Từ một quốc gia vừa thoát cảnh chiến tranh, các trường trung tiểu học còn thiếu thốn, ông Diệm đã nỗ lực giải quyết vấn đề giáo dục, và trong thời gian từ 1955 đến 1958 người ta thấy các trường trung tiểu học công tư mọc lên khắp nơi. Đại học Sài Gòn phát triển mạnh mẽ, và đặc biết ông Diệm đã hoàn toàn đồng ý và tích cực nhúng tay vào việc thành lập Đại học Huế.
Tại Sài Gòn, ngay từ đầu, nghĩa là từ 1959, khi đã ổn định tình hình chính trị, ông Diệm đã nghĩ đến việc đưa Đại học Sài Gòn lên khu Đại học Thủ Đức. Ông cũng nghĩ đến việc thành lập Đại học Huế, và trong những câu chuyện giữa ông Diệm và tôi nhiều lúc ông có nhắc đến dự cần thiết phải thành lập một Đại học Huế.
Vào ngày mồng 3 Tết năm 1957, hình như cuối tháng giêng năm 1957, theo thường lệ ông Diệm ra Huế dự lễ giỗ cụ Khả. Tôi đến chào ông tại nhà ông Cẩn, và ngay đầu câu chuyện ông Diệm nói:
– Này cha, tôi thấy cần phải thành lập tại Huế một viện Đại học lớn, vì hai lý do chính. Thứ nhất là Huế từ trước đã là một trung tâm văn hóa của nước ta. Ở Huế đã có những truyền thống văn hóa sâu đậm, có những cơ sở văn hóa lâu đời, như trường Quốc Tử Giám, các cuộc thi cử Hán học. Dân miền Trung lại hiếu học mà nghèo, có bao nhiêu thanh niên ưu tú muốn lên Đại học mà không thể vào Sài Gòn học tiếp. Thứ hai là hiện nay dân chúng xôn xao đồn đại rằng chính phủ một ngày nào đó có thể bỏ Huế, vì hiện nay Huế không quan trọng lắm về phương diện chính trị, kinh tế. Vậy lập Viện Đại học Huế là chứng minh cách cụ thể với dân chúng, với quốc tế cũng như với bên kia rằng chính phủ nhất định bảo vệ Huế. Huế chỉ cách vĩ tuyến 17 khoảng 100 cây số, lập ở đây một Đại học lớn chẳng khác nào thách đố với bọn cộng sản. Nếu bây giờ tôi quyết định lập Đại học Huế, cha có bằng lòng giúp tôi không?
Tôi vui mừng thật tình. Tôi cũng đã từng nghĩ như ông Diệm, nhưng tôi lưu ý đến vấn đề văn hóa và tình trạng của dân miền Trung hơn là về các lý do chính trị.
– Thưa cụ, nếu tôi có thể làm được việc gì để góp công vào việc thành lập một Đại học ở Huế, thì cụ có thể tin rằng tôi không ngần ngại chút nào.
Ông Diệm thấy tôi nhận lời thì có vẻ mừng, gật gù:
– Vậy thì ít hôm nữa tôi sẽ sai một phái đoàn ra đây để gặp cha, để thảo luận và nghiên cứu các chi tiết cụ thể. Hôm đó câu chuyện tại nhà ông Cẩn xoay quanh việc thành lập Đại học Huế. Trước mặt ông Diệm những người có mặt tỏ vẻ đồng ý phải thành lập gấp một Đại học tại Huế.
Tin này đồn ra ngoài, nhất là trong giới học sinh trung học các năm cuối và giới trí thức, chính trị ở Huế. Ai cũng tỏ vẻ hân hoan chờ đợi. Nhiều người đến gặp tôi và thúc giục tôi xúc tiến việc đó nhanh chóng để làm sao cho đầu niên khóa tới con em họ có thể vào Đại học ngay tại Huế. Tôi cũng bị lôi cuốn trong bầu không khí phấn khởi đó.
Khoảng một tháng sau, hình như vào cuối tháng giêng, một phái đoàn từ Sài Gòn ra gặp tôi có các ông Ngô Đình Nhu, Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Dương Đôn, Viện trưởng Đại học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình và những giáo sư, chuyên viên khác.
Một cuộc họp được tổ chức tại tòa tỉnh Thừa Thiên có tỉnh trưởng và một số trí thức thân hào nhân sĩ địa phương tham dự. Tôi trình bày với mọi người những lý do mà ông Diệm đã đưa ra kèm thêm những lý do thực tế của tôi. Hội nghị thảo luận và đi đến quyết định là vì những hoàn cảnh đặc biệt, những khó khăn trong ngành giáo dục, chưa nên làm việc vội vàng hấp tấp quá. Họ nói rằng ở Huế chỉ nên lập một chi nhánh của Viện Đại học Sài Gòn tùy thuộc hoàn cảnh vào Viện Đại học Sài Gòn và Bộ Quốc gia giáo dục. Như vậy Đại học Huế sẽ không thành một đơn vị độc lập mà chỉ là một số các phân khoa đặt dưới quyền Viện Đại học Sài Gòn mà thôi. Tôi được cử làm đại diện cho ông Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình để tổ chức. Tôi không đồng ý nhưng đành khuất phục trước quyết định của đa số.
