Ảnh hưởng của bà Nhu đối với Đức cha Ngô Đình Thục như thế nào? Ảnh hưởng ấy người ta chỉ có thể cảm thấy một cách bàng bạc. Mỗi khi về ở dinh, Đức cha Thục đều dùng cơm chung với gia đình ông Nhu. Trong bữa cơm thân mật gia đình đó anh em tỏ ra tương đắc từ chuyện hàn huyên đến việc quốc gia đại sự. Bà Nhu không những đóng trọn vai trò của người em dâu mà luôn luôn tỏ ra là một con chiên hết sức kính cẩn, vâng phục một vị Giám mục. Bà theo đạo chồng (gọi nôm na là Đạo theo) nhưng từ ngày vào ở trong dinh bà tỏ ra là một tín đồ ngoan đạo. Mặc dầu đã mấy lần bà Nhu công khai phê bình một số Linh mục với lời lẽ phạm thượng sỗ sàng, nhưng với ông anh chồng là đức cha thì lại khác, Đức cha Ngô Đình Thục thường ngợi khen bà Nhu trước mặt nhiều người “Bà cố vấn tốt đạo lắm, siêng năng xưng tội rước lễ lắm”. Chỉ một lời khen đó ta cũng thấy Đức cha tin tưởng người em dâu như thế nào.
Về mặt tâm lý, ảnh hưởng của bà Nhu đối với Đức cha Ngô Đình Thục cũng dễ hiểu. Dù là Giám mục hay ở một tước vị cao sang nào cũng vẫn chỉ là một con người cùng với những “yếu điểm tâm lý ” của con người. Kinh nghiệm và sách vở đã cho ta thấy, trong một sứ Đạo với một vị Lịnh mục già thì bà quản gia mới là người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Linh mục.
Trường hợp Cha Ngô Đình Thục cũng không thoát khỏi những phản ứng tự nhiên đó.
Những phản ứng thân yêu trong trái tim con người tương tự như của bà mẹ đối với cậu con trai hay một ông bố già đối với một người con dâu hiếu thảo khéo léo.
Mỗi khi Đức cha Thục về dinh Độc Lập thì bà Nhu lo toan từ món ăn thức uống và lúc đó trước mặt đức cha bà Nhu chỉ là một cô em gái ngoan, dịu hiền ăn nói ngọt ngào dễ thương.
Đức cha đã dùng tất cả mọi ảnh hưởng của mình để hỗ trợ hai dự luật của bà Nhu, nhất là Luật Gia đình. Đức cha Ngô Đình Thục hết lòng hỗ trợ và bênh vực Luật Gia đình cũng là điều dễ hiểu vì nó đã thể hiện đầy đủ tinh thần luyến ái quan Thiên Chúa giáo. Với một tín đồ Thiên Chúa giáo thì việc cấm li dị là điều hiển nhiên theo phép hôn phối.
Bà Nhu lại có sáng kiến đưa ra Luật ấy lẽ dĩ nhiên, ông anh đức cha phải lấy làm cảm phục và cho rằng cô em dâu đã làm những việc cao quý trong tinh thần Phúc âm.
Từ Luật Gia đình cùng những ngôn ngữ cử chỉ khéo ăn khéo ở của bà Nhu đã giúp bà tạo được những yếu tố sống động gây ảnh hưởng mạnh mẽ nơi cha Ngô Đình Thục. Nhưng Luật Gia đình đã làm cho bà thất bại hơn là những dư luận đồn đại về đời tư của bà. Bởi luật đó chỉ tạo nên những thị phi và đàm tiếu của quần chúng. Trên thực tế, trai gái vẫn tự do giao du, lấy nhau cứ việc lấy nhau, hôn thú chưa phải là điều chính yếu.
Luật cấm con ngoại hôn không được hưởng gia tài, không được hưởng một quyền lợi của người cha nhưng thực tế thì người Việt vẫn sống theo một thứ luật bất thành văn trên tinh thần con nào cũng là con.
Dư luận đàm tiếu không phải là đàm tiếu về nội dung luật đó. Hầu hết quảng đại quần chúng có mấy ai tìm hiểu luật pháp mà biết nó hay hoặc nó dở. Duy có một điều Luật Gia đình của bà Nhu cấm không cho đàn ông lấy vợ nhỏ, nhưng cô chánh văn phòng của bà (gọi là cô cho danh chính vì, theo luật thì cô chưa lấy chồng) ai lại không biết cô là vợ nhỏ của một ông văn nhân (thường tình nếu cô ta không phải là chánh văn phòng của bà Nhu thì chả ai chú ý thị phi, vì vợ lớn vợ nhỏ cũng đều là vợ cả miễn sao được chồng thương yêu). Đằng khác dư luận giới cao cấp không ngớt bàn ra tán vào về đời tư của mấy bà “lớn ” trong Ban chấp hành Phụ nữ liên đới. Nào là vợ nhỏ sau “đá vợ cả” của ông tướng để lên ngôi chính thất. Nào bà tá B vốn đã có một đời chồng rồi sau “mèo chuột” bỏ chồng lấy ông tá B… Dư luận đàm tiếu tùm lum như vậy. Mà dư luận ấy có thật chứ không phải do sự thêu dệt. Nhưng từ đó dư luận được dịp phụ đề thêm “hoa lá”. Đó cũng là một cái nguy cho một cá nhân trong guồng máy lãnh đạo khi cá nhân đó trở thành một cái đinh của dư luận. Trong khi đó, nhờ Luật Gia đình cũng như những công tác xã hội mà bà Nhu đề ra, càng làm tăng cường ảnh hưởng của đức cha Thục.
Ảnh hưởng của bà Nhu đối với ông chồng
Còn ông Nhu? Giới thân cận nhất của ông đều xác nhận trước năm 1955, bà Nhu không tạo được ảnh hưởng chính trị nào đối với ông chồng “đa mưu túc kế” rất uyên thâm. Nhưng nó lại như thế này, từ khi ảnh hưởng tâm sinh lý của bà vợ đã dễ dàng biến thành ảnh hưởng chính trị… Trước năm 1945, ông Ngô Đình Nhu chỉ coi bà vợ như một cô em gái không biết gì về chính trị. Nhưng mấy năm sau, trong văn phòng của ông lại treo một bức hình bán thân của bà vợ tràn đầy nhựa sống. Một người thường thì không nói làm gì nhưng ở vào trường hợp của ông Nhu và nhất là con người trí thức như ông Nhu, thì khi treo bức hình đó ngay tại văn phòng chính thức của một vị cố vấn chính trị Phủ Tổng thống quả là điều chướng mắt… Đáng lý ra nên treo trong phòng riêng. Dĩ nhiên ông Nhu cũng cảm thấy như thế khi tự tay bà treo bức hình đó, song ông Nhu không phản đối.
