Chương 22: Đánh nhau bằng mồm

Trung uý Bảo có thể yên tâm và vững tin vào đại đội thuỷ quân lục chiến của Thinh.

Nhưng vẫn còn một đại đội nữa. Lữ đoàn liên binh cho hai xe thiết giáp tiến về ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Phan Đình Phùng, Trung uý Bảo đi sau cùng với 2 sĩ quan lính thuỷ quân lục chiến… Trung uý Bảo dùng hai thuỷ quân lục chiến này nhằm làm nản lòng đại đội của Châu. Lúc ấy đại úy Châu đứng ở gốc cây ngay trước cư xá Air Việt Nam.

Đại úy Châu cầm khẩu súng lục trên tay còn tay kia thì cầm trái lựu đạn. Lính của Đại úy Châu đều chĩa thẳng mũi súng về phía Trung úy Bảo. Tuy vậy, Trung uý Bảo rất bình tĩnh và phía đằng sau Bảo là hai thiết giáp và lính của Lữ đoàn. Trung uý Bảo lên tiếng: “Tất cả anh em binh sĩ đều phải quay mũi súng ra ngoài không thì sẽ bị tiêu diệt ngay”. Nhân chứng hỏi Đại uý Châu: “Ai bảo các anh về đây? Các anh về đây để làm gì?”. Trung uý Bảo nghĩ trong bụng, Châu cũng sẽ trả lời như Thinh nhưng không Đại uý Châu nói lớn tiếng: “Chúng tôi về đây để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Chúng tôi không thể chịu được áp bức “.

Trung uý Bảo nói gay gắt: “Anh lại đây”. Đại uý Châu cũng gay gắt không kém: “Anh lại đây”. Châu vẫn cần lăm lăm trái lựu đạn. Trung uý Bảo cầm chiếc loa. Bảo nói: “Anh muốn chết bỏ mạng à”. Châu lại nói: “Anh muốn tự tử sao đây”. Hai bên vẫn lời qua tiếng lại. Đang lúc đó thì có phi cơ xẹt qua quạt từng loạt đạn, Trung uý Bảo tiếp tục tấn công bằng lời: “Anh coi… Đại đội của Thinh nó hàng rồi. Chung quanh đây là quân của lữ đoàn… Anh nhìn coi… chỉ cần khẩu đại liên trên lầu kia làm một loạt chéo cánh sẻ cũng cho các anh đi đời”. Trung uý Bảo lại nhấn mạnh: “Tốt hơn hết các anh nên hàng đi cho yên chuyện”… Một sĩ quan khác lên tiếng: “Hàng thế nào được. Tụi tôi về đây lật đổ chế ñoä độc tài gia đình trị”. Trung uý Bảo đáp: “Muốn gia đình trị hay cái gì cũng được. Bây giờ không nói chuyện đó, muốn sống thì hàng đi!”.

Lúc ấy Đại uý Châu bắt đầu dịu giọng: “Hàng thì tôi không hàng nhưng tôi sẽ tập trung lính lại. Được không?”. Trung uý Bảo vui vẻ trả lời: “Thế cũng được bây giờ anh cho lính của anh tập trung tất cả vào hhu hàng không… “. Châu lại hỏi:” Còn các anh thì sao?”. Cho thiết giáp và lính của anh lui về vị trí cũ tức là phía đường Hồng thập tự.

Thế là hai đại đội thuỷ quân lục chiến đều án binh bất động. Phía lữ đoàn giải giới chờ khi hữu sự sẽ ra tay. Bộ chỉ huy của lữ đoàn phòng vệ hoạt động không ngừng.

Cho đến lúc ấy thành Cộng hoà đã ăn hàng trăm trái 105 ly. Bộ chỉ huy Liên đoàn phòng vệ không thể nào liên lạc được với Bộ Tổng Tham mưu. thượng sĩ Nguyễn thuật lại: “Ông Duệ phải gọi qua phòng quân cảnh của Bộ Tổng Tham mưu nhờ liên lạc vì ông có người bạn thân ở trong phòng này nên mới nắm được “đầu dây” liên lạc. Thiếu tá Duệ mới hỏi tình hình liên lạc trên ấy ra sao.