Mấy hôm lưu lại Huế, phái đoàn đi xem những cơ sở đất đai có thể dùng làm Đại học Huế, như tòa Đại biểu chính phủ, khách sạn Morin, ngân hàng Đông dương vừa được chính phủ mua lại. Phái đoàn về Sài Gòn được mấy hôm thì có nghị định thành lập Đại học Huế, nhưng với các điều khoản đặt Đại học Huế lệ thuộc Viện Đại học Sài Gòn.
Sau hai tháng hoạt động mỗi ngày tôi thấy thêm nhiều khó khăn chỉ vì Huế thì xa Sài Gòn, tôi lại không có đủ thẩm quyền quyết định bất cứ việc gì mà phải phúc trình về Viện trưởng Đại học Sài Gòn, về Bộ Quốc gia giáo dục, rồi lên ông Nhu, ông Diệm. Các thủ tục đó làm cho công việc chậm trễ, làm cả tôi và những người góp sức lúc đầu chán nản dần. Tôi vào Sài Gòn trình bày các khó khăn đó thẳng cho ông Diệm. Tôi nói với ông Diệm rằng ý kiến đầu của ông Diệm là muốn có một Đại học Huế độc lập, lớn, quan trọng để thành một chứng minh và thách đố với thế giới và bên kia, nếu cứ phải chạy quấn trong những thủ tục giấy tờ rắc rối và những hành lang của giới giáo dục Sài Gòn, thì không thể đi đến kết quả tốt được. Tôi yêu cầu ông Diệm cho Đại học Huế qui chế riêng biệt và độc lập, và tôi có quyền quyết định mọi việc trong phạm vi ích lợi cho Đại học Huế. Tôi ngỏ ý nếu không được như vậy thì xin ông Diệm chọn người khác, và tôi nhận thấy không thể làm việc trong các điều kiện quá rắc rối như vậy được. Tôi không phải là người có thể đi vòng vo qua bao nhiêu hành lang các bộ sở được mãi.
Ông Diệm đồng ý:
– Cha yên tâm. Tôi đồng ý với cha về những điều đó, và sẽ có nghị định thành lập Viện Đại học Huế tự trị ngay cho cha, và tôi xin mời cha làm Viện trưởng đầu tiên Viện Đại học Huế.
Tôi trở về Huế ít hôm thì có nghị định thành lập Viện Đại học Huế, đồng thời với sắc lệnh cử tôi làm Viện trưởng.
Bấy giờ tôi xúc tiến nhanh việc tìm trụ sở, lớp học, địa điểm, đồng thời mời các giáo sư ở Huế, Sài Gòn và ngoại quốc về hợp tác. Trong giai đoạn đầu ban giáo sư gồm có mấy người tôi còn nhớ là Lê Tuyên, Lê Khắc Phò, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Trường. Vài tháng sau thêm Lê Thanh Minh Châu và vợ là Tăng Thị Thành Trai.
Ngay niên khóa 1957, Đại học Huế mở các chứng chỉ dự bị như Năng lực Luật khoa, Văn khoa, Khoa học. Ngoài ra nhận thấy việc đào tạo giáo sư trung học và giáo viên tiểu học rất cần thiết cho tình trạng phát triển giáo dục mạnh mẽ hiện nay và tương lai, tôi chú trọng đặc biệt vào Đại học Sư phạm.
Thấy công việc tạm yên, sau khi các lớp đầu mở được một vài tháng cuối năm 1957, tôi và Lê Thanh Minh Châu đi ngoại quốc, với chủ ý nghiên cứu cách thức tổ chức Đại học đồng thời vận động sự giúp đỡ của các quốc gia Đồng minh. Trước hết tôi đến Âu châu, rồi sang Mỹ và Gia Nã Đại.
Tại Mỹ tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ thiết thực và tích cực của một vài tổ chức. Tổ chức IRC (Intallectual Rescue Commity) giúp đỡ đầu tiên và nhiều nhất bằng cách cấp cho Đại học Huế một khoảng tiền mặt đủ để tăng thêm lương cho mỗi giáo sư 5.000 đồng mỗi tháng. Nhờ đó công việc mời giáo sư giảng dạy tại Đại học Huế được dễ dàng hơn. Tôi đánh điện về nước báo tin vui, và nói với các anh em ở nhà dựa theo tiêu chuẩn lương bổng mới mà mời thêm giáo sư.
Cơ quan thứ hai giúp đỡ quan trọng cho Đại học Huế là Asia Foundation.
Ngoài những ngân khoản dùng để xây cất cư xá sinh viên, tổ chức thể thao, cơ quan này còn cấp nhiều học bổng cho các sinh viên Đại học Huế, và nhờ đó khuyến khích các sinh viên cũng như tăng uy tín cho Đại học Huế.
Một tổ chức thứ ba tuy nhỏ nhưng tích cực giúp đỡ Viện Đại học Huế, là tổ chức New Land Foundation, do giáo sư Burtinguer làm chủ tịch. Ngay trong lần gặp gỡ đầu, giáo sư đã tỏ ra sốt sắng giúp đỡ, và hứa giúp mỗi năm 5.000 Mỹ kim tiền mặt, và sau hai năm tổ chức này tăng lên 7.000 Mỹ kim mỗi năm.
