Kettenburg chủ xướng một phong trào chống ông Diệm, gây ác cảm với ông Diệm trong hàng ngũ chính khách và Bộ ngoại giao Mỹ. Ông đã thành công ngoài sức tưởng tượng, nhờ những sự vụng về của ông Diệm trong vụ Phật giáo. Báo chí Mỹ khi nghe nói đến đàn áp tôn giáo thì lập tức có thiện cảm với kẻ bị đàn áp và chống lại chính quyền chủ trương đàn áp.
Một bằng chứng khác về thái độ ác cảm của Mỹ lúc bấy giờ đối với ông Diệm, là trước ngày đảo chính vài tháng Mỹ ngưng tài trợ cho LLĐB, do đại tá Lê Quang Tung chỉ huy, chỉ vì một lý do duy nhất là đơn vị thiện chiến này ủng hộ ông Diệm.
Mặc khác, Mỹ cũng ngưng viện trợ mười hai triệu Mỹ kim cho Việt Nam để mua thực phẩm và máy móc. Những hành động có tính cách áp lực của Mỹ lập tức gây ra những hậu quả trông thấy. Trước hết một số tướng lãnh, quân nhân cao cấp nhận thấy Mỹ đã bật đèn xanh cho họ tổ chức đảo chánh. Ngoài dân chúng, vật giá vọt tăng lên gây bất mãn nặng nề đối với chếh độ hiện thời. Giá Mỹ kim đang ở khoảng 75$ Việt Nam tăng vọt giá gấp đôi, một Mỹ kim đổi được một trăm bảy mươi đồng Việt Nam.
Ông Diệm và ông Nhu biết những tin đồn về một cuộc đảo chánh, nhưng vẫn không tin rằng Mỹ chủ động.
Tuy nhiên hai ông cũng biết rằng ông đại sứ Henre Cabot Lodge lúc mới đến Sài Gòn, trước khi vào trình uỷ nhiệm thư đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo phong trào Phật giáo đấu tranh chống ông Diệm. Trong một cuộc tiếp xúc với ông Lodge, ông Diệm nêu lên những tin đồn về một cuộc đảo chánh và hỏi thái độ của Mỹ, của Toà đại sứ Mỹ trong trường hợp đó như thế nào. Ông Lodge đã trả lời cách mỉa mai rằng Toà đại sứ Mỹ lúc nào cũng sẵn sàng giúp ông bảo toàn tánh mạng và ra khỏi nước yên lành.
Đêm hai mươi bốn tháng tám, một điện tín khẩn của Bộ ngoại giao Mỹ theo lối ám hiệu phổ biến trên đài tiếng nói Hoa Kỳ: Nhờ bạn mua dùm một chai huyt-ki tại P.X, đó là ám hiện nói rằng ngày giờ hành động (đảo chánh) đã rất gần, hãy chuẩn bị gấp. Cũng trong chương trình phát thanh đó, đài tiếng nói Hoa Kỳ công khai xúi giục các đơn vị quân đội chống lại ông Diệm.
Hôm sau, ông Diệm điện mật cho các chỉ huy trưởng gởi kiến nghị và điện văn để chống lại lời xúi giục của Mỹ và lên tiếng ủng hộ ông.
Tôi vừa buồn phiền, vừa lo lắng khi nghe những tin tức trên đây, và mong muốn được hiểu rõ tình trạng trong nước hơn, nhưng như đã nói lúc này ông Diệm cho người canh chừng tôi, báo cáo lên ông Nhu và ông Diệm mọi sự đi lại của tôi nên tôi không thể đến gặp bất cứ ai, nhiều khi tôi muốn viết một bản điều trần thứ hai, cảnh giác ông Diệm một lần chót.
Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã làm hết sức mình. Ông Diệm đã nghe ý kiến tôi, bây giờ có nhắc lại những khuyến cáo chân thành trước, thì chỉ làm cho ông Diệm khó chịu mà chẳng ích lợi gì. Tôi cũng hết sức thất vọng từ khi nghe Đức khâm sứ nói chuyện với tôi và cho biết ông Diệm đã có thái độ và đường lối chủ trương cứng rắn, sau cuộc họp Hội đồng gia tộc thu hẹp.
Tôi chẳng còn biết làm gì hơon là ngồi nhà mở radio nghe đủ các đài và càng nhận thấy rõ ràng hơn là người Mỹ đã thực hiện lời đe doạ trước đây, nhắn nhỉ qua tôi: cuối năm 1963 phải thanh toán ông Diệm thực sự.
Một sự nhầm lẫn tai hại khác của ông Diệm là đã chọn một vị tướng lãnh làm Tổng trấn Sài Gòn, lúc bấy giờ, vì tin tưởng vị tướng ấy trung thành tuyệt đối với ông, với chế độ. Quả thực lúc đầu tướng Đ. lên nắm quyền Tổng trấn chưa có ý nghĩ lật đổ ông Diệm.
Nhưng vào giữa tháng 10 khi tướng Đ. tìm cách đưa các đơn vị LLĐB của đại tá Lê Quang Tung đi xa Sài Gòn lấy cớ rằng các mặt trận khác cần đến LLĐB hơn là Sài Gòn vì tại Sài Gòn, ông đủ quân số thiện chiến và trung thành phòng ngừa mọi bất trắc, thì người ta thấy ngay sự thay đổi lập trường của tướng Đ.
Tôi nghe một nhà báo Mỹ nói rằng Mỹ và những kẻ chủ mưu đã tốn rất nhiều công khó và cơ mưu để thu phục tướng Đ về phe đảo chánh.
Tôi nghe một nhà báo Mỹ nói rằng, Mỹ và những kẻ chủ mưu một nhân viên C.I.A Mỹ đã tiếp xúc với một thầy tướng số mà tướng Đ rất tin nghe để ông thầy tướng này dùng tướng số bói toán lung lạc lập trường của tướng Đ. Người Mỹ đã nghiên cứu kỹ tính tình, tâm lý và gần như là một cuộc phân tâm học kỹ lưỡng cho tất cả các tướng lãnh Việt Nam có chức quyền thời bấy giờ, và đã dựa vào những hiểu biết tâm lý đó để xúi giục họ chống lại ông Diệm. Đại loại thì lúc bấy giờ ông tướng này cũng thấy mình nhỏ bé trước mặt ông Diệm, Đức cha Thục và cả bà Nhu và họ đã dùng những người thân cận để nịnh bợ, đề cao, xúi giục.
Một người Mỹ, sau ngày đảo chánh đã kể lại rằng những tướng lãnh Việt Nam rất tin tướng số. Người Mỹ biết điều đó đã khổ công mua chuộc các thầy tướng số được các tướng lãnh tin nghe để các ông thầy tướngn ói cho họ rằng còn ông Diệm thì sự nghiệp quân sự và chính trị của họ khó mà thành công được.
Các thầy tướng tường thạo chữ nho, dùng lối chiết tự tên tuổi của các tướng lãnh, nói tên của những người trong gia đình họ Ngô, để chứng minh rằng trên cuộc đời của họ có một chướng ngại vật to lớn mà theo lối chiết tự, thì chướng ngại vật đó không ai khác hơn anh em ông Diệm. Từ chỗ đó gợi cho họ có ý phải loại trừ ông Diệm, quả thật chẳng khó khăn chi lắm. Người Mỹ cũng đã hết ủng hộ ông Diệm và bất cứ hành động chống đối ông Diệm nào cũng được Mỹ thuận tình.