Phía đầu dây trả lời rõ rệt. “Không thấy có gì quan trọng cả. Các ông tướng đang họp. Hiện giờ Bộ Tổng Tham mưu không có lực lượng nào khác hơn mấy chú tân binh ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung”. Thượng sĩ Nguyễn báo cáo lại và đề nghị: “Làm tới đi Thiếu tá. Hốt về đây cho xong chuyện… “. Các sĩ quan Tham mưu bàn định: “Nếu được lệnh thì chỉ cần một chi đội thiết giáp một đại đội ta sẽ tiến dọc theo đường Công Lý. Thủ thì nguy, công mới thành”. Ông Duệ gật đầu cho là phải. Phía đầu dây bên kia, Đại uý tuỳ viên Lê Công Hoàn đáp: “Tổng thống không trả lời. Tổng thống ra lệnh chỉ được phép nổ súng khi nào bị tấn công… “. Ông Duệ và một số sĩ quan Tham mưu đành lắc đầu thở dài, ông lại tiếp tục cuộc điện đàm: “Toa thưa lại với ông Tổng thống cứ cho phép tụi moa đem lực lượng lên đó hốt cho hết, như thế là xong. Bên đầu dây bên kia, Đại uý Hoàn trả lời: “Tổng thống nhất định không chịu”.., Thượng sĩ Nguyễn lắc đầu quay sang bảo ông Duệ: “Thiếu tá thử nói lại lần nữa xem sao… Thiếu tá nói với Đại uý Hoàn trình bày rõ với Tổng thống là bọn mình chỉ lên Bộ Tổng Tham mưu mời các tướng lãnh về dinh họp thôi”. Lúc ấy quãng 5 giờ chiều.

DƯỚI HẦM

Vào giờ ấy tại dinh Gia Long, mấy sĩ quan tuỳ viên vẫn ngồi kế bên Tổng thống Diệm. Trong dinh vẫn còn 3 đường dây liên lạc. Tổng thống Diệm ở dưới hầm… Ông Nhu lại cho người mang radio xuống cho Tổng thống nghe để “Cụ rõ thục hư” (lời ông Nhu). Nhưng radio mang xuống hầm lại không nghe được vì không có dây ăng ten từ phía trên xuống. Rồi nhạc quân hành vang vang. Các tướng lãnh lần lượt xướng danh. Những giọng phát ngôn viên nhấn mạnh từng điệp khúc “Lật đổ chế độ độc tài gia đình trị”… Tổng thống Diệm im lặng nghe. Rồi ông Nhu từ trên lầu bước xuống. Hai anh em ông Diệm đều im lặng.

Sĩ quan tuỳ viên vặn cho nhỏ hơn. Nhạc quân hành mỗi lúc một dồn dập. Bốn sĩ quan tuỳ viên có mặt ở dinh đều là những người quanh năm suốt tháng trong dinh và đã trải qua nhiều biến cố như vụ ám sát hụt ở Hội chợ kinh tế Ban Mê Thuột, vụ đảo chính 11-11-1960, vụ ném bom ngày 27-2-1962… Do đó không lấy gì làm xao xuyến cho lắm. Trái lại mỗi lần như vậy họ cảm thấy sống gần Tổng thống Diệm hơn. Nhạc quân hành vẫn vang lên dồn dập. Ông Nhu thì trầm ngâm, giọng nhát gừng: “Mỹ nó bảo làm vậy thì làm vậy… ”

Nói xong ông Nhu lại trở lên lầu. Trong khoảng thời gian đó, Đại sứ Cabot Lodge gọi điện thoại nói chuyện riêng với Tổng thống Diệm. Đây là lần thứ hai kể từ lúc 2 giờ chiều. Bốn sĩ quan tuỳ viên vẫn đứng ngồi bên cạnh ông Diệm. Không ai rõ ông Lodge nói gì… Tổng thống Diệm trả lời bằng tiếng Pháp đại ý: “Tôi không chấp nhận… Cảm ơn… Cảm ơn… chúng tôi sẽ thu xếp với nhau… Tôi không tin các tướng đòi hỏi như thê. Cảm ơn, tôi không nhận điều kiện nào hết… tôi là Tổng thống nước Việt Nam Cộng hoà!!”. Trước khi buông máy, Tổng thống Diệm nói rất chậm, nhấn mạnh từng tiếng một: “Je vous remercie sincèrement…Je ne quitte jamas mon People… “.