Tôi cũng đến thăm vài Viện Đại học Hoa Kỳ và ở đây tôi cũng nhận được những sự khuyến khích nồng hậu của họ. Hầu hết đều hứa hẹn dành cho Đại học Huế một vài học bổng, và nếu cần gì trong khả năng và quyền hạn của họ thì tôi cứ liên lạc sau, họ sẽ cố gắng giúp đỡ.
Tôi trở về Sài Gòn và vào gặp Tổng thống Diệm trình bày kết quả chuyến đi. Tổng thống rất lưu ý đến Đại học Huế cho nên khi hay tin thêm nhiều tổ chức có thiện cảm và giúp đỡ cụ thể Đại học Huế ông mừng lắm. Riêng ông rất tích cực trong việc mở mang Đại học Huế.
Cần đến điều gì, tôi thường vào Sài Gòn trình bày thẳng với ông và trong hầu hết các trường hợp đều được ông chấp thuận, đôi khi quá mức hy vọng của tôi. Lúc đầu một vài người đưa ý kiến tìm một khu đất rộng ở ngoại ô để lập một khu Đại học Huế thật rộng rãi xứng đáng. Tôi thấy ý kiến này có điều hay, nhưng chỉ ngại tình hình an ninh không được bảo đảm, sẽ làm hỏng tất cả mọi việc, nên đề nghị chọn một vài khu đất rộng còn trống trong thành phố thì hơn. Do đó các cơ sở mới của Đại học Huế được xây cất trên khu đất trống của tòa Khâm sứ cũ, hoặc trên đất Hồ Đắc Trung trước tòa Đại biểu cũ.
Các họa đồ đều do Ngô Viết Thu vẽ rồi trình thẳng lên ông Diệm duyệt. Tôi nhớ một hôm tôi về Sài Gòn, ông Diệm đưa tôi xem họa đồ khu cư xá giáo sư do Ngô Viết Thu vẽ vừa đưa lên. Ngô Viết Thu khi đó cũng có mặt trong phòng. Ông Diệm chăm chú nhìn vào họa đồ, rồi hỏi Ngô Viết Thu:
– Phải có chỗ để phơi quần áo chớ. Chẳng lẽ bắt người ta phơi quần áo đầu giường sao?
Tôi và Ngô Viết Thu đều có vẻ ngạc nhiên, vì không nghĩ ra ông Diệm có thể chú ý đến những việc nhỏ bé như vậy. Điều này chứng tỏ ông Diệm lưu tâm đến đại học Huế chừng nào, và cũng chứng tỏ rằng trong nhiều vấn đề, ông Diệm rất hết sức tỉ mỉ, không hàm hồ như nhiều người chê trách sau này. Ngô Viết Thu phải sửa sơ lại họa đồ, và thêm phòng phơi quần áo cho cư xá giáo sư.
Mỗi lần ra Huế, ông Diệm đều đến thăm đại học Huế, và bàn thêm với tôi về những cách thức củng cố và mở mang đại học Huế. Điều này có lúc gây ra đôi chút đố kỵ từ giới Đại học và giáo dục ở Sài Gòn thời bấy giờ, mà tôi sẽ trình bày trong việc thành lập đại học Y khoa Huế.
Hết năm 1958, Viện đại học Huế có thể gọi là đã trưởng thành về mọi mặt. Các phân khoa hoạt động đều đặn. Bấy giờ tôi bắt đầu nghĩ đến việc mở thêm đại học Y khoa, tôi cho rằng đại học Huế có Y khoa thì mới gọi là đầy đủ được. Tôi từng đọc những bản thống kê về con số bác sĩ trên thế giới, thì thấy rằng tính theo dân số, tỉ lệ các bác sĩ Việt Nam còn lém hơn Phi châu. Ở Việt Nam cứ 30.000 người dân một bác sĩ, trong lúc ở Phi châu, chỉ tr6en 20.000 dân đã có một bác sĩ.
Một tình trạng khan hiếm bác sĩ trong một quốc gia đang mở mang tai hại đến nhiều thế hệ về sau. Tại nông thôn tình trạng khan hiếm bác sĩ càng rõ rệt. Ở Huế những quận lớn và đông dân cư như Hương Thủy, Cầu Hai không có được một bác sĩ dân sự nào, mặc dầu có những người địa phương tốt nghiệp bác sĩ. Các bác sĩ quy tụ cả vào Sài Gòn và những thành phố lớn. Riêng trong thành phố Huế, con số bác sĩ dân y và những bác sĩ quân y mở phòng mạch riêng ngoài phố cũng không đủ so với dân số Huế.
Tôi đã lưu tâm đến vấn đề khan hiếm bác sĩ, cán sự y tế từ khi về nước. Tôi còn nhớ lúc làm cha xứ Đan Sa ở Quảng Bình tôi đã chứng kiến sự khốn khổ của người dân thiếu hiểu biết y tế, thiếu bác sĩ là như thế nào, vì đó ngay từ khi mới mở Đại học Huế, tôi đã cố gắng thêm những khóa cán sự điều dưỡng và nữ hộ sinh quốc gia.
Nhưng không ai có thể thay thế được những bác sĩ có khả năng, giàu lương tâm chức nghiệp.