Bức hình treo ở một nơi trang trọng trong văn phòng đã đủ nói lên việc ông Nhu chấp nhận sự hiện diện của bà vợ trong đời sống của mình (vì văn phòng ấy là nơi ông Nhu tiếp quan khách ngoại quốc, bộ trưởng, tướng lãnh, quan sĩ…nghĩa là đủ mặt mọi giới). Qua sự kiện này cũng đã đủ nói lên ảnh hưởng của bà Nhu, đã chinh phục toàn diện được con người ông chồng mà nhiều khi chính ông Nhu cũng không biết, ảnh hưởng của bà vợ đối với ông chồng là một cuộc hành trình bằng những chất liệu “vô hình ” thấm dần vào tim vào óc nói ra không được mà chỉ mơ hồ cảm thấy hoặc không thể cảm thấy và chỉ có người ngoài mới nhìn rõ được.
Bởi vậy cô nhân tình của một nhà lãnh đạo nhiều trường hợp lại ảnh hưởng sâu xa đến chuyện quốc gia đại sự mà chính nhà lãnh đạo đó cũng không hay. Do vậy, nhà lãnh đạo dù tài ba cũng cần phải đặt mình trong guồng máy lãnh đạo và phải chấp nhận mọi sự và phê bình về cá nhân mình qua những nhân viên của trong guồng máy.
Tuy vậy giới thân cận với ông Nhu biết rõ rằng ông không bao giờ nghe vợ bàn góp ý kiến. Sự thực một người tự kiêu như ông Nhu, với khả năng tri thức như vậy khó lòng có thể tin theo ý kiến của bà vợ còn nhỏ tuổi, mà trước mắt ông, bà vẫn chỉ là hình ảnh một nữ sinh trường Pháp, chưa đậu tú tài. Tuy nhiên, đã có một vài trường hợp ngoại lệ ông Nhu theo ý kiến của bà, nhưng đó chỉ là ý kiến xuất phát từ khả năng trực giác dồi dào của một người đàn bà thông minh, nhạy cảm (qua vụ đảo chính hụt 2-2-1960).
Nhưng ông Nhu vốn sợ “xì căng đan” đó cũng là yếu điểm của ông. Bà Nhu vốn nóng như lửa nói năng bất chấp và dễ gây gổ làm lớn chuyện. Hễ một khi bà vợ lớn tiếng thì ông Nhu đành im. Quá lắm thì ông Nhu chỉ đập bàn mắng mấy câu tiếng Pháp cho thoả lòng rồi đành chịu thua (giới có học bị vợ lấn át và mang tiếng sợ vợ phần lớn cũng chung một cảnh ngộ tâm lý như vậy). Ông Diệm cũng là người sợ sự lớn tiếng gây gổ. (Đại uý Bằng kể lại, một lần ông Diệm bảo Bằng đi theo sang phòng ông bà Nhu. Ông Tổng thống đang có điều gì vui mừng. Nhưng đến cửa phòng nghe thấy bà Nhu đang la lối ông chồng, ông Diệm quay gót trở về phòng khẽ lắc đầu). Cứ nhận diện ông Nhu theo tướng số thì khuôn mặt ông không phải là người “sợ vợ”.
Còn một chi tiết nhỏ này cũng đủ chứng tỏ, ảnh hưởng của bà Nhu đã thâm nhập sâu xa trong con người ông chồng: Trước kia ông muốn hút bao nhiêu thuốc lá thì hút, nhưng kể từ năm1959-1960, bà Nhu giới hạn ông, mỗi ngày bà tự chia cho ông một vài điếu, hút cho đỡ nhớ mà thôi. Nhiều khi một điếu được cắt làm đôi. Một người nghiện thuốc lá nặng như ông Nhu mà đành chịu cũng là một điều lạ lùng.
Trước năm 1955 ông Nhu là người ăn mặc xuề xoà… Khi trở thành cố vấn chính trị ông cũng vẫn thế, nhưng ông Diệm không bằng lòng vì cho rằng ăn mặc như vậy “mất cả thể thống… thím phải lo cho chú ấy ăn mặc đàng hoàng”. Từ đó tự tay bà Nhu lo liệu cho ông chồng, bà lựa chọn cho ông từng chiếc Cravat. Ngay văn phòng làm việccủa ông, bà Nhu cũng tự tay trang trí cho có ngăn nắp, mỹ thuật. Một người già mà được cô vợ trẻ săn sóc thương yêu như vậy ai mà không cảm động. Từ chỗ cảm động đến chỗ bị “chi phối âm thầm” không bao xa.
Ảnh hưởng của bà Nhu đối với đức ông chồng mỗi ngày càng mạnh, đó cũng là điều dễ hiểu xét theo khía cạnh tâm lý. ông Nhu không phải là người ăn chơi, trước năm 1954 thì chìm đắm trong thế giới sách vở, sau năm 1954 sống trong một thế giới kín cổng cao tường của Phủ Tổng thống. Ông Nhu cũng không phải là người quảng giao nên ít bạn bè. Rồi tuổi ông mỗi ngày một cao… Cô vợ với tuổi hồi xuân càng trở nên “ngào ngạt yêu thương” đó mới là nguyên nhân thầm kín tạo cho bà Nhu một “uy quyền” đối với ông chồng. Thứ uy quyền chỉ có thể cảm thấy nơi ông chồng có đời sống nội tâm…Bà vợ trái ngược, bà ham mê hoạt động hoà vào cuộc sống bên ngoài…Đó không phải là hai thái cực quá chi phối mà là hai “hố” mâu thuẫn để tạo thành một hậu đời sống vợ chồng theo một tương quan tình cảm.
