Trong những ngày cuối tháng bảy tôi theo dõi tin tức thấy rằng những cuộc dàn xếp giữa Ủy ban liên phái Phật giáo và uỷ ban liên bộ vẫn chưa đi đến một kết quả dứt khoát nào.
Bên Phật giáo vẫn còn tố cáo chính phủ không thi hành đúng đắn thông cáo chung ba điểm được thoả thuận giữa đôi bên ngày 16-5. Ở Huế trong lúc đó tình hình có vẻ yên tịnh nhưng vẫn căng thẳng, sự căng thẳng trước một cơn giông bão. Ngày 5-7 Toà án quân sự đặc biệt ở Sài Gòn xử vụ đảo chánh hụt ngày 1-11-60.
Vụ án này diễn ra lúc này chắn chắn không có lợi gì cho chế độ, trái lại càng làm cho lòng người thêm bất mãn với chế độ. Tiếp đến để phản đối vụ xử án này, nhà văn và nhà cách mạng Nhất Linh uống thuốc ngủ tự tử được đem vào bệnh viện Grall, nhưng không cứu được.
Bức thư tuyệt mệnh của ông lên tiếng phản đối vụ xử án các nhân sĩ liên can vụ đảo chánh hụt, chính sách đàn áp chính trị và tôn gigáo của ông Diệm, đây là một đòn nặng đập vào chế độ vì nhà văn Nhất Linh có nhiều uy tín trong quần chúng, sinh viên, chính khách.
Từ ngày vào Nam ông gần như không còn hoạt động chính trị nữa, và những tác phẩm văn chương của ông sau này, như Gòng Sông Thanh Thuỷ v.v… không được nổi tiếng như những tác phẩm tiền chiến.
Tuy vậy ông là một người được nhiều giới kính mến vì quá trình cách mạng và văn chương của ông. Cái chết của ông gây xúc động mạnh trong quần chúng toàn chúng. Ông cũng có tên trong danh sách 14 nhân sĩ bị xét xử trước toà án quân sự, và đến ngày 11-7 toà tuyên án, ông được tha bổng. Dù tha bổng nhà văn Nhất Linh, vụ án này vẫn gây căm phẫn cho mọi người. Đám tang nhà văn Nhất Linh ngày 13-7 tưởng đã thành một vụ biểu tình hỗn loạn lớn. Các giới sinh viên, Phật giáo hình như cũng đã có ý định biến đám tang thành cuộc biểu tình.
Nhưng sau vì những biện pháp phòng ngừa quá nghiêm ngặt của chính quyền, nên đám tang chỉ là đám tang. Ngay trong ngày đó, toà án quân sự lại xử vụ 19 nhân sĩ họp ở khách sạn Caravelle, được gọi là nhóm Caravelle đòi hỏi cải cách chính trị. Tất cả 19 bị can được tha bổng.
Đến hôm sau, 16-7 nhiều cuộc biểu tình của tăng ni Phật tử diễn ra nhiều nơi tại Sài Gòn như trước toà đại sứ Mỹ, chợ Bến Thành. Nhiều nhà sư lên tiếng đòi tự thiêu để phản đối hành động đàn áp Phật giáo, trong đó có sư bà Diệu Huệ, thân mẫu giáo sư Bửu Hội hiện là đại sứ.
Như đổ thêm dầu vào lửa chính phủ lại tổ chức một cuộc biểu tình trước chùa Xá Lợi, gồm toàn những dân vệ và thanh niên Cộng hoà, cùng một số thương phế cựu chiến binh. Phật giáo lại lên tiếng tố cáo hành động này, coi đó như một hành động phá hoại những cuộc điều đình giữa Phật giáo và chính quyền, có mục đích kích động phá hoại. Để trấn an, chính quyền cách chức ông Thanh tra dân vệ đoàn, nhưng xem chừng vẫn không làm dịu được tình hình.
Tình hình ở Huế thoạt nhìn không có gì đặc biệt, có thể cho như yên tịnh nhưng bên trong dân chúng đa số Phật giáo coi như sớm muộn cũng phải đi đến một hành động quyết liệt, một mất một còn với chế độ ông Diệm. Không có một cuộc biểu tình lớn nào diễn ra tại Huế nhưng những tin đồn từ chùa, các đoàn thể Phật tử được loan truyền về những người bị bắt, mất tích và về những hành động tàn bạo, bí mật của chế độ. Chính vì sự yên tịnh bề mặt đó, có người đã hiểu lầm là tình hình đã ổn định. Vào đầu tháng 8 Trần Quang Ngọc ra gặp tôi:
– Thưa cha, Đức cha (Ngô Đình Thục) sai con ra gặp cha, nói rằng cha không chịu họp các giáo sư, sinh viên để giải thích về đường lối của chính phủ đối với Phật giáo, nên Đức cha thấy cần phải đích thân tụ họp giáo sư, sinh viên để Đức cha đích thân nói chuyện với họ. Vậy cha tụ họp các giáo sư và sinh viên tại giảng đường để nghe Đức cha nói chuyện.
