Kể từ phiên họp lịch sử tại Câu lạc bộ Bộ Tổng Tham mưu vào ngày 20-8, tướng lĩnh đã chính thức nhảy vào cuộc. Cũng từ đó, ông Nhu chấp nhận đề nghị của tướng Đôn để cho các tướng lãnh hội họp hàng tuần để thảo luận ý kiến về các vấn đề quân sự. Đó cũng là cơ hội vàng son, giúp các tướng ngồi gần nhau, mà trước đó họ hoàn toàn phân hoá. Mỗi ông tướng là một ốc đảo biệt lập, không những không thuận nhau mà còn kình chống nhau vì quyền lợi và địa vị. Bây giờ thì mỗi tuần các tướng đều có lý do hội họp mà không ai nghi ngờ gì cả. Đại sứ Cabot Loadge vẫn bí mật liên lạc với một số tướng lãnh qua con đường CIA, mà do một số cố vấn Mỹ xây dựng. Đại sứ Cabot Lodge trong cuộc gặp gỡ riêng ông Nhu vào đầu tháng 9 tại Đà Lạt đã đưa ra hai đề nghị:
1) Yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổng cải tổ và tiến dần đến một cơ chế dân chủ rộng rãi như nền dân chủ tự do của Mỹ;
2) Điều cấp thiết là chính quyền Ngô Đình Diệm phải cải tổ Chính phủ có nghĩa là phải mở rộng Chính phủ để các nhân sĩ đối lập tham chính.
Trước hai đề nghị đó, ông Nhu trả lời ông Cabot Lodge về đề nghị:
Đề nghị 1 – Việt Nam Cộng hoà đang có chiến tranh với Cộng sản và Việt Nam cộng hoà hiểu rõ chiến lược chiến tranh cách mạng của Cộng sản hơn bất kỳ một quốc gia Tây phương nào. Để đối phó với cuộc chiến tranh đó, Việt Nam Cộng hòa không thể thực thì một nền dân chủ tự do theo kiểu Mỹ. Nhưng theo ông Nhu, Việt Nam Cộng hòa đang thực thi dân chủ từ hạ tầng thôn ấp qua tổ chức ấp chiến lược – truyền thống xã hội Việt Nam và thực tại miền Nam không thích hợp với dân chủ xứ Mỹ và dân chủ từ xứ này phải từ hạ tầng đi lên chứ không thể có cơ chế dân chủ kiểu Mỹ ở thượng tầng.
Đề nghị 2 – Toà án quân sự tha bổng 29 nhân sĩ thuộc nhóm Caravelle ngày 13-7-1963 là một thiện chí chứng tỏ Chính phủ muốn dung hoà với những người đối lập.
Đại sứ Cabot Lodge lại khuyến cáo: “Vì chiến tranh mỗi lúc mỗi gia tăng, an ninh mỗi ngày một thêm xáo trộn và để đẩy mạnh nỗ lực chiến tranh”, ông yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm dành 3 bộ là Nội vụ, Quốc Phòng, Công dân vụ cho 3 tướng lãnh. Những điều Cabot Lodge khuyến cáo chỉ một ngày sau đã vào tai một số tướng lãnh. Chính viên Phó Giám đốc CIA Smith đã kín đáo tung ra tin này để thăm dò phản ứng ở các giới, chính quyền cũng như phía đối lập. Trung tuần tháng 9, giới thân cận với gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm xầm xì to nhỏ về nguồn tin: Tướng Trần Văn Đôn sẽ nắm Bộ Quốc phòng, tướng Tôn Thất Đính nắm Bộ Nội vụ và tướng Trần Tử Oai nắm Bộ Công dân vụ. Bộ này sẽ cải danh. Riêng tướng Nguyễn Ngọc Lễ sẽ được thăng Đại tướng nắm quyền Tổng Tham mưu trưởng. Đây chỉ là dư luận Đại sứ Mỹ tung ra để thăm dò, tướng Lễ và Quân uỷ Đảng Cần lao, do tướng Đính là chủ tịch lại tin như là thực. Không hiểu tướng Lễ có khoe với ai không thì không rõ nhưng ông Lễ bị Tổng thống gọi vào đinh rầy la: “Anh nói gì nghe lạ rứa. Ai biểu cho anh là Tổng Tham mưu trưởng”. Tướng Lễ bị cụt hứng.