Sau ngày Quốc khánh năm 63, tức là ngày 26-10, những tin đồn về các cuộc đảo chánh lại càng được loan truyền khắp nơi. Tôi chẳng đi đâu cũng được nghe đầy đủ những tin đồn đó. Hình như ngày 30 hay 31-10 tôi được một người quen cho biết các đơn vị LLĐB của đại tá Tung đã được lệnh của Tổng thống rời Sài Gòn gấp. Ngày 31-10 ông Diệm tuyên bố trả tự do cho tất cả những tăng ni Phật tử bị bắt trong các cuộc biểu tình và khám xét chùa chiền trước đây.
Điều kỳ cục là chính tin này đã làm cho cuộc đảo chánh xảy ra ngày hôm sau, 1-1. Điều đó nghĩ lại cũng dễ hiểu. Phe chủ trương đảo chánh có một số người Mỹ trong đó, lo sợ biện pháp hoà dịu của ông Diệm sẽ làm cho Phật giáo hết chống đối chế độ, và như thế đã gỡ được một cái ngòi chống đối, cho nên họ phải hành động gấp trước khi những kẻ bị bắt giam thật sự được phóng thích. Trước hành động này của ông Diệm hình như một số người Mỹ trong đó có đại sứ Lodge có vẻ bớt quyết liệt trong chủ mưu hạ ông Diệm.
Trong cuộc tiếp xúc cùng ngày 1-11-1963 giữa ông Diệm và ông Lodge và Đô đốc marry Felt, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Viễn đông ở dinh Gia Long, ông Lodge đã nói rằng ông hy vọng tình hình chính trị sẽ được cải thiện. Đô đốc Felt rời Sài Gòn ngay sáng hôm đó, và hình như những người Mỹ tổ chức chương trình thăm viếng Đô đốc Felt muốn tránh cho ông trường hợp khó xử trên nếu ông ở lại thêm vài giờ. Điều này đủ chứng tỏ người Mỹ biết rõ cuộc đảo chánh sắp xảy ra trong ngày này.
Cuộc đảo chánh đã được quyết định vào ngày 1-11, thứ sáu nhằm lễ các Thánh giờ khởi sự định vào lúc 1 giờ 30 chiều. Trong sáng thứ sáu 1-11, dân chúng thấy nhiều đoàn xe nhà binh chở đầy lính tráng có súng ống chạy qua lại nhiều đường phố Sài Gòn.
Những việc tôi kể sau đây, đúc kết những tin tức, hiểu biết thu lượm về sau, về sự chính xác khó được hoàn toàn. Sáng 1-11, khoảng chín giờ, Đô đốc Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh hải quân Việt Nam tiếp hai sĩ quan thân cận đến chúc mừng ngày sinh nhật của ông.
Mở đầu câu chuyện hai người này yêu cầu ông Quyền theo phe Cách mạng, nhưng ông Quyền từ chối và đã bị bắt lên xe hơi đem ra ngoại ô thủ tiêu ngay lập tức. Tuy vậy Hải quân vẫn trung thành với ông Diệm.
Vào trưa ngày thứ sáu, các đơn vị tham gia cuộc đảo chánh đã chiếm giữ các vị trí then chốt trong và quanh đô thành bao vây dinh Gia Long, thành Cộng Hoà, tức là căn cứ của Liên binh phòng vệ phủ Tổng thống, tiếng súng đầu tiên nổ khoảng 1 giờ 30. Chỉ có hai nơi chống trả thật sự là Bộ Tư lệnh hải quân ở bến Bạch Đằng và thành Cộng Hoà.
Vào lúc gần 5 giờ chiều, đài phát thanh Sài Gòn loan tin cuộc đảo chánh và đọc đi đọc lại nhiều lần tuyên ngôn của phe đảo chánh. Lúc đó ông Diệm điện thoại cho đại sứ Lodge báo tin rằng một vài đơn vị quân đội nổi loạn và hỏi thăm thái độ của Mỹ đối với vụ này ra sao. Ông Lodge trả lời lạnh lùng rằng: ông đang nghe một vài tiếng súng ngoài đường phố, và nếu ông Diệm cần được bảo đảm sự an toàn sinh mạng thì ông có thể cho một trực thăng đến chở hai anh em ông đến Toà đại sứ, lên Tân Sơn Nhất đi ngoại quốc. Nghe đâu ông Diệm và ông Nhu đã giận dữ nói rằng: ông sẽ dẹp tan đám quân nổi loạn hôm nay như đã làm lần trước 11-11-1960. Ông Lodge nhắc lại rằng nếu ông Diệm và ông Nhu cần giúp đỡ để bảo vệ sinh mạng và ra ngoại quốc thì lúc nào ông cũng sẵn sàng.