Một vài nhân vật thân cận nhất của ông Nhu bị ông cho ra “rìa” vì thất sủng trước hết do sự bất hoà và bất đồng với bà Nhu. Nói rằng ông Nhu nghe vợ thì không đúng…Nhưng quả vì sợ vợ mà ông đã bỏ rơi một vài người thân cận… Thật dễ hiểu, trong đời sống phòng the, nay nghe bà vợ rủ rỉ bên tai: “Thằng ấy nó như thế như thế” mai lại nghe bà vợ phàn nàn: “ông ta như vậy như vậy”. những lời nói ngọt ngào đó lúc đầu ông chồng bỏ qua vì cho rằng: “Chuyện đàn bà…đàn bà lắm chuyện” nhưng lâu ngày thì chuyện đàn bà biến thành chuyện đàn ông. Trong cái thời đại quân chủ, bao nhiêu bậc vua chúa đã mất ngai vàng vì nghe vợ thủ thỉ bên tai. Ở miền Nam này cũngvậy, bao nhiêu lãnh tụ đảng phái mất cả anh em đồng nghiệp rồi hủ hoá cũng một phần nghe vợ với cung cách trên. Muốn loại bỏ nhưng ảnh hưởng tiệm tiến vô hình đó thì lãnh tụ phải được biến thể theo khách quan của thực tại lãnh đạo. Thực tại lãnh đạo gần nhất là những người cận thân. Nếu nghe vợ hay vì cách này hay cách khác qua ảnh hưởng của vợ mà làm xa cách cộng sự thì sứ mệnh lãnh đạo không còn nữa. Bông hoa hồng của bà vợ cài trên ve áo và cái đinh ốc trong guồng máy mà mình lãnh đạo cả hai đều quan trọng nhưng làm thế nào để không vì bông hoa hồng mà làm mất chiếc đinh ốc của guồng máy đó mới là điều quan trọng.
Đó là một cuộc cách mạng nhạy cảm nhờ sự tham dự ngạt ngào hương thơm của phái yếu. Vậy thì muốn mưu đồ đại sự cũng cần có yếu tố nhạy cảm và phái yếu bổ xung để gợi cảm và xung động quần chúng. Vậy thì sự thành lập phụ nữ Liên đới cũng như tổ chức bán quân sự của Phụ nữ (tuy chỉ có hình thức để biểu dương) quả là điều cần thiết cho những chiến thuật chính trị.
Nếu như bà Nhu chỉ đứng bên trong lèo lái và chọn một người tương đối xứng đáng đứng ra thành lập thì quả là tốt hơn. Nhưng đây thì lại khác, bà Nhu vừa là tác giả lại đóng luôn vai trò diễn xuất của “kép “chánh.
Ông Nhu cũng như Tổng thống Diệm có “dính dáng” vào sự thành lập phong trào đó không? Có thể nói ông Diệm thấy cô em dâu làm được điều tốt với chủ ý hỗ trợ chính quyền tất nhiên ai ở địa vị ông cũng không có lý do gì ngăn cản. Còn ông Nhu? ông cũng không đóng vai trò giật dây trong phong trào đó. Khi thấy việc làm của vợ có ích lợi cho chế độ thì ai ở địa vị ông cũng không có lý do gì ngăn cản. Mà thực ra thì ông Nhu muốn cản cũng không được.
Giới thân cận được biết rằng, đối với bà Nhu thì “việc ông ông làm, việc tôi tôi làm, miễn sao tôi không chống lại ông”. Nhiều việc bà Nhu cứ “làm đại” nếu ông chồng biết thì sự đã rồi. Tuy nhiên những việc “làm đại ” đó đối với ông Nhu đều là những việc hợp lý.
Dư luận trước năm 1963 cho rằng, ông Nhu bị vợ “chế ngự, áp đảo”… Nhưng điều đó không đúng. Trong các việc chính sự quốc gia, có bao giờ ông hỏi “ý kiến” bà vợ đâu. Nhưng có điều như thế này, ông Nhu cũng phải ngán sự nóng tính và dữ dằn như hổ lửa của bà Nhu. Một lần bà Nhu hỏi ông chồng trước mặt một số người thân trong đó có bà Lương Khải Minh: “Tại sao mấy ông ấy (tức các ông lớn ) lại khiếp tôi quá dữ vậy”. Ông Nhu mỉm cười trả lời: “Tui cũng còn khiếp bà nói chi mấy ông ấy”.
Bà Nhu áp đảo được nhiều nhân vật cỡ lớn trước hết nhờ yếu tố bạo ăn bạo nói của bà. Trong các buổi họp Ban chấp hành Phụ nữ Liên đới, bà Nhu chủ toạ và hầu như chỉ có một mình bà ta độc thoại. Các bà khác ngồi lặng thinh lắng nghe chăm chú và luôn tỏ rõ sự thán phục. Một lần nọ vào năm 1962 một bà Liên đới đi họp muộn, bà Nhu hỏi lý do thì bà kia thực thà trình bày là có một vài nhân vật Mỹ đến thăm ông chồng do đó đến muộn. Trước đông đủ mọi người bà Nhu lớn tiếng: “Tiên sư mấy thằng Mỹ”.
Đại để lời ăn tiếng nói của bà Nhu có những sỗ sàng như vậy.
Nhưng nó lại quá sức thất lợi về phương diện giao tế chính trị. Chửi Mỹ sỗ sàng như vậy vào năm 1963 quả là “liều” nếu không phải là bà Nhu thì không ai trong giới quan chức chính quyền dám ăn nói như vậy. Nhưng bà Nhu nói, với tư cách Chủ tịch phong trào Liên đới lại là vợ một Cố vấn chính trị thì hẳn rằng giới chức Mỹ phải đặc biệt lưu ý (trong đám người hội họp hôm đó dĩ nhiên là phải có một vài bà về nói lại với ông chồng và ông chồng nói lại với Mỹ).
Ngày 20-5-1958 trong một phiên họp Quốc hội, bà Nhu đã đưa ra một đề nghị thành lập một Phong trào phụ nữ với danh xưng “Phụ nữ Liên đới Việt Nam” và yêu cầu Liên Đoàn công chức để cho các bà vợ công chức được phép tham gia. Bốn năm sau phong trào đó mới được ông Diệm chính thức chấp nhận và được thừa nhận là một Hội đoàn Công ích (SL 84 Việt Nam l3-4-1962).
Như trên đã viết, phong trào này không đạt được “quần chúng tính”. Trước sau đây chỉ là một hội đoàn của các phu nhân, vợ công chức, các nữ công chức và nữ quân nhân. Vì vậy hội đoàn ấy được xem như một hội đoàn bán chính thức của chính quyền.