Tôi không dám chắc làm như vậy có lợi hay có hahị, điều đó còn tuỳ thuộc những điều Đức cha Thục sẽ nói. Nhưng tôi không thể đưa ý kiến gì trái ngưọc vì đây là một mệnh lệnh.
Vả lại lúc này tôi có tâm trạng một người vượt biển gặp giông tố lớn biết thuyền sắp chìm, sức người không thể cứu vãn được nữa, chỉ còn trông vào phép lạ, mà phép lạ thì ít khi xảy ra lắm, nhất là với những người không cầu xin. Tôi ngại là giảng đường thì quá rộng mà số giáo sư hay sinh viên đến tham dự thì thưa thớt quá, sẽ làm buồn lòng Đức cha và gây cho ngài nhiều phản ứng không có lợi gì cho việc hoà giải, nên tôi đưa ra một yêu cầu nhỏ:
– Hay lắm, nếu Đức cha muốn nói chuyện với sinh viên, giáo sư thì cũng là một điểm tốt. Nhưng lúc này vào kỳ nghỉ hè, không thể nào cưỡng bách sinh viên hay giáo sư đến dự đông đảo. Để phòng trống nhiều quá khó coi, vậy yêu cầu ông mời các học sinh trung học đệ nhị cấp một vài trường và thanh niện Cộng hoà của ông đến cho đông cho chật giảng đường.
Mọi việc được thu xếp đúng như đề nghị của tôi, nên mặc dù dưới mắt tôi số người tham dự buổi nói chuyện của Đức cha Ngô Đình Thục tại đại giảng đường viện đại học Huế phần lớn không phải là sinh viên giáo sư, nhưng dưới mắt bất cứ ai khác thì có thể coi như fgiảng đường đã chật ních sinh viên, giáo sư cũng được. Đức cha cố gắng giải thích và biện hộ cho việc cấm treo cờ và ngỏ ý tiếc về vụ đổ máu ở đài phát thanh Huế ngày 8-5.
Đức cha cho biết rằng chính phủ sẵn sàng điều tra trừng phạt thủ phạm và bồi thường đích đáng cho gia đình các nạn nhân bị thương tích hoặc thiệt mạng. Đức cha tha thiết kêu gọi sinh viên đoàn kết để đối phó với nguy cơ cộng sản.
Đã có những sự dàn xếp trước, nên sau mỗi đoạn và cuối bài nói chuyện, mọi người vỗ tay hoan hô rầm rộ, làm cho Đức cha có vẻ hài lòng lắm. Lúc bước xuống khỏi khán đài, tôi thấy nét mặt Đức cha rất tươi tỉnh, vui vẻ.
Ngài nhìn tôi mỉm cười, vừa như tỏ dấu hài lòng, vừa như ngụ ý khoe: thu phục đám sinh viên giáo sư này có khó chi đâu. Tôi cũng mỉm cười với ngài, nhưng với y khác hẳn: đã chắc gì?
Đức cha không hề hay biết, những người nghe Đức cha nói chuyện phần đông không phải là sinh viên giáo sư đại học Huế mà là những thanh niên cộng hoà Phú Cam, học sinh các trường trung học tư thục công giáo như Thiên Hựu.
Đức cha lại có ý muốn nói chuyện với sinh viên học sinh một lần thứ hai, sau đó độ một tuần lễ.
Trong thời gian này tại Sài Gòn trong một buổi lễ của Phụ nữ bán quân sự, bà Ngô Đình Nhu đã lên tiếng gay gắt chỉ trích cuộc tranh đấu của Phật giáo, có những lời lẽ chế giễu nhục mạ các nhà sư, và tỏ ra không tôn kính những vị sư tự thiêu.
Ngày lễ Phụ nữ bán qsvào ngày 3-8 và sáng hôm sau 4-8 tại Phan Thiết một nhà sư tự thiêu.