Vào sẫm tối khoảng 8 giờ chiều anh em ông Diệm thoát ra ngõ sau dinh Gia Long, nghe nói theo một đường hầm từ dinh trổ ra một căn nhà ở đường Lê Thánh Tôn, rồi dùng xe hơi mang bảng số đến nhà Mã Tuyên. Tại đây ông Diệm và ông Nhu vẫn chưa hiểu rõ tình hình, tin tưởng rằng tướng Đ. vẫn còn trung thành và gọi điện thoại cho tướng Đ. nhiều lần.
Lần cuối tướng Đ. đã xẵng giọng trả lời ông đã cứu thoát ông Diệm nhiều lần, nhưng lần này thì không thể được. Có lẽ chính những lần gọi điện thoại đã giúp cho phe đảo chánh biết được nơi ẩn nấp của ông Diệm và ông Nhu. Sáng ngày thứ bảy 2-11, ông Diệm và ông Nhu vừa từ nhà Mã Tuyên đến nhà thờ Thánh Phan-Xi-Cô Xa Vi Ê còn được gọi là nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn được vài phút thì ba xe thiết giáp đến bao vây nhà thờ.
Tướng Mai Hữu Xuân đích thân chỉ huy cánh quân này cùng với thiếu tá Nguyễn Văn Nhung, tuỳ viên của tướng Dương Văn Minh.
Quân đảo chánh ập vào nhà thờ, bắt trói anh em ông Diệm kéo lên xe thiết giáp. Những chuyện xảy ra sau đó được kể lại tuỳ theo từng nhân chứng, có nhiều chi tiết mâu thuẫn.
Trong ngày thứ bảy 2-11, đài phát thanh loan tin anh em ông Diệm tự tử sau khi bị bắt. Sau đó lại có bản tin nói rằng ông Nhu đã chống cự, xỉ vả quân cách mạng gây một cuộc xô xát nên bị bắn chết và cái chết xảy ra như một tai nạn vô tình.
Khi xác chết anh em ông Diệm được đưa vào nhà thương Saint-Paul thì dây trói quặt cánh khuỷu hai người vẫn còn nguyên.
Trên ngực ông Nhu có nhiều vế thương sâu do dao đâm vào và một vết đạn súng lục trên đầu. Trên thân thể ông Diệm, chỉ có một vết thương ở đầu.
Một người lính thiết giáp kể rằng ông Nhung (thiếu tá) vốn có một người bà con theo đảng Đại Việt bị bắt và xử tử hay thủ tiêu trong thời kỳ cực thịnh của chế độ họ Ngô, đã cãi vả mắng chửi ông Nhu.
Ông Nhu nhìn ông Nhung cách lạnh lùng, khinh bỉ, và nói vài tiếng tỏ ý khinh miệt.
Ông Nhung đã giật súng có gắn lưỡi lê của một người lính thiết giáp đâm ông Nhu nhiều lát sau lưng, rồi ông Nhu ngã gục nhưng vẫn chưa chết ngay, thì ông Nhung bắn một phát đạn súng lục vào đầu. Các cuộc khám nghiệm sau đó và các phóng ảnh cho thấy ông Nhu bị nhiều vết thương do vật bén nhọn đâm từ lưng trổ ra bụng, và một vết đạn ở đầu.