Với tất cả những ưu tư đó, vào cuối năm 1958, tôi vào Sài Gòn gặp ông Diệm để trình bày về sự cần thiết phải mở đại học Y khoa Huế. Tôi đưa ra mọi lý lẽ để thuyết phục ông Diệm.
– Thưa cụ, giữa thời đại văn minh này, nhiều làng mạc, thôn xóm Việt Nam, nhiều người Việt Nam vẫn chữa bệnh theo lối đồng bóng phù thủy, cầu thánh. Người ta đã chỉ trích cái tinh thần mê tín dị đoan của dân Việt Nam, nhưng không ai chịu bứng cái gốc của sự mê tín dị đoan đó, là vì Việt Nam thiếu hiểu biết về vệ sinh y tế, và thiếu bác sĩ ở nông thôn. Miền Trung vừa nghèo vừa đông dân cư, tình trạng thiếu bác sĩ càng trầm trọng hơn bất cứ nơi nào khác. Tôi thấy cần phải mở đại học Y khoa Huế để đào tạo những sinh viên Huế có khả năng và ham thích Y khoa trở thành những bác sĩ. Hẳn cụ cũng biết hằng năm đại học Y khoa Sài Gòn chỉ đào tạo được vài chục bác sĩ, trong số đó một phần đã phải vào ngành quân y. Hằng năm có đến hàng ngàn sinh viên thi vào Y khoa, nhưng đều bị loại không phải vì họ thiếu khả năng, không đúng tiêu chuẩn nhưng chỉ vì mức thu nhận của đại học Y khoa Sài Gòn quá ít ỏi. Bây giờ dù có mở thêm đại học Y khoa Huế chúng ta cũng không sợ thiếu sinh viên, hay ứ đọng bác sĩ…
Cụ Diệm có vẻ hết sức lưu tâm đến vấn đề. Cụ đồng ý với những lập luận của tôi, gật gù hứa hẹn:
– Cha nói đúng. Nước mình thiếu bác sĩ một cách trầm trọng. Tôi đã lưu ý đến tình trạng này từ lâu, nhưng vấn đề hết sức quan trọng, lại nặng tính cách chuyên môn quá nhiều nên tôi không thể đơn phương quyết định được. Tôi hứa với cha sẽ đưa vấn đề ra thảo luận trong một hội đồng nội các gần nhất. Riêng tôi, hoàn toàn ủng hộ đề nghị của cha.
Tôi ra về, có vài phần tin tưởng.
Ba tuần sau chẳng thấy tin tức gì, tôi lại vào Sài Gòn và đến gặp Tổng thống. Tổng thống cho biết rằng vấn đề đã được đưa ra một hội đồng nội các cách đây 10 hôm, nhưng các ông bộ trưởng đều bác bỏ, sau khi tham khảo giới đại học Y khoa Sài Gòn.
– Thưa cụ, họ viện ra những lý do gì để bác bỏ?
– Tôi cũng thấy những lý do họ đưa ra không vững vàng chi lắm, nhưng nó chứng tỏ rằng họ không muốn có thêm một đại học Y khoa. Họ nói rằng cả nước Việt Nam chỉ cần có một đại học Y khoa là đủ lắm rồi.
Tôi bực tức hết sức:
– Thế nào gọi là đủ được, thưa cụ. Phi châu cứ 20.000 dân đã có một bác sĩ, trong lúc Việt Nam tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, cụ lại đương có dự tính làm cho nước Việt Nam đóng vai lãnh tụ Đông Nam Á mà trên 30.000 dân mới có được một bác sĩ, thì gọi là đủ làm sao được. Hơn nữa như cụ hiểu hơn ai hết, các bác sĩ phần lớn đều quy tụ vào các thành phố lớn, còn ở nông thôn có khi cách hàng chục cây số chưa tìm ra được một bác sĩ. Ngày xưa dân chúng còn chữa trị bằng thuốc bắc, thuốc nam được là nhờ các cụ đồ nho tham khảo sách Tàu được, nay lớp người đó đã quy tiên, lớp trẻ lớn lên không hiểu chữ Nho, những thầy thuốc Bắc ngày nay càng ngày càng suy đồi về nghề nghiệp, chỉ còn giữ được vài phương thuốc gia truyền. Nhiều khi họ chữa trị bậy bạ, làm hại cho sức khỏe của dân chúng hơn là làm lợi.
Ông Diệm có vẻ thông cảm với sự bực tức của tôi, bình tĩnh giải thích:
– Ngoài lý do trên đây, họ còn viện lẽ rằng hiện nay số bác sĩ giảng viên Y khoa của Việt Nam rất thiếu, may lắm vừa đủ cung ứng cho đại học Y khoa Sài Gòn, mà không thể nào cung ứng thêm cho một đại học Y khoa thứ hai nào khác. Nếu mở đại học Y khoa Huế, chả lấy đâu ra bác sĩ giáo sư.
– Thưa cụ, tôi đồng ý là chúng ta thiếu giáo sư, không những về Y khoa, mà về mọi ngành đại học khác. Nhưng không lẽ vì thấy thiếu rồi chúng ta không làm gì cả, không mở đại học kỹ thuật, đại học khoa học v.v…? Chúng ta phải tìm cách để giải quyết những khó khăn đó. Chẳng hạn chúng ta có thể yêu cầu những quốc gia Đồng minh giúp cho chúng ta một số giáo sư Y khoa…
Ông Diệm có vẻ đồng ý hơn với tôi:
– Cha ngồi chờ một lát tôi gọi ông Bộ trưởng Quốc gia giáo dục và hỏi qua ý kiến một chút.