Từ Hoa Thịnh Đốn, trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo chí Mỹ, đại sứ Trần Văn Chương, thân phụ bà Nhu, nhạc phụ ông Nhu dĩ nhiên chỉ trích bà Nhu đã ăn nói kém lễ độ đối với các tăng ni và Phật giáo. Mầy hôm sau, bà Nhu bằng giọng gay gắt và chế giễu cho rằng dù bà có thiếu lễ độ đối với Phật giáo chăng nữa, thì có lúc cần phải thiếu lễ độ, nếu điều đó nói ra có một ích lợi và một tầm quan trọng lớn. Đối với người Việt Nam dù ai trái ai phải cái việc cha con chỉ trích nhau công khai đều được coi chẳng tốt đẹp gì, do đó dân chúng vốn đã ít cảm tình với bà Nhu, sau vụ cãi vã công khai giữa cha con này, lại càng mất hết những cảm tình còn lại đối với bà Nhu. Cùng lúc những tin đồn về đức hạnh của bà Nhu được tung ra, bằng những câu chuyện mập mờ chuyển từ miệng người này sang tai người khác. Tôi không biết sự thật như thế nào, nhưng tôi nhận thấy có một chiến dịch được điều khiển nhằm hạ uy tín gia đình ông Diệm, bắt đầu bằng cách hạ phẩm cách, đức hạnh của bà Nhu. Như cái việc bà Nhu mặc áo hở cổ, thực ra chẳng có gì quan trọng lắm, vậy mà cũng thành đề tài để chế giễu, chê bai bà Nhu.
Áo hở cổ của đàn bà Việt Nam cũng chẳng phải là một thời trang hoàn toàn mới lạ, và nhìn từ một khía cạnh khác thì đó là một đóng góp cho thẩm mỹ y phục của phụ nữ Việt Nam, nhưng vào lúc này mọi hành động của bà Nhu đều bị nhìn bằng con mắt chê bai có thành kiến xấu.
Có l ẽ mất bình tĩnh vì bị chỉ trích và vì không khí thù nghịch chung quanh hoặc quá tự kiêu, bà Nhu lại tuyên bố với báo chí Mỹ rằng cần phải cứng rắn, thẳng tay, quyết liệt với phong trào đấu tranh của Phật giáo.
Hình như bà Nhu có đề cập đến vụ tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức, và đã có những lời lẽ khiếm nhã trong lúc toàn dân, toàn thế giới đều xúc động vì vụ đó. Mấy hôm sau ngày 12-5, sau lễ cầu siêu cho một vị sư tự thiêu tại chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Tuyết An đã tự nguyện chặt bàn tay để tỏ ý phản đối những hành động đàn áp Phật giáo, và những lời lẽ khiếm nhã của bà Nhu đối với các nhà tu Phật giáo. Ngày 13-8 tại Huế trước chùa Phước Duyên, quận Hương Trà, Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu. Dân chúng, sinh viên Phật tử biểu tình ở khắp mọi đường phố ở Huế, ở các quận.
Vài cuộc xung đột và bạo động xảy ra một vài nơi. Chính quyền địa phương lo ngại, ban hành tình trạng giới nghiêm trong thành phố Huế và khắp tình Thừa Thiên.
Càng ngày tình hình càng đen tối thêm, vậy mà có người vẫn không chịu nhìn thấy sự thật. Khoảng giữa tháng 8, Đức cha Ngô Đình Thục vào Sài Gòn đề nghị với ông Diệm bãi chức Viện trưởng đại học của tôi và bổ nhiệm Viện trưởng mới. Đức cha có lẽ đã nghĩ rằng tôi không tích cực trong việc vận động sinh viên Phật tử, hoặc ít ra im lặng để cho sinh viên Phật tử tham gia các cuộc đấu tranh Phật giáo.
Ngài còn nghĩ rằng sau hai lần nói chuyện với sinh viên giáo sư mà ngài cho như thành công lớn, ngài đã có uy tín với sinh viên giáo sư Huế và vai trò của tôi không cần thiết để trấn an sinh viên nữa. Trong lúc ở Sài Gòn Đức cha gặp Trần Hữu Thế nguyên Bộ trưởng quốc gia giáo dục lúc đó đang làm đại sứ tại Phi Luật tân vừa về Sài Gòn, và ngài đề nghị lên ông Diệm cho ông Thế làm Viện trưởng đại học Huế thay tôi. Ông Diệm bằng lòng ngay, và ngày 14-5, Đức cha cùng với Bộ trưởng quốc gia giáo dục Nguyễn Quang Trình và ông Thế ra Huế.
Chiều ngày 15-8, lúc năm giờ, một nhân viên của Viện đại học Huế đến cho tôi hay rằng có ông Bộ trưởng quốc gia giáo dục Nguyễn Quang Trình có mặt tại Toà đại biểu chính phủ múôn gặp tôi có việc cần gấp. Tôi lên và gặp ông ngay. Ông Trình có vẻ lúng túng:
– Thưa cha, tôi có một tin buồn muốn báo cho cha biết.
Tôi đã đoán được vài phần cái tin buồn này:
– Tin chi mà buồn?