Ban chấp hành Trung ương ngoài một số nữ Dân biểu “gà nhà” của bà Nhu còn hầu hết là vợ một số công chức cao cấp và tướng tá. Vai trò của các bà cao thấp tuỳ thuộc theo địa vị người chồng cùng sự khôn lanh nịnh bợ bà cố vấn.
Một bà là vợ một ông tướng nên được làm Tổng thư ký, một bà là vợ ông Bộ trưởng nên được cất nhắc làm Phó Chủ tịch v.v…Chúng tôi không bao giờ làrn công việc “bới móc” chuyện “đàn bà con trẻ” nhưng chuyện “đàn bà” của Phong trào Phụ nữ Liên đới lại có liên hệ đến sự tồn vong của một chế độ. Đáng lẽ, một phong trào như vậy thì phải tìm những phụ nữ có khả năng, có học vấn (học vấn không có nghĩa là có bằng cấp). Nhưng ở đây thì lại khác. Tuy bà X là vợ tướng lãnh thật nhưng chỉ vì “đàn ông quan tắt thì chầy, đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan” cho nên bà ta chỉ có trình độ “biết viết” nhưng nhờ địa vị chồng nên phút chốc đã leo lên địa vị “lãnh tụ” của phong trào. Như vậy phong trào ấy làm sao có lãnh tụ tốt, có sáng kiến tốt cho được. Tuy phong trào cũng có một vài bà luật sư, nhưng đa số chỉ là độc giả của tờ báo “SM” và nữ khán giả có một số bà chuyên mộ điệu tuồng “cải lương”…nếu không thì lại chỉ lo toan áp phe làm giàu. Bởi vậy mới có một bà Liên đới, phu nhân một bộ trưởng khi ngồi vào bàn hội nghị với tư cách chủ toạ đã lên tiếng ngay “Thưa chị em hôm nay đại diện bà Cố vấn tôi tuyên bố bế mạc hội nghị”. Cả hội nghị đều ngỡ ngàng tại sao chưa khai mạc lại bế mạc, sau mới rõ bà bộ trưởng sử dụng chữ bế mạc thay cho chữ khai mạc? Rồi một phu nhân khác trong dịp đi vận động tranh cử (Khoá III ) đến một trại gia binh đã nói với các bà vợ các quân nhân ở đấy rằng: “Chồng tôi làm đến bộ trưởng… chồng tôi chức cao như vậy tôi đâu có ham, nhưng vì thương chị em tôi mới ra ứng cử để bênh vực quyền lợi cho chị em”. Bằng một giọng lớn lối như vậy bà Bộ trưởng đã khiến các bà vợ lính la ó…nhún vai nhổ nước bọt…Bà ứng cử viên dân biểu phải chuồn lẹ. Đại để các bà có những lỗi lầm ấu trĩ như vậy nhưng mấy bà lại “đua nhau” tham gia công tác phong trào để được bà Cố vấn sủng ái rồi chỉ định ra tranh cử dân biểu (khoá III. Trong Quốc hội Phong trào Liên đới đạt được 22 ghế dân biểu).
Tất nhiên cũng không ai quá khắt khe chấp nhất những “lỗi lầm đáng bỏ qua ” của quý bà. Nhưng có điều quan trọng như thế này: Các bà đã làm cho các ông mâu thuẫn, hiềm khích nhau…Rồi Chính phủ trở thành “Chính phủ đàn bà”.
Bà Nhu trao cho bà tướng X công tác A. Bà tướng X hoàn toàn “mù tịt ” nhưng cứ nhận đại rồi về nhà trao trách nhiệm thực hiện cho ông chồng, ông chồng lại gọi thuộc viên trao phó…Thuộc viên hùng hục làm cho xong vì họ đã thuộc lòng: ” Lệnh của bà mới là điều quan trọng!!” ông chồng nào “nể vợ” thì làm tốt, ông nào “cứng đầu” với vợ thì làm qua loa. Hậu quả không những các viên chức cao cấp phải làm thêm công việc của các bà vợ mà còn tạo nên sự ganh ty suy bì…Bà X tâng công “Việc của em bà Cố trao phó cho em làm xong ngay còn việc của chị Y… chị ấy dựa vào thế lực chồng chị ấy chỉ có chỉ tay năm ngón!”.
Còn một điều đáng nói nữa là dư luận quần chúng quanh bức tượng Hai Bà Trưng được dựng tại công trường Mê Linh (bến Bạch Đằng tháng 3-1962). Bức tượng Hai Bà sáng 2-11-1963 đã bị làn sóng biểu tình của học sinh sinh viên hè nhau kéo đổ rồi chặt đầu lôi quanh các đường phố, chỉ vì bức tượng đó giống bà Nhu và con gái bà tức Ngô Đình Lệ Thuỷ.
Nhưng nguyên do từ đâu mà lại giống như vậy? Có phải mẹ con bà Nhu làm mẫu cho điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế tạc tượng ấy không (ông Thế đạt giải Á nguyên La Mã về điêu khắc).
Bức tượng Hai Bà Trưng thật “kính chả bỏ phiền”. Bao nhiêu lời đàm tiếu chung quanh bức tượng đó. Mà sự đàm tiếu cũng rất phải, vì đây là sự bôi lọ anh hùng lịch sử. Lạ thay càng nhìn kỹ thì pho tượng càng giống hai mẹ con bà Nhu. Cũng vì vậy mà pho tượng trở thành trung tâm của bao nhiêu lời phê phán nghiệt ngã. Người thức giả trung dung cũng phải lên tiếng: “Pho tượng sừng sững thế kia thì còn gì là thể thống quốc gia. Lịch sử cũng chẳng còn giá trị gì nữa”. Rồi người ta suy luận rằng: “Bà Nhu dám can đảm dựng tượng mình như vậy thì chuyện gì mà bà ta không dám làm?”.
Cách ăn mặc của bà Nhu cũng tạo nên nhiều dư luận bất lợi cho bà trong quần chúng. Bà luôn luôn “cách tân” các kiểu áo dài phụ nữ. Kiểu áo hở cổ mà hiện nay các bà các cô thường mặc thì chính bà Nhu đã “khởi đầu” từ dạo năm 1958. Rồi một số bà Liên đới cũng “a dua” mặc theo. Bà Nhu phỏng theo kiểu áo dài Việt Nam và áo dài của phụ nữ Chiêm Thành để tạo thành áo dài của bà. Áo dài của bà lại thường thêu hoa lá và chim phượng hoàng. Một bức ảnh cho ta thấy bà Nhu mặc một chiếc áo hở cổ, ngay trước ngực thêu một con chim phượng hoàng…bà Nhu coi đó như một việc “cách mạng” chiếc áo dài Việt Nam.