Ông Diệm nhấc điện thoại gọi ông Trần Hữu Thế, lúc bấy giờ vừa thay Nguyễn Dương Đôn làm Bộ trưởng giáo dục. Chỉ vài phút sau thì ông Thế vào.
Ông Thế không có thêm ý kiến mới lạ nào, ngoài những điều đã đưa ra trong hội đồng nội các mười hôm trước nhằm bác bỏ việc thành lập đại học Y khoa Huế. Ông Diệm nói:
– Sau khi bàn với cha Luận, tôi thấy có thể mở đại học Y khoa Huế, và đã quyết định thành lập đại học Y khoa. Ông Bộ trưởng cho thảo sắc lệnh mai đem lên tôi ký.
Ba người ngồi lại thảo luận thêm một chút. Ông Diệm hỏi tôi:
– Bây giờ cha đã có sắc lệnh rồi, cha làm cách nào mở được đại học Y khoa Huế?
Ông Thế có vẻ cũng muốn hiểu điều đó. Tôi đã có chủ ý rồi.
– Thưa cụ, hôm nay có sắc lệnh, không phải là ngày mai có liền một đại học Y khoa. Nhưng sắc lệnh đó cho tôi một căn bản để hoạt động, kêu gọi các tòa Đại sứ, các nước Đồng minh, các Viện đại học Y khoa lớn trên thế giới giúp đỡ mình, cũng như để có căn bản mời những bác sĩ giáo sư Việt Nam ở ngoại quốc về nước. Có thể là hôm nay có sắc lệnh, nhưng năm sau hay lâu hơn nữa mới có thể mở được. Nhưng nếu hôm nay không có sắc lệnh còn nói chi đến chuyện có một Viện đại học Y khoa Huế.
Ông Diệm và Trần Hữu Thế có vẻ đồng ý điều đó. Ông Diệm gật đầu:
– Được rồi ngày mai cha sẽ có sắc lệnh.
Quả thực ngày mai vào phòng ông Diệm, tôi đã thấy sắc lệnh thành lập đại học Y khoa Huế để trên bàn làm việc của ông Diệm. Ông Diệm trịnh trọng cầm sắc lệnh trao cho tôi, nhìn tôi một lúc lâu:
– Tôi đặt hết tin tưởng vào nơi cha, nhưng tôi lo sợ cha làm không thành thì bọn trí thức Sài Gòn, nhất là giới Y khoa ở đây, chẳng những cười cha mà còn chê tôi nữa. Cầu chúc cha thành công.
– Tôi sẽ cố gắng hết sức mình, và tin rằng sẽ thành công, nhưng mọi việc còn nhờ cụ nhiều lắm.
Tiễn tôi ra cửa, ông Diệm còn căn dặn:
Những gì trong phạm vi khả năng của tôi, chắc chắn là tôi không từ chối đâu, nhưng tôi thấy công việc thật là khó khăn.
Đã có sắc lệnh trong tay, tôi đi gặp các tòa Đại sứ, phần nhiều được các tham vụ văn hóa các tòa Đại sứ này đón tiếp nồng hậu, ghi nhận sự thông báo và yêu cầu của tôi, và nơi nào cũng hứa sẽ nghiên cứu rồi tìm cách giúp đỡ sau. Người thứ nhất mà tôi đến tìm gặp là ông Costler, Phó Giám đốc cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ. Ông tỏ vẻ hiểu biết, cho tôi biết rằng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ Việt Nam rất nhiều về mặt khoa học kỹ thuật nhưng không thể giúp gì cho Y khoa được. Từ ba năm nay Hoa Kỳ cũng rất muốn giúp đỡ Y khoa Việt Nam phát triển nhưng vì sự cạnh tranh giữa hai khuynh hướng Pháp và Mỹ nên đành bó tay.
Tôi hứa với ông là trong đại học Y khoa Huế tương lai vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng giữa Pháp và Mỹ sẽ không được đặt thành. Ông hứa sẽ nghiên cứu sự yêu cầu giúp đỡ của tôi và sẽ thông báo kết quả cho tôi sau.
Nơi thứ hai mà tôi tìm đến là tòa Đại sứ Pháp.
Ông tham vụ văn hóa tòa Đại sứ Pháp trả lời cho tôi biết rằng Pháp hiện đã dốc các nỗ lực giúp cho đại học Y khoa Sài Gòn, và thấy khó có thể giúp thêm cho đại học Y khoa Huế, vì vậy không thể hứa điều gì ngay lúc này, nhưng sẽ nghiên cứu và cho biết sau.
Tôi đến tòa Đại sứ Tây Đức, và được ông Đại sứ là ông Von Wenland tiếp cách nồng hậu, niềm nở. Ông Đại sứ cho biết rằng vấn đề khó khăn, tế nhị vì ở Đức quyền các tiểu bang khá lớn, và quy chế tự trị đại học có tính cách gần như tuyệt đối. Chính phủ liên bang dù muốn làm việc gì cũng phải được sự đồng ý của tiểu bang và của các Đại học.