Đại sứ Cabot Lodge đánh mạnh vào tham vọng chính trị của một số tướng lãnh và gián tiếp ủng hộ cho các tướng biết rằng: Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ một cuộc cải tổ như vậy. Do đó, sau nhiều lần hội họp, một số tướng lãnh bị mê hoặc vì 3 cái ghế Quốc Phòng, Nội vụ và Công dân vụ.
Tương kế tựu kế, ông Nhu gián tiếp cho các tướng Đôn, Đính biết rằng: “Tổng thống Diệm – muốn giao trọng trách cho các toa (tướng lãnh) nắm giữ 3 bộ quan trọng của Chính phủ”. Một lần ông Nhu nói với tướng Đính: “Mấy Bộ trưởng dân sự chỉ ăn hại mập xác, chẳng làm được trò trống gì. Lúc này các toa phải giúp moa dẹp bớt mấy thằng ăn hại”. “Lộng giả thành chân”, mấy tướng lãnh lại tin là thực. Ông Nhu cũng trình bày với Tổng thống Diệm “Đính hay Lương giữ Bộ Nội vụ thì cũng thế, ăn thua là ở mình”. Nhưng Tổng thống Diệm lại cương quyết không đồng ý, vì ông cho rằng: “Bộ trưởng chi…Bộ trưởng thì phải có văn tự, thì dân nó mới nghe, nó mới cảm phục”.
Sau một phiên họp quan trọng đầu tháng 9, Hội đồng tướng lãnh đã gửi lên Tổng thống Diệm một kiến nghị mệnh danh “Phiếu đệ trình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Tối mật” ngày 3-9- 1963 với một số đề nghị cải cách chính trị của chế độ qua 3 đề nghị:
1- Đòi hỏi một sự hy sinh nhỏ của gia đình Tổng thống. Xin Tổng thống gởi ông bà Cố vấn Ngô Đình Nhu ra ngoại quốc hoặc vì lý do công vụ. Sau đó vấn đề trở về sẽ do tình hình chính trị định đoạt.
2- Xin thả ngay các sư sãi, tăng ni, sinh viên, học sinh do Lực lượng Cảnh sát chiến đấu và lực lượng cảnh sát đặc biệt bắt giữ, vì xét thấy tình hình đã trở lại yên tĩnh.
3- Cho tự do tín ngưỡng: Tuyên bố và thực thi các điểm yêu cầu của Phật giáo bằng hành động. Cấm chỉ mọi bắt bớ giam cầm. Thực thi khoan hồng toàn diện vô điều kiện với đoàn thể chính trị, tôn giáo, sinh viên, học sinh tranh đấu cho Phật giáo.
Điều lạ là phiếu đệ trình tối mật này lại đặt ngay trên bàn ông Nhu. Ông Nhu tỏ vẻ hài lòng với chiến thuật này đã có kết quả tốt đẹp. Một cách gián tiếp ông Nhu đã thúc đẩy một số tướng lãnh theo ông hoàn thành bản văn “Phiếu đệ trình tối mật” này với mục đích:
1 – Làm một cú trắc nghiệm thăm dò thái độ của một số tướng lãnh mà ông Nhu nghi ngờ có thể đứng lên đảo chính.
2- Làm một “cú” xả hơi để giải toả những bất mãn dồn nén trong một số tướng lãnh.
3- Làm một “cú” thăm dò phản ứng của Đại sứ Cabot Lodge.
Kể từ ngày “Phiếu đệ trình tối mật” gửi đến Tổng thống Diệm, các tướng Đôn, Đính, Oai thường xuyến tiếp xúc với ông Nhu. Và chính các tướng này trở thành hậu thuẫn cho ông Nhu và ông Nhu sử dụng phiếu đệ trình tối mật như một áp lực tinh thần để thỉnh cầu ông anh Tổng thống, chấp thuận một số cải tổ quan trọng mà ông đã đề nghị trên căn bản của chính sách ấp chiến lược.
.