Sau khi ông Nhu bị đâm nhiều lát, ông Nhung đã bắn một phát súng lục vào đầu ông Diệm, và phát đạn này kết liễu cuộc đời ông Diệm ngay lập tức.
Một người khác kể thêm rằng, khi bắt được hai anh em ông Diệm trói quặt cánh khuỷu, dẫn từ trong nhà thờ ra xe thiết giáp, tướng Mai Hữu Xuân đã đánh điện về các tướng lãnh tại Bộ Tổng tham mưu chỉ huy cuộc đảo chánh xin chỉ thị, sau một lúc bàn cãi, các tướng lãnh đã bỏ phiếu với đa số quyết định phải thủ tiêu ông Diệm gấp, vì lo sợ nếu để ông Diệm sống sót, thì một số đơn vị quân đội có thể ủng hộ ông chống lại phe đảo chánh.
Hiện nay về cái chết của anh em ông Diệm, nhiều người trong cuộc biết rõ, nhưng phần lớn đang sống nên không ai chịu nói ra, vì vậy nhiều bí mật vẫn còn bao trùm xung quanh. Một điều làm tôi chua xót là chuyện ông Cẩn.
Ông Cẩn khi hay tin hai ông Diệm và Nhu bị giết, đã liên lạc với Toà lãnh sự Mỹ tại Huế xin được tị nạn trong Toà lãnh sự Mỹ nhưng đã bị từ chối và hình như chỉ thị từ chối từ Toà Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn gởi ra.
Lúc bấy giờ ông Cẩn đã đến ẩn núp tại dòng Chúa cứu thế ở Huế, và các Cha dòng Chúa cứu thế muốn cho ông Cẩn được an toàn tính mạng đã xin cho ông Cẩn được tị nạn trong Toà lãnh sự Mỹ.
Toà lãnh sự Mỹ điện cho Toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, và một máy bay Mỹ ra Huế chở ông Cẩn vô Sài Gòn tưởng là để cho ông Cẩn tị nạn tại Toà Đại sứ, chờ cơ hội ra khỏi nước nhưng sự kiện đau đớn là Toà Đại sứ Mỹ đã giao ông Cẩn cho phe đảo chánh. Về trách nhiệm của Mỹ trong vụ đảo chánh này tôi xin ghi lại một đoạn trong những lời tiết lộ của ông Nhu với nữ ký giả Sugan Lebin:
“Ông Lodge luôn luôn hành động chống lại chúng tôi, với một thành kiến bất di bất dịch mà quan thái thú tại một xứ bảo hộ có thể có được, trước đây ba mươi năm đối với một xứ bảo hộ. Mặc dù Tổng thống Ngô Đình Diệm cố gắng hết sức để chứng minh rằng mỗi cái trò chơi của ông Lodge chắc chỉ có thể làm lợi cho Cộng sản, và đang rơi vào bẫy của Cộng sản nhưng càng cố gắng chứng minh sự thật, thì ông Lodge lại càng hiểu ngược ý chúng tôi.
Ông Lodge đã có gan buộc tôi và vợ tôi rời khỏi Việt Nam. Cô thử tưởng tượng nếu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn lên tiếng buộc Tổng thống Kennedy phải ra lệnh cho bào đệ của ông là TNS Robert Kennedy và em dâu phải rời Mỹ, thì phản ứng của gia đình Kennedy sẽ như thế nào?
Theo những gì chúng tôi được nghe, được thấy, thì ông Đại sứ Lodge không hề làm phận sự một Đại sứ tại quốc gia độc lập đồng minh, là nâng cao tinh thần chiến đấu và hợp tác của quân đội Mỹ được gởi đến đây giúp chúng tôi chống Cộng sản mà ông ta chỉ lo việc âm mưu chống lại chính phủ hợp pháp mà ông đã đến trình uỷ nhiệm thơ…”
Nhìn lại tấn tuồng đảo chánh những việc trước và sau đó chúng ta không khỏi bùi ngùi cho số phận một dân tộc nhược tiểu, mang tiếng độc lập, nhưng mối dây cai trị đều trong tay một thế lực ngoại quốc.