Tuy nhiên ông hứa sẽ tìm mọi cách giúp đỡ tôi trong việc thành lập đại học Y khoa Huế. Ông cho biết tuần sau ông sẽ cử một cố vấn văn hóa ra Huế xem xét và nghiên cứu.
Tôi về Huế được một tuần thì ông bác sĩ Jacob cố vấn văn hóa tòa Đại sứ Đức ra thăm tôi và thảo luận về những chi tiết thành lập đại học Y khoa. Ngoài ra tôi cũng dẫn ông đến quan sát bệnh viện trung ương Huế.
Lúc tôi trở vào Sài Gòn, ông hỏi tôi:
– Tôi rất thiện cảm với chương trình của cha nhưng xin cha cho biết việc đầu tiên mà nước tôi có thể giúp cha là việc gì?
– Tôi đã có sắc lệnh, nhưng chính tôi cũng chưa biết phải làm gì, bắt đầu từ chỗ nào. Vậy việc đầu tiên và dễ dàng mà tôi yêu cầu tòa Đại sứ Đức giúp cho là phái sang đây một giáo sư đứng tuổi, nhiều kinh nghiệm giảng dạy và tổ chức đại học Y khoa. Ông sẽ sống ở đây với tôi vài tháng, để quan sát và nghiên cứu rồi phúc trình về tòa Đại sứ và về nước Đức, đồng thời ông có thể làm cố vấn cho tôi.
Bác sĩ Jacob đồng ý, và cho rằng việc đó có lẽ không khó khăn lắm và sẽ được chấp thuận dễ dàng.
Hai tháng sau, bác sĩ Krainick, giáo sư thạc sĩ đứng tuổi, từng giảng dạy tại đại học đường Y khoa Freiburg, được chính phủ và Bộ ngoại giao Đức phái đến Huế. Ông lưu lại Huế 2 tháng hơn, làm việc tại bệnh viện Trung ương Huế và nhận định rằng bệnh viện này đủ điều kiện cung cấp những phương tiện nghiên cứu cho một đại học Y khoa.
Ông làm phúc trình lên tòa Đại sứ Đức, với đề nghị là Đức nên giúp đỡ Việt Nam thành lập đại học Y khoa Huế. Các nhận định của ông trong bản phúc trình hết sức thuận lợi. Ông đề nghị với tôi là sau khi ông về nước Đức vài tháng, tôi nên sang Đức, đi vận động các tiểu bang và các Đại học, vì ông cho tôi biết như Đại sứ Đức đã nói, quyền các tiểu bang và các đại học ở Đức rất lớn.
Tôi vào Sài Gòn trình bày những kết quả và đề nghị là có thể xúc tiến ngay công việc xây cất trường sở. Tôi xin một ngân khoản 5, hay 6 triệu đồng để mở những cơ sở đầu tiên, chuẩn bị mở lớp thứ nhất vào năm học tới. Ông Diệm đồng ý nhưng nói rằng hiện nay không còn một ngân khoản nào có thể rút ra được để bỏ vào đại học Y khoa Huế. Tôi đề nghị cho tôi lấy tiền lời xổ số kiến thiết liên tiếp 8 kỳ. Ông Diệm đồng ý và số lời 8 kỳ xổ số kiến thiết được khoảng 6 triệu. Tôi có thể bắt đầu xây cất những cơ sở đầu tiên ngay.
Công việc được giao cho nhà thầu, xây theo họa đồ của Ngô Viết Thu. Tôi và Lê Khắc Quyến đi Đức rồi sang Ba-Lê sau. Đại sứ Việt Nam tại Bonn là Hà Vĩnh Phương hết sức hăng hái giúp đỡ tôi, đích thân trông nom việc tổ chức thăm viếng các nơi. Trước hết tôi đến gặp ông Giám đốc viện trợ hải ngoại, nằm trong Bộ ngoại giao Đức. Bộ này phụ trách mọi công việc viện trợ ngoại quốc. Ông này cho biết Bộ ngoại giao và chính phủ Đức đã nhận được phúc trình của giáo sư Krainick, và hết sức sẵn lòng giúp đỡ tôi trong việc thành lập đại học Y khoa Huế, nhưng cho tôi biết rằng chính phủ liên bang không thể bổ nhiệm các giáo sư y khoa, vì các giáo sư Y khoa nằm trong quyền điều động của các đại học tự trị. Ông khuyên tôi đến thăm các đại học lớn ở Đức, và thuyết phục các đại học này bảo trợ cho đại học Y khoa Huế. Ông còn cho biết rằng bất cứ giáo sư Y khoa nào đồng ý sang giảng dạy ở Huế, sẽ được chính phủ trung ương đài thọ lương bổng và mọi đề nghị của họ về việc trang bị dụng cụ y khoa sẽ được chính phủ thỏa mãn.
Trước hết tôi đi thăm Cologne và đại học Y khoa ở đó. Tôi được Viện trưởng tiếp đãi niềm nở, nhưng cho biết rằng đại học Cologne nhỏ bé, lại đã bảo trợ cho một đại học ở Phi châu, vì nơi đó là cựu thuộc địa của Đức, nên chỉ có thể giúp đỡ một cách khiêm tốn là cấp học bổng cho các bác sĩ Việt Nam nào muốn làm giáo sư.