Đại sứ Cabot Lodge bằng cách này hay cách khác đã thúc đẩy các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa đòi hỏi Tổng thống Diệm phải thực hiện ngay các Phiếu đệ trình tối mật và có nghĩa vụ phải trao cho tướng Đôn Bộ Quốc phòng và tướng Đính Bộ Nội vụ. Tướng Đính cũng như tướng Đôn trong lần tiếp xúc với ông Nhu vào cuối tháng 9 đều nhắc khéo ông Nhu về mấy điểm yêu cầu kể trên, nhưng Tổng thống Diệm do dự không quyết định. Cũng từ đầu tháng 9, ông Nhu bắt đầu nghi ngờ Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần và cho rằng Nguyễn Đình Thuần thân Mỹ và trở thành con bài của McNamara dể thực hiện chính sách mới của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Ngày 10-9, bà Nhu cùng phái đoàn Quốc Hội lên đường xuất ngoại để gọi là “giải độc” về vụ Phật giáo. Cũng thời gian này, bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị được cử sang Ai Cập nhận chức vụ Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại đây. Nhưng khi đến Le Cairo thì gặp trắc trở, vì Ai Cập đã công nhận đại diện Bắc Việt, và Việt Nam Cộng hoà từ chối không thiết lập quan hệ bang giao trên cấp bậc Tổng lãnh sự.
Do đó, bác sĩ Tuyến trở về Hong Kong. (Gia đình ông ở Sài Gòn bị nhóm Trần Văn Khiêm (em ruột bà Nhu) gây khó dễ và doạ ném lựu đạn ám hại vợ con ông nên cả gia đình sang định cư ở Hồng Kong. Cuối tháng 10 do cơ quan tình báo trung ương nhận được một tài liệu tối mật của Mặt trận Giải phóng miền Nam. Bác sĩ Tuyến người nắm rõ các đầu dây thuộc hệ thống sở Nghiên cứu chính trị. rời khỏi cơ sở này vào đầu tháng 2-1963, nhưng ở ngoài không một ai hay biết, kể cả tướng lãnh Bộ trưởng Ngoại trừ một số người thân tín. Qua tài liệu.
Chiều 5-10 ông Nhu vào tận Bộ Tổng Tham mưu để tham dự Hội đồng tướng lãnh. Dịp này ông Nhu đề cập đến vai trò quan trọng của ấp chiến lược và quân đội là một khả năng hữu hiệu nhất để hoàn thành vai trò của ấp chiến lược. Ông Nhu cũng “tâm sự” với tướng lãnh là, hiện nay Tổng thống Diệm đang bị một số Bộ trưởng thối nát bao vây và làm cản trở công trình phát triển của ấp chiến lược. Ông Nhu nói với giọng nửa đùa nửa thật: “Như rứa thì làm được chi. Các toa phải đảo chính chơi một đêm cho mấy tay ăn hại mập xác chúng nó sợ. ”
Tuy nhiên theo tướng Huỳnh Văn Cao thì ông Nhu đã dằn giọng nói: “Nếu ông tướng nào muốn đảo chính lật đổ chế độ này thì Quân đội phải treo cổ ông ấy lên “. Dịp này ông Nhu đã công khai tiết lộ cho Hội đồng tướng lãnh biết là một đại diện cao cấp của chính quyền Bắc Việt đã vào Sài Gòn và yêu cầu gặp riêng ông Nhu để nói chuyện.
TỪ “BRAVO I” ĐẾN “BRAVO II”
Sau khí tham dự Hội đồng tướng lãnh, tướng Nguyễn Khánh vào gặp riêng ông Nhu cùng một nhân vật thân tín nắm ngành tình báo. Tướng Khánh cho biết: Đang có một số tướng tá âm mưu đảo chính. Tướng Khánh lưu ý Đại tá Tung là phải hết sức coi chừng tướng Lê Văn Kim, Trần Văn Đôn và Trần Tử Oai. Ông Nhu chỉ thị cho tướng Khánh, nếu bất cứ tướng nào muốn móc nối tham gia đảo chính thì cứ “nhảy vô”. Đó cũng là điều mà ông Nhu căn dặn tướng Đính.
Trung tuần tháng 10 tại Đà Lạt, ông Nhu cùng tướng Khánh và một số cộng sự viên thân cận cùng nhau hoạch định kế hoạch chống đảo chính. Theo kế hoạch này, nếu Sài Gòn có đảo chính, tướng Đính bị cô lập thì quân đoàn II với sư đoàn 23 do Đại tá Lê Quang Trọng là Tư lệnh và sư đoàn 22 do Đại tá Lê Cao Trị sẽ là thành phần chủ lực, cắt đứt liên lạc giữa Cao nguyên và Sài Gòn. Ông Nhu sẽ theo lộ trình định sẵn lên Cao nguyên. Sau đó, quân đoàn II sẽ phản công, phối hợp với quân đoàn IV trở về giải phóng Sài Gòn.