– Thưa cha, Tổng thống muốn cho cha nghỉ, và đã quyết định đưa ông Trần Hữu Thế ra thay thế cha giữ chức viện trưởng. Sáng mai lúc tám giờ yêu cầu cha làm lễ bàn giao.
Thú thực là khi nghe tin này một cách chính thức tôi cảm thấy nhẹ nhàng trong người. Trong bụng tôi muốn reo lên:
– Tôi tưởng có chuyện gì khác, chớ chuyện đó có chi mà buồn. Tôi đã đoán trước được sự việc này rồi. Tôi là bạn của ông Diệm và gia đình ông, khi lên làm Viện trưởng đại học Huế, cố gắng phát triển đại học Huế này, một phần vì muốn giúp ích cho đất nước, một phần cũng muốn giúp cho họ Ngô. Nay gặp tình thế gay cấn này, Tổng thống không muốn tôi giúp cho ông nữa, không có gì là buồn mà lại vui là đàng khác. Thưa ông Bộ trưởng, ông là bạn của tôi, cũng là người đồng hương với tôi, tôi xin nói thật để ông biết trước, chế độ này đã đến thời mạt rồi, tôi đã khuyến cáo Tổng thống, nài xin ông sửa đổi mà ông không chịu, lẽ ra tôi đã tự ý xin thôi; nhưng làm như thế tỏ ra là thiếu trung thành với một người mà mình đã phục vụ mấy năm nay, nên tôi đã bỏ ý định từ chức, nay Tổng thống cho thơi, thì thật là may mắn cho tôi, ra đi mà khỏi mang tiếng là phản bội.
Ông Nguyễn Quang Trình có vẻ lúng túng không nói gì thêm về tương lai chế độ mà chỉ nói:
– Thôi đêm nay chúc cha ngủ yên giấc và cũng xin cha đừng để lộ tin này ra ngoài cho các giáo sư hay sinh viên nào biết, sáng mai đúng tám giờ cha đến làm lẽ bàn giao một cách kín đáo với ông Thế.
– Được, tôi sẽ cho mời các khoa trưởng và vài giáo sư đến dự, nhưng không nói lý do.
Đêm đó thú thực tôi không chợp mắt được. Tôi ôn lại những việc mình đã làm từ chín năm nay, nhớ đến mối giao tình thân thiết với ông Diệm, những lần gặp gỡ thân mật. Tôi vẫn cầu mong cho ông Diệm sớm tỉnh ngộ để kịp thoát khỏi nguy cơ lần này, nhưng tôi rất ít hy vọng. Tôi cũng nhẩm trong đầu óc những điều sẽ nói trong lễ bàn giao.
Sáng hôm sau, trước 7 giờ, tôi đã cho các tuỳ phái đi mời các khoa trưởng và một số giáo sư đến văn phòng Viện đại học Huế.
Không có một sinh viên nào hay biết đến dự. Đúng 8 giờ sáng, ông Nguyễn Quang Trình, Trần Hữu Thế đã có mặt. Ông Bộ trưởng tuyên bố lý do: Tôi được bãi chức và ông Trần Hữu Thế lên thay tôi làm Viện trưởng Viện đại học Huế. Tôi ứng khẩu một diễn văn ngắn đại ý nói rằng tôi xin cảm ơn ông Bộ trưởng quốc gia giáo dục Nguyễn Quang Trình đã dời gót ra chứng kiến lễ bàn giao, và xin ông Bộ trưởng chuyển lời lên cám ơn Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cất cho tôi cái gánh nặng làm Viện trưởng Viện đại học Huế trong giai đoạn khó khăn và nhiều trách nhiệm này.
Tôi nhắc lại những nỗ lực của tôi và những khoa trưởng giáo sư đã cộng tác với tôi dựng lên đại học Huế và tạo cho nó bộ mặt hôm nay. Ngày nay tình thế đã thay đổi sợ tôi không đủ khả năng gánh vác trách nhiệm nặng nề đối phó với những khó khăn, nên Tổng thống đã cho tôi được trở lại đời sống tu hành, tôi hết lòng cám ơn.
Tôi ra đi không buồn phiền chi cả, mà mừng vì ngọn đuốc văn hoá mà tôi và các cộng sự viên đã cố gắng nhóm lên ở Huế, nay được trao cho một bàn tay khác hy vọng đủ khả năng tiếp tục làm bừng sáng lân vì ông tân Viện trưởng kế tiếp nhiệm vụ của tôi là một nhà ngoại giao, chính trị và trí thức tài ba.
Như tên ông đã tiền định ông là người “có thế”, ông được lòng tin của Tổng thống và Đức Tổng Giám Mục, ắt sẽ làm tròn nhiệm vụ một cách dễ dàng.