Tôi sang thăm đại học Tự Do Bá Linh ở Tây Bá Linh, gặp Viện trưởng và Khoa trưởng Y khoa, nhưng ở đây họ cũng trình bày các lý do tương tự như ở Cologne và cũng đề nghị cách giúp đỡ tương tự. Tại Heidenburg, Stugrat người ta cũng nói tương tự như vậy. Tôi chỉ còn trông cậy vào đại học Freiburg, là nơi giáo sư Krainick làm giáo sư.
Ở đây tôi được đón tiếp đặc biệt, vì đã được giáo sư Krainick về trước mấy tháng vận động cho. Tôi được hướng dẫn đến gặp Thủ tướng tiểu ban là ông Keisinger (sau này làm Thủ tướng Tây Đức). Freiburg thuộc tiểu bang Baden Baden. Ông Keisinger hứa sẽ giúp đỡ Đại học Y khoa Huế.
Có một chi tiết đáng nhớ là trong cuộc tiếp xúc chúng tôi nói chuyện qua một thông ngôn, nhưng sau, trong một buổi tiệc, ông Keisinger nói chuyện bằng tiếng Pháp và nói rất giỏi. Tôi hỏi lý do thì được biết rằng sở dĩ trong cuộc tiếp xúc chính thức, ông sử dụng thông ngôn là vì vấn đề nghi lễ, thủ tục.
Tôi đến gặp Tổng Giám Mục Freiburg, vì biết rằng ở đây Đức Tổng Giám Mục có ảnh hưởng lớn trong giới đại học. Tại đại học đường Freiburg có phân khoa thần học, đều do các linh mục dạy và các linh mục này đều được Tổng Giám Mục đề cử. Viện trưởng vừa từ chức là một linh mục, và hiện vẫn còn có nhiều ảnh hưởng trong giới đại học.
Đức Tổng Giám Mục rất thiện cảm với những nỗ lực của tôi và hứa sẽ hết sức giúp đợ trong phạm vị khả năng và ảnh hưởng của ngài.
Riêng đại học Y khoa Freiburg thì Viện trưởng và Khoa trưởng đồng ý để đại học Y khoa Freiburg bảo trợ cho đại học Y khoa Huế, trong năm đầu sẽ cung cấp 3 giáo sư, và để khích lệ giáo sư, những năm giảng dạy ở Huế cũng vẫn được tính vào thâm niên công vụ như là dạy ở Freiburg vậy. Ngoài ra đại học Freiburg sẵn sàng huấn luyện cho các bác sĩ trở thành giáo sư Y khoa.
Tôi có ghé Thụy Sĩ và thăm đại học Công giáo nhưng không được sự giúp đỡ nào đáng kể.
Như thế chuyến thăm Đức của tôi có thể coi như thành công. Tôi đi Ba-Lê với ý đĩnh tìm một bác sĩ giáo sư người Việt Nam có tiếng, có ttài để về làm khoa trưởng Y khoa đầu tiên của đại học Y khoa Huế. Tôi có biết bác sĩ Lê Tấn Vĩnh, một giáo sư thạc sĩ nổi tiếng hiện làm trong phòng nghiên cứu của giáo sư Lelong tại đại học Y khoa Ba-Lê. Tôi trình bày với ông mọi dự tính của tôi và cố gắng thuyết phục ông. Ông Vĩnh đồng ý nhưng cho biết rằng ông bận những công việc nghiên cứu quan trọng ở Pháp và không thể mất cơ hội hiện có này, nên chỉ có thể về Việt Nam mỗi năm 6 tháng mà thôi.
Ông Vĩnh nói rằng muốn cho ông có thể về nước được thì tôi phải gặp và thuyết phục giáo sư Lelong.
Tôi đến gặp giáo sư Lelong, trình bày mọi việc khẩn khoản mời giáo sư Vĩnh, ông Lelong tỏ ra hết sức quý mến ông Vĩnh, và cho tôi biết rằng Việt Nam có một người như ông Vĩnh, nhưng nếu ông Vĩnh từ bỏ những công cuộc nghiên cứu hiện ông đang theo đuổi thì chẳng những thiệt hại cho Việt Nam mà thiệt hại cả cho thế giới. Tuy nhiên ông cũng đồng ý để cho ông Vĩnh về Việt Nam mỗi năm sáu tháng.
Tôi về Việt Nam, và vẫn tiếp tục liên lạc thường xuyên với đại học Freiburg và bác sĩ Lê Tấn Vĩnh. Vài tháng sau bác sĩ Vĩnh về Huế và giữ chức khoa trưởng Y khoa đầu tiên. Ngày nay sở dĩ ít ai nhớ đến ông Vĩnh là vì ông làm khoa trưởng Y khoa được vài tháng thì bị bệnh, phải trở sang Pháp để chữa trị. Thực ra bên trong còn nhiều uẩn khúc, mà tôi ngần ngại không muốn nói ra, sợ làm mất lòng một số người. Nhưng tôi thiết nghĩ cần phải nói lên, để lưu ý những người có trách nhiệm về sau. Quả thực ông Vĩnh bị bệnh, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính buộc ông từ bỏ đại học Y khoa Huế vĩnh viễn.