Riêng tại Sài Gòn, ông Nhu trao cho tướng Đính được toàn quyền hành động. Tướng Đính đệ trình kế hoạch hành quân chống đảo chính được thực hiện theo ý ông Nhu. Đây là kế hoạch phá tan âm mưu đảo chính và thực hiện một cuộc đảo chính giả, mang tên Bravo I. Lực lượng gồm có 3000 quân, 40 thiết giáp, 6 đại đội lực lượng đặc biệt. Tướng Đính chính thức điều động lực lượng này kể từ sáng ngày 31-10-1963, dưới quyền ông là Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi và Đại tá Lê Quang Tung. Về thiết giáp có Trung tá Nguyễn Văn Thiện.
Ngày 23-10 tại phòng khách dinh Gia Long có Đại uý Minh, Đại uý Hoàn, Đại uý Bằng, tướng Đính với vẻ lo âu nói: “Nếu có đảo chính thì Ba Đính này phải nhảy vô không thì Mai Hữu Xuân nó giết chết anh em tụi mình”.
Nhưng thay vì thực hiện hành quân chống đảo chính, tướng Đính đảo chính luôn và cuộc hành quân này được mệnh danh là Bravo II thay cho Bravo I.
NGÀY N VÀ GIỜ G
Ngày 1-11-1963 đúng phiên trực của Trung sĩ Thái. Không khí Bộ Tổng Tham mưu ngay từ sáng sớm đã có vẻ bất thường. Một sĩ quan nói nhỏ với Thái, “sắp có chuyện nghe”. Lực lượng bố phòng tại Bộ Tổng Tham mưu không có quá một đại đội và hầu hết là lính văn phòng. Khoảng 10 giờ ông Thái để ý thấy một số binh sĩ thuộc Trung tâm huấn luyện Quang Trung về tăng cường. Rồi xe Jeep nườm nượp đi về phía tiền đình. Một điều lạ đối với Trung sĩ Thái là Đại tá Nguyễn Văn Chuẩn ra khẩu lệnh: Các sĩ quan chỉ được vào mà không được ra kể cả tướng lãnh. Gặp người lái xe của Đại tá Lê Quang Tung, Thái hỏi nhỏ: “Mấy trưa hôm nay họp hành gì mà quan trọng vậy”. Người tài xế nháy cặp mắt với Thái ra vẻ bí mật rồi nói nhỏ: Coi bộ không êm mấy ông tướng muốn làm tới ta. Khoảng 11 giờ, vị sĩ quan trực thuộc phòng 4 đi cùng với Đại tá Chuẩn ra tận cửa ngoài rồi gọi Thái dặn dò. Bất cứ một xe nào vượt ra ngoài phải ra lệnh dừng lại, nếu cưỡng lệnh bắn bỏ kể cả xe tướng. Cùng giờ đó, một đoàn 4 chiếc thiết giáp đi qua cửa chính Bộ Tổng Tham mưu lên thẳng Tân Sơn Nhất rồi quay trở lại, án ngữ phía cây xăng trên đường Võ Tánh. Khoảng nửa giờ, bốn chiếc thiết giáp lại chuyển bánh chạy về phía Phú Nhuận.
Khoảng 12 giờ, viên tài xế của Đại tá Tung tìm đến Thái, nói nhỏ: “Cậu giúp tớ việc này nếu xong sẽ có công lớn”. Nhìn quanh không thấy ai, viên tài xế nói: “Đây số điện thoại đây, cậu gọi giùm tớ Trung tá Huỳnh hay Thiếu tá Triệu cũng được hay là sĩ quan trực của Bộ Tư lệnh lực lượng đặc biệt cũng được. Cậu cấp báo cho họ biết là Đại tá Tung đang mắc kẹt ở đây rồi”. Trung sĩ Thái thắc mắc: “Kẹt là kẹt thế nào?”. Viên tài xế nói. “Kẹt là kẹt chứ còn là gì nữa… mấy cha đang tính chuyện đó”. Trung sĩ Thái tìm cách liên lạc với Thiếu tá Lê Quang Triệu – em ruột Đại tá Tung và là Tham mưu trưởng lực lượng đặc biệt.