Sau ngày lật đổo chế độ Ngô Đình Diệm, những xáo trộn và hỗn loạn chính trị, xã hội đã xảy ra đúng như sự lo sợ của tôi. Một vài người biết sự bạc đãi của ông Diệm đối với tôi trong ngày cùng của chế độ, đã đến gặp tôi gần như để chia mừng. Có người nói với tôi: Những điều Cha cảnh cáo cụ Ngô bây giờ xảy ra đúng như tiên tri, có lẽ Cha hài lòng lắm. Tôi đã cau mặt xin người đó đừng nói vậy, vì dù sao thì ông Diệm đối với Tôi cũng có mối tình tri ngộ, tình bằng hữu.
Tôi không hề mong cho ông Diệm và các chế độ của ông sụp đổ mà chỉ mong sao cho ông và chế độ của ông tránh được những lầm lỗi để tồn tại, hướng dẫn dân tộc Việt Nam qua đại nạn. Tôi đau xót nhiều hơn là hài lòng vì mình biết rằng những điều phải xảy ra.
Vài ngày sau khi hay tin ông Diệm mất, tôi được biết những đứa con của ông Nhu còn được phe cách mạng giam giữ.
Chính thức tôi không có tư cách gì để can thiệp nhưng tôi đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Công giáo trong đó có Đức Khâm sứ Toà thánh, để ngỏ ý nhờ ngài can thiệp cho những đứa con của ông Nhu được gởi sang La Mã gặp bà Nhu. Hình như lúc bấy giờ phe cách mạng đang gặp những phản ứng bất lợi của giới ngoại giao tại Sài Gòn, và dư luận thế giới cho nên muốn có cơ hội xoa dịu sự phẫn nộ của giới ngoại giao và dư luận thế giới bằng hành động nhân đạo.
Việc cho phép các con ông Nhu đi ngoại quốc đã được coi như cơ hội chuộc tội và phe cách mạng đã cho các con ông Nhu ra ngoại quốc một cách dễ dàng.
Những ngày đầu tháng 11 thỉnh thoảng tôi ra đường nhìn cảnh tượng sinh viên dân chúng hân hoan chào mừng những đơn vị tham dự đảo chánh, hò reo ủng hộ các tướng lãnh đảo chánh, tôi thấy lo hơn mừng. tôi biết phản ứng của đám đông, nhiều khi chân thành nhưng sai lầm, thiếu thận trọng và đắn đo. Sự bồng bột của đám đông là sức mạnh lớn, đáng sợ nhưng khó bền bỉ nếu không được nuôi dưỡng và sẽ rất nguy hiểm, nếu bị hướng dẫn sai lầm. Tôi lo sợ những phản ứng quá khích của dân chúng và phe cách mạng sẽ đạp đổ mọi công trình xây dựng của ông Diệm, kể cả những việc làm chính đáng hữu ích cho dân tộc.
Tôi nghe kể những màn cướp giựt, hôi của dinh Gia Long, những cảnh đốt phá đối với vài cơ sở được coi là của chế độ cũ hay thân chế độ cũ mà ngao ngán.
Tôi lại nghe một tướng lãnh cầm đầu phe cách mạng tuyên bố rằng ấp chiến lược không cần thiết, không ích lợi, những hàng rào quanh ấp chiến lược là hàng rào nhà tù.
