Tháng sáu năm 1953, nhờ sự can thiệp của văn phòng Nguyễn Đệ, tôi thu xếp xong giấy tờ xuất ngoại và sửa soạn sang Pháp.
Vào thời gian này, tình thế đã gần như suy sụp hoàn toàn. Trong nước, Việt Minh được sự giúp đỡ ồ ạt của Trung Cộng đã bước sang giai đoạn tổng phản công. Trong khi ấy, chính phủ Nguyễn Văn Tâm càng lúc càng lộ rõ bộ mặt bè phái, vơ vét, bất lực.
Trạng huống này làm những người quốc gia bất hợp tác với cả Cộng sản lẫn Bảo Đại càng thêm nóng lòng, và ông Ngô Đình Diệm, sau khi được chính giới Mỹ hỗ trợ, trở thành giải pháp được trông đợi.
Một số trí thức Việt Nam ở Pháp, hồi ấy, như Trương Công Cừu, Trần Hữu Phương, Vũ Văn Thái, Nguyễn Văn Thoại, Ngô Đình Luyện v.v… quá nóng lòng với tình thế, đã tìm mọi cách đón được cụ Diệm từ Mỹ sang Ba-Lê để xúc tiến kế hoạch đưa cụ về nước nhưng hình như cụ Diệm vẫn còn ngần ngại.
Có lẽ thấu rõ thâm ý ông anh, trước ngày tôi rời Huế để sang Pháp, ông Ngô Đình Cẩn ngoài việc giao cho tôi một phong thư niêm kín, còn ân cần dặn dò:
– “Ông cụ” tính tình cẩn thận quá đáng lắm, dù bọn con có bảo đảm là mọi cơ sở trong nu7óc đã chuẩn bị xong cũng chưa chắc ông cụ yên tâm. Vậy phải nhờ cha nói thêm vô. Có cha nói ông cụ mới tin. Cha cũng nên phân tích rõ cho ông cụ thấy là nước đã tới chân rồi, không thể chần chừ thêm nữa.
Tháng sáu, mùa xuân bên Tây bắt đầu đến lúc ấm áp nhất. Tin tôi sang Ba-Lê đã được bên nhà đánh điện báo trước bên Trương Công Cừu, Trần Hữu Phương đã chờ sẵn đón tôi ngoài phi trường. Vừa đặt xuống chưa kịp chào mừng nhau Trương Công Cừu đã báo ngay cho tôi biết là cụ Diệm hiện đang ở nhà Tôn Thất Cẩn ở ngoại ô Ba-Lê và cũng đang chờ gặp tôi. Cừu và Phương còn cho tôi biết thêm là Nguyễn Đệ đổng lý văn phòng của Bảo Đại cũng vừa sang Ba-Lê và dường như để mở cuộc thăm dò chọn người thay thế Nguyễn Văn Tâm. Các anh em cũng thúc giục tôi tương tự như ông Cẩn bên nhà:
– Cha phải can thiệp dùm vụ này, vì ông cụ vẫn chần chừ lắm. Một trở ngại khác là ông cụ vẫn tỏ vẻ không muốn nói chuyện với Nguyễn Đệ, đâu vì xích mích gì đó từ hồi ông cụ từ quan trong triều.
Lần này, tôi trọ trong nhà một người bạn Pháp là ông Auberty ở đường Saint Gormain, quận 5 Ba-Lê.
Sau một đêm nghỉ ngơi, ngay sáng sớm hôm sau, tôi đến nhà Tôn Thất Cẩn gặp cụ Diệm. Cẩn là con cụ Tốn Thất Hân, trước làm nhiếp chánh, hiện sống trong một biệt thự nhỏ ở ngoại ô Ba-Lê. Từ khi sang đây, cụ Diệm về ở luôn đây với Cẩn.
Ông Diệm tiếp tôi trong một gian phòng, chật hẹp. Mấy năm không gặp lại, ông Diệm trông có vẻ khỏe hơn so với buổi tôi năm nào tôi gặp ông ở Đà Lạt. Tuy gặp tôi, hỏi thăm được tin tức gia đình, ông có vẻ vui hơn, nhưng nét tư lự vẫn vương vất trên mặt.
Sau khi trao lá thư niêm kín của ông Cẩn gửi cho ông Diệm tôi nói với cụ:
– Thưa cụ, chuyến ni tôi đi ra ngoài là tính sang bên Mỹ coi chừng bọn sinh viên tôi gởi sang du học với cha Houssa bên nớ, sở dĩ tôi phải ghé Ba-Lê trước là vì ngoài việc theo lời yêu cầu của ông Cẩn, chính tôi cũng cần được gặp để trình với cụ là tình hình nước nhà lúc ni khẩn trương lắm rồi. Trong mấy năm ni, Cộng sản càng ngày càng mạnh hơn lên, mà các chính phủ do Bảo Đại lập nên chỉ bù nhìn hoàn toàn. Cứ tình thế ni, Cộng sản nhất định sẽ thắng và khi nớ kéo lại e quá muộn.