Tôi kêu gọi các khoa trưởng giáo sư trước đã hợp tác với tôi, hãy tiếp tục hợp tác với ông tân Viện trưởng và đừng buồn vì chuyện ra đi của tôi, vì ai cũng cần phải tâm niệm rằng chẳng có nhân vật nào là không thể thay thế. Những người mà người ta tưởng không thể thay thế ngày nay đã nằm chặt nghĩa địa, như lời nói của một văn hào quốc tế. Có tôi, hay không, thì Viện đại học vẫn tiếp tục bình thường.
Tôi dứt lời. Toàn thể giáo sư, khoa trưởng ngơ ngác chưa hiểu được biến cố nhỏ vừa xảy ra vị việc bất ngờ. Họ nhìn tôi, nhìn ông Trình, nhìn ông Thế với những đôi mắt ngơ ngác, nhiều người cúi đầu. Rồi một phản ứng mà tôi đã đoán trước bột phát trong đám khoa trưởng và vài giáo sư. Nhiều người lên tiếng phản đối việc thay thế tôi giữa lúc này và tuyên bố không công nhận lễ bàn giao. Nhiều người bỏ đi ra ngoài một cách lặng lẽ, âm thầm. Ông Trình và ông Thế có vẻ lúng túng. Nhưng rồi lễ bàn giao cũng chấm dứt theo đúng nghi lễ.
Khoảng chín giờ, sau lễ bàn giao, vừa về đến nhà tôi lấy làm ngạc nhiên, thấy ngoài đường, trong sân, trên thềm chật đầy những sinh viên. Tôi đoán chừng ngay sau khi ông Trình tuyên bố quyết định của Tổng thống, một vài giáo sư bất mãn đã bỏ ra về và báo tin cho sinh viên biết.
Thấy tôi, các sinh viên reo hò vẫy tay:
– Cha không thể đi được.
– Cha không thể bỏ chúng con lúc này.
– Cha hãy ở lại với chúng con.
– Trần Hữu Thế cút đi.
– …
Vài sinh viên lớn tuổi và có vẻ đầu đàn trong bọn xúm lại gần tôi, nắm tay tôi dẫn lên thềm, rồi đưa hai tay tôi giơ lên cao hô to:
– Hoan hô Viện trưởng Cao Văn Luận.
Cả bọn lặp lại nhiều lần, và càng lúc số sinh viên kéo đến ngoài đường càng đông thêm.
Tôi lo sợ nếu cứ nhùng nhằng thế này thì chẳng mấy lúc số sinh viên tụ tập ở đây lên đến hàng ngàn, và từ bất mãn này cộng thêm bất mãn khác, họ có thể biến cuộc tụ họp ôn hoà này thành một cuộc biểu tình mà hậu quả chưa biết ra sao.
Tôi cũng lo sợ trong đám sinh viên thực tình thương mến tôi, có một số trong phong trào tranh đấu muốn lợi dụng sự bất mãn của các sinh viên ngây thơ nhẹ dạ để lôi cuốn họ vào những hành động chống đối.
Tôi vẫy tay chào và ra hiệu cho đám sinh viên yên lặng:
– Các anh chị về đi, cha chưa đi ngay đâu mà sợ. Nếu cha có đi thì ít ra cũng phải đến mai.
Đám sinh viên dùng dằng chưa muốn giải tán ngay. Tôi nói những anh đứng gần nhất:
– Các anh nên nói với anh chị em giải tán đi thôi, kẻo người ta hiểu lầm là cha xách động các anh chị.
Tôi nói câu này như một lời nói đùa mà thôi.
Đám sinh viên từ từ giải tán, từng tụm năm ba người kéo ra về, bàn tán xôn xao về việc giải nhiệm chức Viện trưởng của tôi.
Tôi vào nhà gọi người nhà dọn cơm sớm. Thu xếp một ít quần áo rồi lúc hơn 12 giờ trưa mượn chiếc xe hơi riêng của ông Vũ Đình Chính vô Đà Nẵng ngay. Tôi đến cha Ngô Đình Phú cho ông biết chỗ ở, và nhờ giữ kín.
Về sau tôi được biết, lúc 3 giờ chiều hàng ngàn sinh viên kéo đến trước nhà tôi khiêng theo một chiếc kiệu, dự định rước tôi lên Viện đại học, biểu tình đòi ông Thế phải từ chức và yêu cầu Tổng thống huỷ bỏ quyết định giải nhiệm tôi. Các khoa trưởng giáo sư phản đối ôn hoà hơn, nhưng ngay trong ngày đó họ cũng làm kiến nghị, gởi lên Bộ giáo dục và phủ Tổng thống yêu cầu trả chức Viện trưởng lại cho tôi.
Các sinh viên tìm không thấy tôi, hay tin tôi đã bỏ đi lại càng tỏ ra bất mãn hơn, khiêng kiệu trống kéo xuống đường tiến về phía Viện đại học.