Không cần ông phải ký sắc lệnh cho phép dân chúng phá các hàng rào ấp chiến lược thì các cán bộ nằm vùng của Cộng sản cũng dựa lời tuyên bố vội vàng hớ hênh đó, giải thích sai lạc thêm lời tuyên bố đó, để mở ra một phong trào phá bỏ ấp chiến lược, gỡ rào, san bằng hào luỹ giải giới thanh niên chiến đấu. Nhiều ấp chiến lược trước đây lập được những thành tích ngăn chận Cộng sản hữu hiệu, nay thanh niên chiến đấu và cán bộ công dân lo sợ bị tân chế độ đàn áp bắt bớ, vứt súng bỏ trốn, bỏ ngỏ các ấp chiến lược lại cho du kích Việt cộng và các cán bộ nằm vùng. Việt cộng xúi dân nổi lên phá hàng rào, san luỹ, giải giới thanh niên chiến đấu, mở ngỏ đón bọn Cộng sản nằm vùng. Nhiều ấp chiến lược kiểu mẫu, qui tụ phần lớn giáo dân trở thành nạn nhân đầu tiên của phong trào sai lầm này.
Tại thành phố Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế một vài hành động kỳ thị tôn giáo được khai thác, thổi phồng. Những đám đông Phật giáo quá khích suy luận sai lầm, qui tội lỗi cho Công giáo rục rịch kéo đến xóm đạo mở đầu những cảnh đốt phá hành hạ đàn áp giáo dân.
Rất may uy tín và uy quyền của Mỹ tại Việt Nam còn rất mạnh, và các tướng lãnh thuộc phe đảo chánh cũng rất sợ dư luận Mỹ cho nên đã kịp thời ngăn chận những vụ kỳ thị tôn giáo vừa phát khởi, như vụ lộn xộn ở khu trường Nguyễn Bá Tòng, Thanh Bồ, Đức Lợi. Tuy vậy một bàn tay bí mật nào đó có thể là Cộng sản đã cố tình thổi phồng sự kỳ thị tôn giáo, gây thêm hiềm khích và chia rẽ giữa người Công giáo Việt Nam và dân chúng Việt Nam không Công giáo.
Cũng rất may các lãnh tụ Phật giáo nhiều lần chính thức lên tiếng khuyên ngăn những vụ kỳ thị do các đám đông quá khích gây ra ở một vài nơi. Nhờ những điều đó mà nạn kỳ thị tôn giáo, bắt bớ người công giáo đã không xảy ra quy mô và toàn diện như lo sợ của tôi.
Cũng vài hôm sau tôi hay tin ông Cẩn trước trốn vào dòng Chúa cứu thế rồi đến tị nạn tại Toà lãnh sự Mỹ tại Huế và được một máy bay riêng của Toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn ra đón vào Sài Gòn.
Tôi đã biết vị Đức Khâm mạng Toà thánh can thiệp với ông Đại sứ Mỹ, xin cho ông Cẩn thoát chết, và được ông Lodge cam đoan sẽ bảo đảm sinh mạng cho ông Cẩn, nên tôi đinh ninh ông Cẩn vào Sài Gòn rồi sẽ được giam trong ít lâu và sẽ được phép lưu vong.
Vì nhân đạo cũng như vì thân thiện giữa tôi và ông Cẩn, tôi rất lo lắng cho tánh mạng của ông. Nhưng lúc này tôi không biết làm cách nào để giúp đỡ ông. Tôi chỉ còn biết tìm gặp một vài người trong tân chế độ trình bày cho họ hiểu ông Cẩn không có tội lỗi và trách nhiệm gì lớn lao nào trong vụ đàn áp Phật giáo miền Trung, trái lại như tôi đã trình bày trước, ông Cẩn đã hết sức can thiệp với chánh quyền địa phương cũng như Đức cha Thục để ngăn ngừa những hành động sai lầm của chánh quyền địa phương và Trung ương đối với Phật giáo.
Tôi nhận thấy ông Cẩn là một người không đến nỗi xấu xa gì hơn ai, và dù sao thì với hai cái chết của ông Diệm và ông Nhu, những người của tân chế độ không nên mang thêm một cái chết thứ ba của ông Cẩn vào lương tâm. Tôi trình bày những sự lợi hại đó với một vài người của tân chế độ để yêu cầu họ suy xét kỹ lưỡng trước khi có quyết định nào đối với tánh mạng ông Cẩn.