Cũng vào thời khắc đó, Hội đồng tướng lãnh nhóm họp. Đại tá Nguyễn Văn Chuẩn được chỉ thị phụ trách an ninh tổng quát, trong vòng Bộ Tổng Tham mưu. Mở đầu buổi họp, Trung tướng Dương Văn Minh với vẻ mặt dao động nhưng cương quyết đứng lên tuyên bố lý do buổi họp, nghĩa là giờ hành động đã đến… Kế hoạch đảo chính nhắm ngày N (1-11) và giờ G (13 giờ) đã thực sực mở màn. Trung tướng Minh dứt lời – phòng họp lặng như tờ, thứ yên lặng nghẹt thở. Từng khuôn mặt tướng tá đổi màu. Những nụ cười tắt hẳn trên môi. Mọi người đều ngỡ ngàng. Một số tướng tá trong cuộc ghé tai nhau thì thầm to nhỏ.
Tướng Minh cũng lên tiếng kêu gọi tình chiến hữu nơi tướng tá và mọi người vì quyền lợi chung đối với đất nước hãy gạt bỏ tình cảm riêng tư để cùng nhau đoàn kết lật đổ chế độ hiện hữu. Ông cũng nhấn mạnh nếu chiến hữu nào chống lại Hội đồng tướng lãnh phải tạm thời cô lập ngay.
Đại tá Lê Quang Tung đứng lên phản đối mưu đồ của Hội đồng tướng lãnh và ông cương quyết chống đối lại mưu đồ đó. Tướng Dương Văn Minh gõ tay vào bàn rồi một cái lừ mắt của tướng Kim, Đại tá Tung liền bị Đại uý Nhung và hai nhân viên an ninh mời ra khỏi phòng họp. Đến lượt Đại tá Huỳnh Hữu Hiển, Tư lệnh Không quân phát biểu ý kiến. ông cho biết ông luôn luôn trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm vì theo ông, Tổng thống Ngô Đình Diệm và Chính phủ Diệm hợp pháp hợp hiến, ông chống lại việc lật đổ Chính phủ. Tức thì, Đại tá Hiển bị nhân viên an ninh mời ra khỏi phòng họp và tạm giam trong phòng “cô lập các sĩ quan chống đối’. Sau đó, Đại tá Hiển cùng ông Trần Văn Tư Giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành bị Thiếu tá Thiệt giải vào khám Chí Hoà. Riêng cuộc thuyết phục Đại tá Cao Văn Viên là gay hơn cả, kéo dài cả nửa giờ song Đại tá Viên – Tư lệnh lữ đoàn nhảy dù- đã trả lời tướng Minh đại ý, là một sĩ quan, ông không muốn dính líu tới chính trị, hơn nữa ông chưa nhận được lệnh của thượng cấp nên xin được đứng ngoài cuộc vụ này. Ông cũng lưu ý ông không chống lại Hội đồng tướng lãnh nhưng theo đảo chính thì ông không theo. Tức khắc, tướng Minh ra lệnh cho Đại uý Nhung áp giải Đại tá Viên ra khỏi phòng họp và cô lập ngay.
Buổi họp bế mạc – 1 giờ 30, tiếng súng nổ ngay sau Nha Cảnh sát Đô thành. Từ giờ phút đó, Trung tướng Trần Văn Đôn trở thành nhân vật chủ chốt số 1. Đường dây điện thoại giữa tướng Đôn và Đính hoạt động không ngừng. Từng phút từng giây… tại Bộ Tư lệnh quân đoàn III, tướng Đính thực hiện toàn bộ kế hoạch hành quân đảo chính mệnh danh Bravo II.
Thời khắc này, Bộ Tổng Tham mưu quy tụ đầy đủ các tướng lãnh và một số sĩ quan cao cấp, nhưng lực lượng bảo vệ vẫn không hơn một đại đội với sự tăng cường của một đơn vị tân binh của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.
Thiếu uý Chỉnh thuộc Bộ Tư lệnh lực lượng đặc biệt được tin Đại tá Tung bị bắt giam nên tức tốc kéo một đại đội đến cổng chính Bộ Tổng Tham mưu rồi dàn quân bố trí.