Lúc đầu đám sinh viên có lẽ không đông lắm nhưng dọc đường có thêm nhiều sinh viên và học sinh trung học gia nhập làm cho đám biểu tình lên đến hàng ngàn người đến Viện đại học. Trần Hữu Thế không dám ra tiếp họ. Các giáo sư khoa trưởng phần lớn đều tán đồng cuộc biểu tình này nên chẳng có ai ra can thiệp để yêu cầu sinh viên giải tán, vì thế mà càng về chiều thì cuộc biểu tình càng đông đảo và ồn ào. Ông Cẩn, Đức cha Thục bây giờ thấy hậu quả nguy hiểm của việc giải nhiệm tôi, lo lắng lắm, và Đức cha Thục cho hai cha là cha Phát, Tổng đại diện toà giám mục Huế và cha Bính vào Đà Nẵng tìm tôi, trao cho tôi một lá thư yêu cầu tôi trở lại dàn xếp ổn thoả vụ biểu tình của sinh viên vì sợ sinh viên sẽ làm loạn và tạo nên tình hình gay cấn thêm.
Trong bức thư Đức cha Thục kêu gọi tinh thần hiểu biết và bác ái của một vị linh mục nơi tôi hãy giúp Đức cha trấn an các sinh viên trong ít lâu. Đức cha cũng giải thích việc giải nhiệm tôi và nói rằng Tổng thống nhận thấy lúc này vì tình thế quá khó khăn, phức tạp, sợ một vị linh mục giữ chức vụ Viện trưởng viện đại học Huế sẽ gặp tình cảnh khó xử, nên Tổng thống mới cho một người đời thay thế chứ thực tâm Tổng thống không có ý gì là buồn lòng hoặc hết tin cậy tôi cả.
Tổng thống cũng đã có ý định cho tôi thôi chức Viện trưởng để cử tôi làm đại diện VNCH tại cơ quan văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO).
Tôi đọc thư Đức cha Thục trong lúc cha Phát và cha Bình ngồi chờ. Tôi nhờ hai cha thưa lại với Đức cha rằng tôi không hề buồn phiền gì cả đối với Tổng thống và Đức cha về việc cho tôi thôi làm Viện trưởng, trái lại tôi vui mừng và cám ơn vì hai vị đã gỡ cho tôi một gánh nặng lớn lao.
Tôi cũng sẵn sàng làm mọi việc để giúp Đức cha giải quyết vấn đề sinh viên, nhưng việc tôi trở ra Huế lúc này quả thực không thể làm sao để cho vụ sinh viên yên được. Tôi ra Huế lúc này chẳng những không giúp làm ổn định tình hình, mà trái lại có thể gây nên những phản ứng bất ngờ và tai hại nơi sinh viên.
Tôi nêu lên trường hợp nếu bây giờ tôi trở ra Huế sinh viên quyết liệt đòi tôi làm Viện trưởng trở lại, và đòi huỷ chức ông Thế, thì Đức cha và Tổng thống sẽ xử cách nào?
Tôi, Đức cha và Tổng thống vì danh dự và tự ái mỗi người không thể thay đổi quyết định được. Như thế sinh viên lại càng bất mãn, và vụ lộn xộn càng nổ lớn thêm.
Vậy tôi nhờ hai cha về thưa lại với Đức cha điều đó và xin phép Đức cha cho tôi được nghỉ ở Đà Nẵng mấy hôm rồi vô Sài Gòn, còn về cái chức đại diện chính phủ VNCH tại UNESCO thì tôi xin cám ơn Đức cha và Tổng thống, nhưng không dám nhận, vì sau bảy năm làm Viện trưởng tôi đã ngao ngán và lo sợ trách nhiệm lắm rồi, nay chỉ muốn được yên ổn để lo việc đạo mà thôi.
Tôi ở Đà Nẵng được hai hôm nữa thì ông Cẩn sai Phan Quang Đông vào tìm gặp tôi và cho tôi biết rằng ông Nhu đánh điện ra cho ông Cẩn nói phải tìm mọi cách mời tôi ra Huế. Phan Quang Đông cũng cho tôi biết trong mấy ngày qua, phong trào sinh viên trở nên gay cấn, lộn xộn hơn, tuy chưa có đám biểu tình nào thật lớn, nhưng mầm chống đối trong dân chúng nay lại được các sinh viên tham dự gần như đồng loạt, cùng dâng cao hơn. Mọi nhà Phật tử đều đóng cửa cầu siêu cho Đại đức Tiêu Diêu tự thiêu ngày 18-8, tức là cùng ngày tôi ra đi khỏi Huế.