Bà Nhu không muốn một ai phê phán mình. Tất nhiên như vậy thì chỉ chấp nhận sự ca ngợi tán tụng. Bất kỳ ai tỏ ra nổi hơn bà một chút, khác hơn bà một chút cũng đủ bị bà làm cho “thất sủng”. Khi bà vợ bị thất sủng thì ông chồng cũng dễ dàng bị thất sủng. Người đàn bà có tài và thông minh hầu hết đều mắc phải cái tật xấu này. Bà Nhu bị nhiều người ghen ghét, bị dư luận dân chúng chỉ trích nặng nề và nghiêm khắc trước hết do sự xuất hiện nặng về phần trình diễn của bà cùng tính cao ngạo và cố tạo ra vẻ có uy quyền để được mọi người thán phục tôn trọng.
Nếu so với nhiều bà tai to mặt lớn hiện nay thì sự trưng diện áo quần của bà Nhu hãy còn giản dị lắm. Nhiều bà lớn bây giờ đeo cả hạt xoàn kim cương giá 3,4 triệu đồng với kẻ hầu người hạ như một lãnh chúa cùng sự ăn chơi bài bạc vô cùng sa đoạ. Nhưng chỉ có một giới nào biết rõ mà thôi. Song dù bà Nhu có cố tình có lúc mặc đồ nội hoá, không đeo kim cương hạt xoàn lộng lẫy thì dân chúng mọi giới vẫn chĩa mũi dùi vào bà. Tại sao? Giản dị vì bà lại tiêu biểu cho một phần uy quyền của chế độ, uy quyền ấy không được chính thức công nhận, nhưng thực tế thì không ai chối cãi được.
Bà Nhu sống trong khung cảnh “kín cổng cao tường” cho nên dễ dàng trở thành nơi “thâm cung bí sử”. Dân chúng bao giờ cũng tò mò muốn tìm hiểu sự thật, cho nên khi thấy cảnh bà Nhu đi xe hơi lộng lẫy, ăn mặc diêm dúa, lính tráng theo hầu canh gác cẩn mật, bằng ấy thứ làm cho dân chúng dễ dàng liên tưởng đến sự xa hoa đài các. Rồi thân hình của bà Nhu nữa, căng đầy nhựa sống và trang sức như một tài tử, dân chúng lại càng dễ liên tưởng đến một ẩn dụ sinh lý. Bởi vậy mới có dư luận hàng ngày cho bà Nhu tắm bằng sữa tươi để giữ cho nước da được đẹp.
Sau 1-11-1963, đã biết bao dư luận được dựng lên xung quanh bà Nhu…nhất là một số chuyện tình ái lăng nhăng… Không hiểu xuất phát từ đâu có một số hình ảnh loã lồ của bà Nhu và mấy bà Liên đới được tung ra công chúng và nói rằng bà Nhu buộc mấy bà Liên đới phải chụp ảnh loã lồ như vậy để bà giữ làm điều kiện, ấy thế mà dư luận có vẻ tin thực. Tấm hình loã thể của bà Nhu cũng vậy, nhìn qua thật là giống, nhưng so sánh, một người Việt Nam như bà dù nở nang nhưng với 4 mặt con và trên 40 tuổi không thể nào có bộ ngực tròn trĩnh và eặp giò chắc nịch như vậy. Tấm thân từ cổ trở xuống phải là tấm thân của một cô gái Tây phương khoảng 22, 23 tuổi.
Sự thực thì ai cũng biết rằng, những tấm hình trên đã được các tay thợ ảnh lành nghề ráp nối lại. Nhiều bà tai to mặt lớn đã bị bọn “bất lương” tống tiền bằng cách doạ đăng báo hình ảnh loã thể.
Sau đảo chính 1963, bà Nhu được mô tả như một “ác phụ dâm loàn”. Tại sao như thế? Gia dĩ trong quá khứ bà đã gây nên nhiều nỗi bất bình nhất là ở giới thượng lưu.
Ngô Đình Nhu: Ông cố vấn
Ông Nhu đậu cử nhân văn chương Đại học Sorbonne Pa ri và tốt nghiệp trường Chartes.
Danh từ riêng “Chartinste” chỉ những người tốt nghiệp trường Chartes của Pháp cũng đồng nghĩa với sự uyên bác thông thái. Trường Chartes không tới 100 sinh viên nhưng thư viện lại chứa đựng 100.000 tài liệu và sách thuộc mọi ngành. Giáo sư hầu hết là học giả và các ông Hàn lâm. Mỗi lớp chỉ giới hạn 20 sinh viên. Tuy ấn định tú tài II mới được thi vào, nhưng sinh viên đều phải học qua hai năm luyện thi vào trường Chartes (tại trường danh tiếng Henri IV). Cố giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu bạn học của ông Nhu cũng theo học tại trường Chartes nhưng bị loại vì sự thi cử rất khắt khe. Trong 4 năm học sinh viên chỉ có quyền thi trượt một lần và mỗi năm chỉ có một kỳ lên lớp. Mỗi khoá năm thứ I vào khoảng 20 sinh viên thì khi tốt nghiệp chỉ lọt chừng một nửa. Chương trình học thuật là mênh mông. Tiếng La-tinh là ngôn ngữ thông dụng.
Sinh viên phải am tường về cổ tự, phải học về công văn thư, học Pháp chế sử… Ông Ngô Đình Nhu đã được đào tạo trong môi trường khoa bảng uyên thâm đó.
Khi về nước ông trở thành quản thủ thư viện. Tại Tổng thư viện Hà Nội ông được mô tả như một “con mọt sách”. Quả thực một nửa đời người ông đã chìm đắm trong thế giới suy tư và chữ nghĩa kim cổ. Hai tác giả mà ông Nhu mê say và nghiên cứu rất kỹ đó là Thánh Ghandi và Mao Trạch Đông (tức từ triết lý bất bạo động đến triết lý cách mạng bạo động).