Tổng thống Diệm buông máy nhìn một lượt 4 sĩ quan tuỳ viên rồi mỉm cười. Ông lại châm thuốc hút. Ông nhìn Đại uý Hoàn khẽ gật đầu đắc ý về một việc gì rồi lại mỉm cười. Ông vẫn ngồi trên chiếc ghế tựa hiệu Marconi.

Trước đó bộ chỉ huy lữ đoàn tại thành Cộng hoà, Thiếu tá Duệ nhận được lệnh từ dinh Gia Long phải chiếm cho kỳ được Đài phát thanh.

ĐẢO CHÁNH GIẢ

Từng loạt đại bác nổ rồi im. Ông họ Trần (cựu Bộ trưởng) mở cửa sổ nhìn ra đường… Một vài chiếc taxi lướt qua. Con đường Hồng Thập Tự vẫn yên ắng, không có một bóng dáng quân nhân nào. Vợ ông nói: “Đảo chánh giả mình ạ. Cứ mặc người ta, anh đừng có xớ rớ”. Cách đó hơn một tuần ông Trần có vào dinh Gia Long thăm riêng Tổng thống Diệm, lấy cớ đến chúc mừng Tổng thống nhân ngày 23-10. Ông Trần có gặp tướng Đôn ở hành lang dinh. Ông hỏi tướng Đôn: “Tình hình quân sự dạo này có khá không ông tướng? “. Ông Đôn ghé tai nói nhỏ: “Thưa ông bi quan lắm… Việt cộng mở mặt trận khắp nơi. Người Mỹ như muốn bỏ chúng ta”. Ông Trần khẽ nhún vai mỉm cười. Hôm ấy ông gặp cả tướng Đính, vẫn vẻ vồ vập niềm nở, tướng Đính nắm chặt hai tay ông.

– Tình hình vùng 3 thế nào?. Ông Trần hỏi. Ông Đính khoa tay: “Khả quan lắm. Còn Ba Đính ở đây thì Việt cộng không làm ăn được gì hết. Đàn anh cứ tin lời Ba Đính đi!”.

Ông Trần trở vào phòng nghe radio. Bỗng nhiên chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, ông Smith một viên chức CIA của toà Đại sứ Mỹ gọi đến và nói:”Tình hình rất nguy hiểm tuy nhiên ông Đại sứ Lodge sẽ tìm cách để tránh đổ máu. Ông Đại sứ muốn tôi “tổ chức” một cuộc tiếp xúc riêng giữa ông Đại sứ với ông ngay chiều nay”. Viên chức Mỹ cho biết sẽ tới gặp ngay ông Trần.

Súng vẫn nổ lẻ tẻ. Tiếng xe thiết giáp chuyển dịch rất gần. Ông Trần gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đình Thuần 2, 3 lần, người nhà nói là ông đi vắng. Lúc sau Smith đến thăm ông. Câu đầu tiên của ông Trần gặp Smit: “Thế nào, có đảo chính thật hay không?”. Viên chức này đáp: “Làm thế nào hơn được, cho đến giờ này ông vẫn chưa được biết?”. Ông Trần rút thuốc hút đáp: “Tôi làm sao có thể biết được. Ông Minh và ông Đôn làm vụ này ông có tin là thành công không?”. Viên chức Mỹ nói với giọng cả quyết: “Tôi không tin họ đủ yếu tố thành công. Bây giờ chỉ là vấn đề thu xếp cho ông Ngô Đình Diệm qua Nhật và ông Nhu đi Châu Âu”.