Sau mấy tháng làm khoa trưởng, ông Vĩnh cố gắng hết sức, nhưng gặp phải sự đố kỵ của giới Y khoa Sài Gòn, làm cho ông buồn bực, chán nản. Ông tưởng rằng về nước với tất cả thiện chí, ông có thể giúp ích cho nước nhà, và ít nhất cũng được các đồng nghiệp hiểu cho điều đó, không ngờ chỉ gặp sự đố kỵ, ghen ghét, tị hiềm. Tính ông không muốn rơi vào những mưu mô, những vận động đen tối, nên nhân có bệnh, ông rời Huế và về sau báo tin cho tôi biết ông quyết định từ chức, yêu cầu tôi chọn người thay thế.
Niên khóa 1959 lớp dự bị Y khoa đầu tiên của đại học Y khoa Huế khai giảng. Các giáo sư đã tạm đủ để phụ trách lớp này nhưng trường sở còn thiếu nhiều lắm. 6 triệu tiền lời xổ số kiến thiết chưa đủ vào đâu. Tôi vào Sài Gòn trình bày cho ông Diệm, và được cấp thêm 10 triệu, nhưng khi tính vào các khoản vẫn thấy thiếu.
Tôi đến gặp ông Seabern, đại sứ trưởng phái bộ Gia Nã Đại trong Ủy hội kiểm soát đình chiến. Ông Seabern mừng rỡ cho tôi biết rằng tôi đến thật đúng dịp may, Gia Nã Đại vừa cấp 30 triệu đồng Việt Nam trong khoản thặng dư tiền bán lúa mỳ năm nay nhưng chưa sử dụng vào việc gì. Ông cho biết thêm rằng Đức cha Ngô Đình Thục có xin được cấp ngân khoản đó để dùng vào đại học Đà Lạt, nhưng chính phủ Gia Nã Đại cho rằng đại học Đà Lạt là một đại học tư thục Công giáo, nước ông lại là nước vừa Công giáo, vừa Tin lành, cho nên chính phủ không muốn mắc tiếng là thiên vị tôn giáo nào. Ông sẵn sàng cấp 25 triệu cho đại học Y khoa Huế và 6 triệu cho đại học Khoa học để xây một giảng đường lớn. Tôi cũng muốn nhắc lại là mặc dù từ lúc đầu phái bộ viện trợ Mỹ hứa giúp đỡ, nhưng trên thực tế mãi hai năm sau khi đại học Y khoa hoạt động, Mỹ mới bắt đầu giúp đỡ, trang bị các phòng thí nghiệm và cấp 60 triệu xây cất thêm trường đại học Sư phạm và trường trung học kiểu mẫu.
Kết thúc phần trình bày sự thành lập đại học Huế tôi nhận định rằng trong những năm 1957-1962, đại học Huế đã phát triển mạnh và ổn định chính trị ở Việt Nam làm cho các nước Đồng minh tin tưởng vào tương lai Việt Nam, nên sẵn sàng giúp đỡ cho Việt Nam mà không sợ phí.
Yếu tố thứ hai, là ông Diệm đặc biệt chú ý đến việc thành lập củng cố và phát triển đại học Huế. Trong phạm vị phương tiện và khả năng của ông, tôi nhận thấy ông Diệm đã không ngần ngại một việc gì để giúp cho đại học Huế lớn mạnh. Ông có thể sai lầm về chính trị, nhưng những nỗ lực phát triển văn hóa, điển hình là thành lập và mở mang đại học Huế, thì tôi thấy cần phải công tâm và nhận định rằng ông Diệm đã có công đáng kể. Biết bao nhiêu người quyền hành trong tay đã không làm được như ông Diệm.
Những năm 1956-1961 là những năm cực thịnh của chế độ Ngô Đình Diệm. Lúc bấy giờ Việt cộng chỉ bắt đầu khuấy phá một vài nơi, và phần lớn chỉ là những sự phá hoại, giật mìn, đánh lén những đồn bót hẻo lánh. Tuy nhiên lúc này ông Diệm đã chú ý đến mối đe dọa của cộng sản, cho nên một mặt ông tung ra phong trào tố cộng, mặt khác bắt đầu thực hiện kế hoạch ấp chiến lược.
Uy quyền ông Diệm quá lớn nhưng thuộc hạ chẳng mấy ai là người tài giỏi hay có tư cách vững chãi, cho nên mọi quyết định ông Diệm đưa ra chẳng bao giờ có ai cản trở hay can gián.
Chung quanh chiến dịch tố cộng thời bấy giờ, tôi nhận thấy nhiều lạm dụng, lộng quyền, vu khống, oan ức.
Nhưng bởi vì tôi không nắm đầy đủ mọi sự kiện, lại không có thẩm quyền gì, nên không thể đưa ra ý kiến trái ngược nào với ông Diệm hoặc ông Nhu. Tôi nghe nói lại một vài nơi ở thôn quê, cách thức tố cộng đã học đòi lối tố khổ, đấu tố của cộng sản.
Các giáo sư trong Viện đại học Huế, cũng được phân phát những tài liệu học tập tố cộng, nhưng vì tôi không đặc biệt quan tâm, cho nên họ cũng hội họp bàn bạc lấy lệ, không có tính cách bắt buộc ai cả.