Cho đến nay nhiều người vẫn phê bình ôngNhu là thâm hiểm, hẹp hòi. Sự thực thì ông quá kiêu ngạo và tự tôn. Hơn nữa ông lại vụng về lúng túng trong sự giao tế. Ông lại nói rất kém (tiếng Việt cũng như tiếng Pháp) và lại là người ít nói. Nhưng ông lại là người có khả năng tiên liệu, đa mưu túc kế. Với cuộc sống khép kín như vậy nên ngay cả cộng sự viên cận thân với ông trong 7, 8 năm cũng khó hiểu ông.
Cuộc đời Ngô Đình Nhu được coi là “phong trần” kể từ năm 1945. Khi chiến tranh Việt -Pháp bùng nổ tại Hà Nội thì ông Nhu cùng Hoàng Bá Vinh chạy về vùng ngoại ô Hà Nội. Rồi ngày đêm qua sự hướng dẫn của Hoàng Bá Vinh, Nhu trốn về Phát Diệm và lưu ngụ tại Nhà Chung. Ở đây ít ngày, Nhu được hướng dẫn vào Thanh Hoá.
Trong thời gian này ông chịu ơn các Linh mục địa phận Thanh Hoá. Sau này ông còn nhớ mãi ân nghĩa đó. Linh mục Trọng đã phải cho ông Nhu mượn tấm áo Linh mục để hoá trang trên bước đường trốn tránh.
Khi trở về Sài Gòn ông Nhu “thất nghiệp chính trị” và “trùm chăn” để chờ thời. Từ đó sinh kế trong gia đình đều do một tay bà vợ lo liệu. Trong thời gian này, ông cộng tác chặt chẽ với Linh mục Parell trong việc nghiên cứu chính trị và xã hội.
Vốn là con người lạnh lùng nên đời sống tôn giáo của ông Nhu cũng lạnh lùng. Tổng thống Diệm mộ đạo bao nhiêu thì ông Nhu thờ ơ bấy nhiêu. Đức tin của ông thật mạnh mẽ nhưng ông không biểu lộ đức tin đó bằng những hình thức nghi lễ. Tổng thống Diệm thì xưng tội rước lễ thường xuyên, ông Nhu trái lại không mấy khi rước lễ, xưng tội. Đại úy Bằng một người sống lâu năm trong gia đình họ Ngô cho biết, có khi cả năm sống trong dinh cũng không thấy ông Nhu xưng tội rước lễ.
Mỗi lần xem lễ trong dinh, hai hình ảnh thật trái ngược: Tổng thống Diệm thì đăm đăm đọc kinh, coi sách lễ, ông Nhu tuy cũng quỳ gối nhưng hình như chỉ quỳ thế thôi. Lần nào, ông anh cũng mở từng trang sách lễ rồi trao sách lễ cho ông em,chỉ rõ từng trang. Ông Nhu cầm lấy nhưng chỉ cầm chiếu lệ mà không đọc.
Một cộng sự viên thân cận khi đề cập đến Thiên Chúa giáo đã nói với ông Nhu: “Thánh Bernard cho rằng trong nhà thờ người ta thờ Chúa bằng chén vàng chén bạc, ngoài cửa nhà thì con chiên chết đói”, ông Nhu gật đầu đắc ý: “Đúng, đúng như rứa”. Mỗi lần nghe họ đạo nọ xây nhà thờ nguy nga, họ đạo kia dựng bức tượng Đức Mẹ rất lớn, ông Nhu lại nhăn mặt khó chịu vô cùng, nói với chung quanh: “Tại sao không xây nhà thương trường học mà cứ phải xây nhà thờ”.
Ông Nhu rất ít tiếp xúc với các vị Linh mục trừ một số Linh mục thân thiết trong gia đình. Mỗi khi phải tiếp một vị Linh mục nào ông coi như chuyện bất đắc dĩ và tiếp cho mau chóng.
Ông thường tâm sự: “Nhiều cha hay lợi dụng lắm chỉ lo affaire này kia”.
Dư luận cho rằng, ông chống lại hàng giáo phẩm nhưng Linh mục nhận định: “ông theo đạo một cách khác, ông không coi thường các hàng giáo phẩm nhưng không cho là quan trọng đến mức độ phải tôn thờ quỵ luỵ”.
Con người ông Nhu thật khó hiểu và ông không bao giờ tâm sự với ai, dè dặt mọi cuộc tiếp xúc không muốn đi ra ngoài và dè dặt với từng lời nói. Người ta vẫn có thành kiến cho rằng ông Nhu thâm độc và chủ trương độc tài. Trái lại ông có vẻ phóng khoáng và có tầm nhìn cởi mở của một chánh khách tây phương. Người độc đoán phải là Tổng thống Diệm, ông Nhu thì lại khác. Nhiều sự kiện đã chứng tỏ điều này.
Thí dụ về kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khoá II (31-8-1959) trong đó có bác sĩ Phan Quang Đán dẫn đầu tại quận II với 33. 166 phiếu và tiếp theo là Cụ Phan Khắc Sửu và ông Nguyễn Trân (nguyên Tỉnh trưởng Mỹ Tho) Tổng thống Diệm quyết định phải loại 3 dân biểu này bằng mọi cách, nhất là ông Phan Quang Đán và Nguyễn Trân.
Cả tháng trời ông Diệm cho gọi các luật gia như ông Trần Chánh Thành và giáo sư Vũ Văn Mẫu, để nghiên cứu làm thế nào dùng biện pháp của luật để loại các dân biểu.
Ông Nhu nói với bác sĩ Trần Kim Tuyến: “Làm chi mà quá như vậy. Thì người ta đắc cử thì để người ta vô Quốc hội, người vô làm được cái gì… Có 3 người như vậy đâu có nhiều mà phải làm như vậy…”. Ông Nhu tỏ ra rất khó chịu và hoàn toàn bất đồng với Tổng thống Diệm về vấn đề này. Cuối cùng để chiều ý ông anh ông Nhu đành chịu. Tuy vậy riêng cụ Phan Khắc Sửu vì biết rõ uy tín cũng như đức độ của cụ trong dân chúng, nên ông Nhu đã uỷ cho ông Bộ trưởng Huỳnh Hữu Nghĩa liên lạc với cụ Sửu và dàn xếp mời cụ Sửu vào dinh Độc Lập gặp riêng ông Nhu. Cuộc gặp gỡ giữa cụ Sửu và ông Nhu lâu cả hơn một giờ. Theo bác sĩ Tuyến thì cụ Sửu cũng như ông Nhu tỏ ra thông cảm và cởi mở (cụ Sửu bị bắt trong cuộc đảo chính hụt 2-2-1960 song cụ bà vẫn được tiếp tục lãnh lương dân biểu).