Tôi cũng trả lời tương tự như đã trả lời với Đức cha Thục.
Đêm 20-8 tại Đà Nẵng có cuộc biểu tình lớn của Phật tử. Cuộc biểu tình lan khắp các đường phố lớn. Nhiều vụ xô xát với cảnh sát xảy ra làm cho nhiều người bị thương ở cả hai phía Phật giáo và cảnh sát. Lệnh giới nghiêm được áp dụng tại Đà Nẵng. Cũng trong đêm này Cảnh sát chiến đấu đến bao vây lục soát chùa Xá Lợi lúc bấy giờ là trụsở của Ủy ban liên phái Phật giáo. Những Phật tử tụ tập ở đây đã chống lại cảnh sát và gây ra nhiều cuộc xô xát.
Cảnh sát nổ súng làm nhiều người bị thương, và một số tăng ni, Phật tử bị bắt. Hoà thượng Thích Tịnh Khiết bị cảnh sát xô ngã bị thương ở mắt. Các chùa khác ở Sài Gòn như chùa Ấn Quang, Kỳ Viên Tự cũng bị lục soát. Gần sáng ông Diệm triệu tập hội đồng nội các, tuyên bố cần phải quyết liệt và cứng rắn đối với Phật giáo, vì có tin Việt cộng sắp lợi dụng các vụ lộn xộn này để gây loạn ở Thủ đô. Sáng hôm đó, ông Diệm ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, tuyên bố tình trạng khẩn trương, và giao trách nhiệm bảo vệ an ninh cho quân đội.
Hôm sau 21-8 tôi hay tin ông Vũ Văn Mẫu xuống tóc để phản đối sự đàn áp Phật giáo. Ngày 21-8 tôi vào Sài Gòn ở tại nhà ông Nguyễn Hạnh đường Hiền Vương. Tôi lại được tin Đại sứ Trần Văn Chương tại Hoa Thịnh Đốn được chấm dứt nhiệm vụ. Bà Ngô Đình Nhu lúc đó đi vòng quanh thế giới, đến đâu cũng tuyên bố những lời lẽ có luận điệu đả kích, thoá mạ Phật giáo và để cho cộng sản xách động các vụ tranh đấu của Phật giáo. Dư luận Mỹ và quốc tế lúc bấy giờ như tôi đã trình bày trước, hoàn toàn chống lại ông Diệm, và nhất là bà Nhu, cho nên những lời lẽ của bà Nhu, cũng như sự xuất hiện của bà càng làm cho dư luận quốc tế phản ứng bất lợi đối với chính phủ.
Tôi nhận được một điện tín của ông Trần Văn Chương báo tin cho tôi biết ông cũng bị giải nhiệm và chúc mừng tôi đã thoát khỏi cái “nợ”.
Thời gian mấy tháng ở Sài Gòn, tôi gần như bị canh chừng và bao vây. Lúc nào trước cửa nhà ông Hạnh cũng có một vài cảnh sát chìm và cảnh sát đồng phục lảng vảng. Tôi biết vậy nên chẳng đi đâu cũng không gặp ai. Chẳng phải tôi lo cho bản thân mà sợ phiền luỵ đến những người tôi gặp gỡ. Từ Đà Nẵng vào vài hôm, tôi đến gặp Đức khâm sứ của toà thánh.
Ngài cho biết rằng có lẽ nhờ sự can thiệp của Đức giáo hoàng nên có một lúc Tổng thống đã quyết định cho ông bà Nhu đi Pháp trong ít lâu, và thay đổi thành phần nội các, bãi bỏ những biện pháp cứng rắn đối với Phật giáo, nhưng sau một phiên họp hội đồng gia tộc thu hẹp, không có bà Nhu, ông Cẩn, chỉ có ba người là ông Diệm, ông Nhu và Đức cha Thục, Tổng thống đã quyết định dùng các biện pháp cứng rắn như đã ban hành ngày 21-8. Đức khâm sứ lấy làm tiếc về việc tôi bị giải chức. Nhưng ngài tỏ ra lo lắng hơn vì tình hình đất nước Việt Nam.
Đức khâm sứ toà thánh cho tôi biết rằng, theo nhận định của ngài thì chế độ họ Ngô khó thoát khỏi cơn thử thách định mệnh này, và để tránh những hậu quả tai hại cho đạo Công giáo, Đức khâm sứ đã mời Đức cha Thục đi La Mã sớm để dự cộng đồng Vatican mặc dù cộng đồng chưa khai mạc. Ngài cho tôi hay rằng trong trường hợp các cuộc hỗn loạn xảy ra Đức cha Thục khó có thể tránh được những tai hoạ khó lường, và trong trường hợp đó Toà thánh phải can thiệp. Nếu thành công Toà thánh cũng mang tiếng là dùng áp lực, nếu thất bại thì mất uy tín giáo hội.