Với một lực lượng thiện chiến như vậy nếu tràn vào Bộ Tổng Tham mưu và tốc chiến tốc thắng thì lực lượng phòng vệ ở đây không thể đương đầu nổi. Đại tá Chuẩn được cấp báo đến nơi để dàn xếp. Thiếu uý Chỉnh cho biết là ông đến đây để kiếm Đại tá Tung đang bị giam giữ. Đại tá Chuẩn dùng lời lẽ ngọt ngào dụ dỗ… Rồi bất thần viên Thiếu uý này bị đoạt súng… Đại đội lực lượng đặc biệt bố binh ở ngoài định khai hoả làm dữ nhưng nhờ lời nói ngọt ngào của Đại tá Chuẩn, viên Thiếu uý rút lui êm đẹp. Sau đó đại đội lên xe trở về căn cứ 77.
Một lát sau, Thiếu tá Lê Quang Triệu – em ruột Đại tá Tung – Tham mưu trưởng Lực Lượng đặc biệt, được tin cấp báo đã cùng một trung đội võ trang đến Bộ Tham mưu xem sự thể ra sao, ông có thể giải cứu được Đại tá Tung. Nhưng khi đoàn tuỳ tùng của Thiếu tá Triệu lọt được vào cửa chính Bộ Tổng Tham mưu thì bị giải giới toàn bộ. Thiếu tá Triệu quay xe định vọt, tìm đường tẩu thoát. Xe ông bị bắn nổ lốp sau. Nhờ một sĩ quan thân thiết, Thiếu tá Triệu trốn thoát.
13 giờ hơn, từng loạt súng nổ chát chúa ở phía Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt (trong vòng thành Bộ Tổng Tham mưu). Đó là loạt súng đầu tiên của đơn vị truyền tin do Đại uý Đỗ Luận chỉ huy tiến chiếm Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt. Nhưng không đổ máu do cuộc dàn xếp qua điện đàm giữa Đại tá Chuẩn và Trung tá Huỳnh (Tư lệnh phó Lực lượng Đặc biệt). Kể từ phút đó, Bộ Tư lệnh đặc biệt bị giải giới – Cả khu vực Tân Sơn Nhất và bộ Tổng Tham mưu lọt vào tay phe đảo chính.
Cuộc đảo chính hụt 11-11-1960, lực lượng đảo chính ngoại trừ Đại tá Thi hầu hết do các sĩ quan cấp tá và úy trực tiếp điều động chỉ huy. Các sĩ quan này đều thuộc thành phần trẻ, trên dưới 30 tuổi và được coi là có tư cách, can đảm, đầy nhiệt huyết. Trong phút đầu “ra quân” dù có mấy tiểu đoàn nhảy dù, lực lượng đảo chính cũng đã làm chủ tình hình và làm tê liệt lực lượng bố phòng của Lữ đoàn liên binh phòng vệ Tổng thống. Lực lượng đảo chính không sử dụng hết hoả lực của pháo binh cũng không có lực lượng thiết giáp nào tham dự.
Cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 lại hoàn toàn khác, phe đảo chính sửa soạn từ lâu, có đầy đủ phương tiện, được lãnh đạo bởi Hội đồng các tướng lĩnh.
Lực lượng của phe đảo chính gồm có bộ binh, pháo binh, thiết giáp, công binh, thuỷ quân lục chiến, nhảy dù và không quân. Tất cả đều thuộc cấp đơn vị và các mục tiêu chính các đơn vị này phải thanh toán là thành Cộng hoà và dinh Gia Long.
Lực lượng phòng vệ thành Cộng hoà và dinh Gia Long tuy nói là một Lữ đoàn song quân số không quá 800 người, gồm đại đội bộ binh, 4 chi đội thiết giáp, tất cả đều đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Duệ Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng lữ đoàn, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, Tham mưu phó và Thiếu tá Huỳnh Hữu Lạc chỉ huy đoàn cận vệ đều ở trên dinh Gia Long.
Trung uý Bảo trưởng phòng 5, Lữ đoàn Phòng vệ phủ Tổng thống cùng nhiều nhân chứng khác trong làng hạ sĩ quan và binh sĩ có mặt từ lúc đầu cho đến lúc kết thúc cuộc đảo chính đều cho rằng, mọi chuyện diễn ra bình thường không có gì gọi là ác liệt. Nếu nói là ác liệt thì chỉ có pháo binh “tấn công” là ác liệt nhất (pháo binh thuộc sư đoàn 5 bộ binh).