Thu xếp xong vấn đề cụ Phan Khắc Sửu nhưng còn hai trường hợp ông Phan Quang Đán và Nguyễn Trân, ông Nhu để mặc ông anh quyết định.
Hơn nữa, đối với ông Nhu thì cụ Phan Khắc Sửu mới là điều quan trọng, vì không ai phủ nhận được đời sống đạo đức và thành tích tranh đấu của cụ trong dĩ vãng.
Sau đó thì Uỷ ban Hợp thức hoá quyết định không thừa nhận hai dân biểu kể trên. Đây cũng là một vết đen lớn của Quốc hội Đệ nhất Cộng hoà và dù cách nào hay dựa trên căn bản pháp lý cũng không thể biện minh cho sự vi phạm quy chế dân chủ một cách quá rõ rệt như vậy.
Về việc loại trừ bác sĩ Phan Quang Đán khỏi Quốc hội, xét về tâm lý cũng dễ hiểu. Bác sĩ Đán trúng cử tại một đơn vị chính Tổng thống Diệm đi bỏ phiếu và ở ngay khu trung tâm Sài Gòn. Vả lại Tổng thống Diệm đã biết rõ con người ông Đán, khi gặp ông bên Mỹ. Ông Nhu thì cho rằng ông Phan Quang Đán không quan trọng “Cứ để cho hắn vào”. Nhưng Tổng thống Diệm không chấp nhận. Đây cũng là điều quá hẹp hòi và sai lầm. Nếu cứ để ông Đán vào Quốc hội thì sớm muộn gì ông Đán cũng bị “cháy” do chính ông “đốt” ông. Nhưng khi loại ông Đán thì chính là cơ hội tạo cho ông Đán thêm nhiều tiếng tăm uy tín trong dân chúng, mà thực ra uy tín đó hết sức bấp bênh.
Dạo đó dư luận đồn đại rằng, chính quyền Ngô Đình Diệm cố loại Phan Quang Đán vì ông Đán có thể sẽ tranh cử Tổng thống và ông Đán là “con bài nặng ký” của Mỹ. Dư luận cũng cho rằng ông Ngô Đình Diệm ghen tức với uy tín của ông Phan Quang Đán. Sự thực thì năm 1955 chính quyền Ngô Đình Diệm đã chấp thuận cho ông Đán hồi hương mà không do áp lực của Mỹ. Một vài lần ông Diệm có ý dành cho ông Đán một ghế Bộ trưởng không mấy quan trọng, nhưng ông Đán lại quá nhiều tham vọng muốn trở thành một lãnh tụ đối lập trong khi ông không có thực lực nhân dân, không có một số người cần thiết. Điều đó ông Nhu hiểu rất rõ nên để mặc ông Đán ăn nói rộng rãi trước các sinh viên Y khoa năm IV và sinh viên trường Cán sự y tế. Khi về nước, bác sĩ Đán được mời vào dạy môn y tế công cộng và y tế dự phòng tại hai trường Y khoa và Cán sự y tế (55- 56).
Ông Nhu chấp nhận những cá nhân đối lập cùng những ý kiến đối lập. Cũng vì vậy, Tổng thống Diệm quyết định loại Phan Quang Đán và Nguyễn Trân thì ông Nhu lại không đồng ý và cho rằng cứ để họ vào Quốc hội. Với một Phan Quang Đán, ông Nhu đã nhiều lần “miệt thị” và sẵn một thành kiến là Phan Quang Đán hèn, hết chạy theo Pháp và Bảo Đại bây giờ lại trở cờ.
Khi qua Mỹ Phan Quang Đán móc nối được mấy tay thượng nghị sĩ và một vài viên chức CIA thì Phan Quang Đán lại trở cờ theo Mỹ. Ông cũng biết rõ, Phan Quang Đán không có một thực lực nào, Đảng Dân chủ của ông ta chỉ là đảng ma và thứ đảng phái “cò mồi” cho Mỹ.
Ngay trong dinh Độc Lập đã có sự đối lập rồi. Một bên là Tổng thống Diệm với các ông Võ Văn Hải v.v..Một bên là ông Nhu với mấy cộng sự viên thân cận. Ông Võ Văn Hải theo Tổng thống Diệm từ thời thiếu niên, một Phật tử thuần thành, nhưng đối với ông Nhu lại “mặt trăng mặt trời”. Sau cuộc đảo chính hụt 2-2-1960 ông Hải bị nghi oan có liên hệ với phe đảo chánh, ông tức giận làm một bản phúc trình dài gởi thẳng Tổng thống Diệm và kết luận đại ý rằng: “Tôi theo Tổng thống, trung thành với Tổng thống, tôi chỉ biết một lòng với Tổng thống thôi…”
Bản phúc trình ấy có ý nói gián tiếp là không cần biết ông Nhu, ông Nhu được xem bản phúc trình đó không biết lòng dạ ông thế nào nhưng không tỏ thái độ gì cả. Rồi mỗi người mỗi phận, mỗi việc.
Nói năng kém hoạt bát, giao tế lại ngượng ngùng. Đó là cái yếu nhất của một nhà chính trị. Ông Nhu mấy lần cũng cố gắng mở cuộc tiếp xúc với một số chính khách nhưng cũng vì sự giao tế ngượng ngùng mà kết quả không đi đến đâu, không tìm được sự hợp tác.
Sau cuộc đảo chính hụt 2-2-1960 ông Nhu được khuyến cáo cần phải mở rộng chính quyền phải kết hợp các thành phần vẫn được coi là đối lập. Một cộng sự viên được ông Nhu uỷ cho vai trò móc nối và dàn xếp. Nếu mời các chính khách vào dinh Độc Lập thì rất bất tiện. Vả lại các vị này vốn mặc cảm sợ mang tiếng “luồn lọt”. Do đó phải tổ chức cuộc gặp gỡ ở bên ngoài.
Lần thứ nhất cuộc gặp gỡ được tổ chức ở nhà riêng của giáo sư Vũ Quốc Thúc. Nhưng khi ôngNhu đến thì ông lại trở thành người cô đơn lạc lõng. Mấy vị chính khách thì ngồi tận xa còn mình ông trơ trọi trên chiếc ghế bành, kết quả không đi đến đâu, và không cởi mở với nhau được những gì cần cởi mở.