Đức cha Thục được mời đi dự cộng đồng Vatican và ngài lên đường vào tháng 9, sang Romma rồi qua Nữu Ước phát một thông cáo biện hộ cho các biện pháp cứng rắn của chính phủ, nhưng dư luận Mỹ bấy giờ đã có thành kiến với ông Diệm cho nên chẳng có lời biện hộ nào thay đổi được chiều hướng dư luận. Đức Hồng Y Spellman ngày trước rất thân thiết với gia đình ông Diệm, và quen Đức cha Thục, cũng không tiếp. Trong thời gian này, tôi hay tin ông Đại sứ Henry Cabot Lodge đế nsg làm đại sứ, thay thế Đại sứ Nolting bị triệu hồi về nước và hình như bị khiển trách là đã báo cáo sai lạc về chế độ ông Diệm.
Tất cả các trường học bị đóng cửa vô hạn định. Cũng trong thời gian này, tôi nằm nhà đọc sách, ngóng tin tức, và ngày nào cũng có nghe tin biểu tình lớn của sinh viên, Phật tử tăng ni trước chợ Bến Thành. Hơn ngàn người phần lớn các tăng ni trẻ bị bắt và đem giam tại trại huấn luyện Quang Trung.
Vấn đề Pháp tại Việt Nam được đưa ra trước Liên hiệp quốc và Đại sứ Bửu Hội đề nghị Liên hiệp quốc cử phái đoàn sang Việt Nam điều tra. Tình thế càng ngày càng gay cấn, và đến cuối tháng mười tất cả bảy vụ tự thiêu trên toàn quốc.
Thời gian này tôi không tiếp xúc với ai nhiều, nhưng vẫn để ý theo dõi tình hình và dư luận trong ngoài nước. Nếu tôi nhớ không lầm thì ngày 25-8 trong chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Tổng thống Kennedy họp báo tuyên bố rằng muốn công cuộc ngăn chặn cộng sản tại Việt Nam hữu hiệu cần phải thay đổi chính sách, và không chừng, thay đổi hệ thống nhân sự lành đạo tại Sài Gòn. Cũng khoảng thời gian này, bà Ngô Đình Nhu họp báo tại Los Angeles tuyên bố rằng Mỹ đang dự định tổ chức một cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Bà tố cáo rằng hiện thời ở Việt Nam bất cứ một cuộc đảo chánh nào cũng không thể thành công được trừ khi được Mỹ xúi giục và hậu thuẫn.
Những tờ báo Mỹ như News eek, Business week, Washington Fost đề cập đến một cuộc đảo chánh do các tướng lãnh Việt Nam chủ mưu, hay thực hiện, có sự đồng tình của Bộ ngoại giao Mỹ. Tờ News week viết rằng không có gì bảo đảm, nếu Mỹ chủ mưu một cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm hiện nay thì công cuộc chống cộng sẽ hữu hiệu hơn. Tạp chí Business week thì viết với tựa đề Mỹ sắp đào hố dưới chân chế độ ông Diệm, rằng có thể chúng ta (Mỹ) sẽ phải hậu thuẫn cho một cuộc đảo chánh bằng lực lượng quân sự. Hoa Thịnh Đốn đã ngỏ ý cách khác rõ ràng cho mọi người đủ hiểu rằng nơi này không còn ủng hộ ông Diệm nữa, bất cứ hành động nào âm mưu lật đổ chế độ Diệm đều được cứu xét với chiều hướng thiện cảm.
Tôi được nghe những tin đồn nói rằng Bộ ngoại giao Mỹ họp với một vài dân biểu và Thượng nghị sĩ Mỹ. Mỹ đang gây áp lực mạnh mẽ đối với Tổng thống Kennedy để xúi ông này bật đèn xanh cho phép nhóm Á Châu. Sự vụ tại Bộ ngoại giao công khai hậu thuẫn một cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm.
Sự thành công của nhóm này được chứng minh bằng sự triệu hồi Đại sứ Nolting, giám đốc cơ quan Trung ương tình báo Mỹ CIA tại VN là ông Richarsdson về Hoa Thịnh Đốn, và thay thế bằng Đại sứ Lodge. Nhóm chủ trương loại trừ ông Diệm tại Bộ ngoại giao do các ông Roger Hilsman, Averell Harriman, Paul Mỹ Kattenburg. Đặc biệt ông Kattenburg, giám đốc Việt Nam Vụ tại Bộ ngoại giao Mỹ, trước đây từng là sĩ quan tình báo trong cơ quan tình báo quân đội OSS tại Á Châu vào năm 1955, đã chủ trương lật đổ ông Diệm một lần.