Nhà xuất bản Văn nghệ vừa ấn hành tập ký “Phùng Quán- Ba phút sự thật”, tập hợp mười lăm bài viết, ký thấm đẫm chất nhân văn rất của cố nhà thơ nổi tiếng Phùng Quán.
Đó là những kỷ niệm, hồi ức về những người bà con thân thuộc, về đồng đội, đồng nghiệp văn nghệ sĩ nổi tiếng của mình như Tố Hữu, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Hồ Vi, Trần Đức Thảo…; viết về những chiến sĩ cách mạng Cu Ba; những hồi ức về những chiến sĩ cảm tử quân trong những ngày đánh Pháp ở Huế, hồi ức về những ngày đi lao động của nhà văn ở công trường Cổ Đam, Hà Nam.v.v… Đây là một cuốn sách chân thực và xúc động từ trang đầu đến trang cuối.
Phùng Quán (1932-1995) là nhà văn để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lịch sử văn học Cách mạng Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX. Anh là một nhà văn chiến sĩ trọn đời trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn từ thuở thiếu thời: Đi theo Vệ Quốc Đoàn chiến đấu vì Tổ Quốc, nhân dân; dù phải vượt qua vô vàn tai ương đau khổ suốt 30 năm trời từ sau vụ “Nhân văn”. Thế nhưng anh không hề thù oán ai, vẫn cặm cụi viết, và vẫn “viết ngay viết thẳng từ dòng đầu tới dòng cuối”, luôn xưng tụng đất nước, xưng tụng nhân dân, xưng tụng cách mạng, xưng tụng tình yêu bằng những tác phẩm văn chương cuốn hút, bốc lửa, thiết tha và nhân bản. Phùng Quán đã để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp một nhân cách cao cả, một lòng tin yêu đồng đội và nhân dân sâu sắc, một tấm gương lao động hết mình… với gần trăm tác phẩm thơ, trường ca, truyện thơ, tiểu thuyết, truyện tranh được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ.
Nhắc đến Phùng Quán ai cũng nhớ tiểu thuyết Vượt Côn Đảo tái bản gần chục lần, cho đến bộ tiểu thuyết ngàn trang Tuổi thơ dữ dội, được tái bản lần thứ tư, được dựng thành phim làm xúc động hàng triệu triệu độc giả Việt trong và ngoài nước. Tuổi thơ dữ dội xuất hiện 32 năm sau sự kiện “Nhân văn”, được giải thưởng Hội Nhà văn, chứng tỏ sự thủy chung trước sau như một của ngòi bút Phùng Quán đối với con đường mà anh đã chọn! Nhắc đến Phùng Quán ai cũng nhớ những bài thơ gan ruột như “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo” viết về chị Võ Thị Sáu, với bài thơ “Lời mẹ dặn” nổi tiếng một thời: Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét…. Và những bài thơ “Hôn”, “Trăng Hoàng Cung”, “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”… đọc lên như nghe lời kinh cầu nguyện cho thân phận con người:… Đã đi với nhân dân / Thì thơ không thể khác / Dân máu lệ khốn cùng / Thơ chết áo đắp mặt…
Ngoài tiểu thuyết, thơ, Phùng Quán là cây viết ký xuất sắc. Một số bài viết của anh đã được giới thiệu trên các báo, nhưng cũng có những bài viết chưa công bố bao giờ, nằm trong lai cảo, do vợ nhà văn cung cấp. Chuyện vô cùng cảm động về “Người bạn lính cùng tiểu đội”. Đó là thiên ký sự tài hoa viết về một quãng đời đầy tai ương, khốn khổ của nhà thơ Tuân Nguyễn, một người bạn cùng quê, cùng đơn vị chiến đấu thân thiết nhất của Phùng Quán; Chuyện nhà thơ Tố Hữu trong đêm mưa rét vẫn nhiệt tình tiếp các cháu thiếu nhi viết văn ở ba miền rất cảm động; Chuyện “Bản hùng ca bị mối xông và 17 bộ hài cốt liệt sĩ” là những trang viết hào hùng và cảm động về Trung đội cảm tử Vệ Quốc Đoàn của Trung đoàn Trần Cao Vân đã hy sinh tập thể rất cao cả trong những ngày toàn quốc kháng chiến khốc liệt ở Huế. Chuyện “Ba phút sự thật” kể về anh hùng dân tộc Cu Ba Ăng-tô-ni-ô Êch-xê-va-na đã vạch kế hoạch đánh chiếm Đài phát thanh Quốc gia để có 3 phút nói lên sự thật, vạch mặt chế độ độc tài Ba-tít-sta.v.v.. Từng câu chuyện dù rất ngắn của Phùng Quán bao giờ cũng toát lên triết lý nhân văn sâu sắc, găm vào trí nhớ người đọc. Ví dụ, kết thúc bài viết ngắn “Ba phút sự thật”, anh viết: “Câu chuyện dạy tôi một bài học lớn về nghệ thuật ngôn từ. Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây đồng hồ quý báu đó” (tr.15).v.v…
Tất cả những áng văn ấy được Phùng Quán viết với một giọng văn tự sự pha hài rất chuyên nghiệp, lão luyện, kết cấu đầy kịch tính, dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đọc “Phùng Quán- Ba phút sự thật” bạn đọc sẽ hiểu thêm số phận bi tráng mà cao thượng của những người trí thức; càng hiểu thêm sự nhân hậu của cây bút Phùng Quán “một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ”.
Để có được cuốn sách, chị Vũ Thị Bội Trâm, người vợ thủy chung, người mà khi yêu Phùng Quán, gia đình và cơ quan can ngăn, đã khẳng khái: “Tôi tin anh ấy là người tốt, thời gian sẽ trả lời”. Chị Bội Trâm năm nay 74 tuổi, cách đây hơn 20 năm chị bị ung thư vú, thế mà đêm đêm giương mục kỉnh, lục tìm, đọc và chép lại từng tờ di cảo của chồng giúp cho người làm sách. Riêng bản thân tôi, từ hơn 11 năm nay, có tư liệu nào về Phùng Quán, của Phùng Quán là sưu tầm cho bằng được, rồi cất giữ, chờ ngày công bố. Chúng tôi tin rằng cuốn sách “Phùng Quán- Ba phút sự thật” sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều chi tiết mới mẻ, cảm động về đời thường của những nhân vật “nổi tiếng” mà lâu nay chúng ta ít có điều kiện tìm hiểu. Đọc sách chúng ta càng trân trọng tài viết ký và tấm lòng thủy chung như nhất với cuộc đời của nhà thơ Phùng Quán.
Cuốn sách còn có 40 trang phụ lục gồm các bài viết về gia đình cách mạng của Phùng Quán ở Huế, về chị Bội Trâm người vợ nhà văn yêu chồng đến tận cùng, những giai thoại về Phùng Quán, những bức ảnh quý giá về cuộc đời nhà văn; đặc biệt có phần “Phùng Quán- tiểu sử văn học” tương đối đầy đủ để bạn đọc hiểu thêm nhà văn yêu mến của chúng ta đã sống và viết cật lực như thế nào.
Cám ơn Nhà xuất bản Văn nghệ đã mang đến cho bạn đọc một cuốn sách quý.
Gác Phổ Minh, 5-2006
Ngô Minh