Lần thứ hai tại nhà riêng bác sĩ Phan Huy Quát. Lần này khá đông, nhưng khi ông Nhu đến thì mọi người lại né tránh, ông vẫn là người trơ trọi. Vốn ít nói, lại nói “trọ trẹ” khó nghe nên ông càng thêm trơ trọi. Trong khi đó không ai gợi chuyện để hiểu tính nhau và tìm đường thông cảm với nhau.
Người ta cho rằng, ông Nhu thâm hiểm, nhưng sự thực như trên đã viết, tâm hồn ông quá khép kín, vui buồn không bộc lộ ra ngoài, không mấy khi tâm sự với ai kể cả người thân. Ông lầm lì, trù tính những gì không ai hay biết.
Nhưng ông lại là người biết nghe cộng sự viên trình bày những điều hợp lý, phải lẽ. Nhưng có mấy ai trình bày nguyện vọng thực của mình để ông có thể nhìn rõ thực trạng?
Đối với một công việc dù quan hệ đến đâu nếu do tay ông giải quyết thì ông giải quyết ngay, không do dự.
Thí dụ năm 1957, nhân một chuyến đi dạo quanh đô thành, Tổng thống Diệm đi qua bến Bạch Đằng…ông nổi giận đùng đùng vì cảnh bến sông thật là “bê bối”… hàng quán san sát, chiêu đãi viên cùng thực khách đùa giỡn lả lơi, ông Diệm sau đó chỉ thị cho giới chức đô thành phải giải toả ngay, ông Tổng thống cho rằng thủ đô là tiêu biểu cho thể thống quốc gia để cho hàng quán tùm lum ở bến sông, ở hè phố như vậy thì còn gì là thể thống. Theo quyết định của Tổng thống, Đô trưởng Sài Gòn khẩn cấp ra lệnh giải toả. Hàng ba trăm bạn hàng dọc theo bờ sông bến Bạch Đằng và một số nơi khác ở các vỉa hè lớn bị giải toả Trước khi giải toả họ chỉ được thông báo và thông báo một cách cấp kỳ như vậy trong một thời gian quá ngắn làm sao thu xếp được công ăn việc làm.
Các bạn hàng cấp tốc quy tụ lại thành một nghiệp đoàn để tranh đấu (đặt dưới sự bảo trợ của Tổng Liên đoàn Lao công) do ông Nguyễn Văn Vượng làm Chủ tịch và dự định biểu tình làm lớn chuyện. Ông Nhu biết được như vậy thì tìm cách giải quyết ngay. Ông cho gọi ông Nguyễn Văn Vượng vào dinh để giàn hoà.
Nếu ông Diệm quá khắt khe trong quan niệm luân lý và thuần phong mỹ tục thì ông Nhu lại tỏ ra rộng rãi, mặc dù ông không phải là người bài bạc ăn chơi.
Khoảng năm 1959 Tổng thống đi xe từ trại Quang Trung về đến ngã ba Chú Ía (gần nhà thương Cộng hoà) thì có cả mấy chục cô gái giang hồ phấn son loè loẹt dừng bên đường vẫy tay cười nói, ông Tổng thống mặt đỏ bừng bừng: “Mấy con mụ đó nó làm chi mà dị hợm rứa” (chữ dị hợm này, Tổng thống Diệm đã dùng để nhận định về con người ông Phan Quang Đán). Viên sĩ quan tuỳ viên cứ ngay tình nói thẳng: “Bẩm, mấy đứa nó là gái giang hồ, vùng này nhiều lắm”. Ông Tổng thống lại hầm hầm mặt đỏ gay: “Thằng tỉnh trưởng nó làm chi đó hỉ… “
Khi trở về dinh, ông Diệm cho gọi Đại uý Bằng đến hỏi kỹ về chuyện này. Sau đó ông bảo Tổng Giám đốc Cảnh sát đô thành, Tỉnh trưởng Gia Định và Trung tá Cao văn Viên phải thân hành lấy xe đi một vòng kiểm soát xem thực hư thế nào. Các viên chức trở về dinh đều xác nhận là có nhiều gái giang hồ tại mấy vùng ngoại ô như Lăng Cha Cả vùng nhà thương Cộng hoà. Ông Giám đốc Cảnh sát đô thành (Trần Văn Tư) phải một phen xanh mặt. Mấy hôm sau Tổng thống Diệm ra lệnh bãi chức một loạt Cảnh sát trưởng thuộc Đô thành và Trưởng ty Cảnh sát Gia định. Vụ này làm “rung động” giới chức Cảnh sát cao cấp ông Nhu cứ nhăn mặt lắc đầu: “Làm chi mà quá đáng như rứa”. Ông cũng thường nói với các cộng sự viên: “Cấm là cấm vậy thôi chứ nạn mãi dâm làm sao hết được tập trung bọn nó sang cả vùng Cầu Hàn cho dễ kiểm soát bệnh tật”.
Ông Nhu quan niệm rộng rãi như vậy cũng dễ hiểu vì ông cũng không lạ gì nạn mãi dâm tại thành phố Paris nơi ông đã lưu trú nhiều năm. Theo Lương Khải Minh ông Nhu khác hẳn với ông Diệm, ông không quan tâm đến chuyện vụn vặt. Điều quan trọng với ông là “Chơi thì cứ chơi nhưng kín đáo đừng gây nên tai tiếng”. Ông thường nói: “Bọn Cảnh sát cao cấp nó cũng ăn chơi hủ hoá ghê lắm, nhưng nó kín đáo…chơi thì chơi nhưng chịu làm việc có suy nghĩ”. Cái chết của tướng Hồ Văn Tố vì bệnh thượng mã phong làm cho ông Diệm mặt chảy dài, thở phì phì tức giận…ông Nhu chỉ lắc đầu: “Làm thì không lo làm…lúc nào cũng chỉ có “con chim” trên đầu”. Nhưng ông có cái rộng rãi này thì cũng vấp phải những định kiến hẹp hòi khác, nhiều khi rất quá đáng nhu đứng ở tư thế một nhà lãnh đạo chính trị. Trường hợp đối xử với một số đồng bạn cũ của ông cũng gây ra tai tiếng không ít và do đó người ta cho rằng ông Nhu theo chính sách “vắt chanh bỏ vỏ”.