Ngày 1-11 là ngày nghỉ, Trung uý Bảo đang ở nhà bỗng trong lữ đoàn cho gọi vào gấp. Lúc ấy vào khoảng 9 giờ sáng. Trung úy Bảo được Trung tá Khôi, Tư lệnh lữ đoàn giao phó cho công tác soạn bài học tập và thuyết trình vào lúc 2 giờ cùng ngày. Trong lữ đoàn đều có chương trình học tập vào mỗi buổi thứ ba và thứ sáu. Nhân chứng được Trung tá Khôi cho biết: “Chiều nay nếu 2g tôi đi họp chưa về thì anh cứ cho tập họp ở hội trường rồi cho mời Thiếu tá Duệ xuống chủ toạ”.
Trung uý Bảo ngồi phòng ngoài nhìn vào thấy Trung tá Khôi cùng Thiếu tá Duệ đang to nhỏ bàn bạc với vẻ khác lạ. Nhân chứng tự nghĩ: “Chắc có chuyện gì quan trọng đây”. Tình hình Sài Gòn lúc ấy thực là ngột ngạt. Nay có tin đảo chính mai lại có tin lật đổ Tổng thống Diệm. Nhất là đài VOA luôn luôn có những bài bình luận và tin tức hoàn toàn bất lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm và càng làm tăng không khí giao động bất trắc vốn đã âm ỉ trong lòng Sài Gòn.
Sau khi soạn xong các tài liệu học tập, Trung uý Bảo xách radio ra ngoài hành lang nhìn trời nghĩ vu vơ: Không hiểu mai đây tình hình sẽ biến chuyển như thế nào. Đã có bao nhiêu dấu hiệu báo trước cơn giông bão sắp bùng dậy. Nhưng bao giờ, như thế nào, sẽ tàn phá ra sao và làm sụp đổ những gì?
Một số sĩ quan trẻ trong Lữ đoàn thuộc thành phần thân cận của Tổng thống Diệm và ông Nhu cũng cảm thấy sự bất trắc ngột ngạt nào đó. Vị Tư lệnh và Tư lệnh phó của họ mấy tháng nay bồn chồn trông thấy và nhiều đêm mất ngủ, cho nên họ cũng phập phồng hoang mang.
Ngày 27-10, Đại uý Hoàn tháp tùng Tổng thống Diệm lên Đà Lạt, cùng đi với Tổng thống có vợ chồng ông Đại sứ Cabot Lodge và Đại tá Lu Coner.
Hoàn đã đi sau ông Lodge, ông ta đội chiếc nón lá Việt Nam, Tổng thống Diệm vận Comple mầu nâu nhạt, cầm can, đi trước ông Lodge. Tổng thống Diệm vẫn lạnh lùng ít nói. Hôm ấy Tổng thống Diệm và ông Lodge đến thăm một ấp chiến lược kiên cố.
Dịp này Tổng thống Diệm đã tặng Đại tá Coner chiến gậy do một nông dân trong ấp tặng cho Tổng thống. Tối hôm đó, Tổng thống thết cơm vợ chồng ông Lodge tại dinh ở Đà Lạt. Trong cùng thời khắc, Đại uý Hoàn nghe đài VOA vẫn cùng một luận điệu công kích kịch liệt chế độ Ngô Đình Diệm.
Hoàn hồi tưởng lại: Cách ngày đảo chính không lâu, trong chuyến kinh lý tại Cam Ranh, trước mặt tướng Khánh và một số viên chức cao cấp, Tổng thống Diệm chỉ vùng núi non và bãi biển Cam Ranh rồi nói với mọi người (Trong đó có Thiếu tướng Khánh, Trung tá Nguyễn Viết Khánh Tỉnh trưởng Phan Rang): “Mỹ nó thích căn cứ này lắm, nhưng tôi không chịu”. Lời nói ấy mỗi ngày vang động trong ký ức Hoàn và tạo nên bao nhiêu nghi vấn.
Dạo này, Hoàn quan sát thấy Tổng thống Diệm có vẻ hốc hác, đăm chiêu và càng khắc khổ. Thường lệ, Tổng thống Diệm đi ngủ lúc 1 giờ đêm và 5 giờ sáng đã dậy. Nhưng từ năm 1963 có nhiều đêm Hoàn thấy Tổng thống Diệm trằn trọc thức gần trắng đêm. Ông hút thuốc liên miên.
Hoàn nhớ lại, vào cuối tháng 7-1963 Hoàn đã được tai nghe mắt thấy Tổng thống Diệm lẩm bẩm nói chuyện một mình. Ông Diệm nhiều lần độc thoại như vậy, nhưng lần này thì khác, khiến Hoàn càng thêm xao xuyến.