Tháng 7-1986 Duẩn chết, dân đứng hai bên đường đếm mấy bà tổng goá. Chúng khẩu đồng từ bảo nhau cái bà tre trẻ mặc áo dài đen dắt đứa con be bé kia đứt đuôi là vợ tư! Ấy, chưa kể những bà bị gạt xuống nữa chứ. Cho lên cả thì khéo phải một hai xe nữa.
Ít ngày sau, dân Hà Nội đồn ầm rằng con cháu Ba Duẩn đang rất lo có thể gia đình Duẩn bị “sờ!” Dân nói rõ các con gái và rể Lê Duẩn hoảng nhất. Nhưng ai trong bóng tối định sờ thì không ai dám chỉ tên. Ngày ấy nếu blogger nhiều như ba chục năm sau thì trên mạng cử là lũ lụt lời bình về sức mạnh tính dục của Lê Duẩn. Rõ ràng là có nỗi sự riêng tư thầm kín của thân thích ông, sau cái chết của ông, vị hoàng đế đỏ từng làm run sự và đau khổ biết bao con người.
Trường Chinh quyền tổng bí thư, anh cầm quyền thì chấm dứt tả, đề đường lối đoàn kết rộng rãi cứu quốc. Nay lại quyền, tôi nghĩ, chắc chắn anh sẽ sửa tệ tả khuynh sặc sụa. Nảy ra từ những ngày tôi đi Bãi Cháy viết hồi ký cho anh, ý nghĩ này nay lại bật dậy. Hơn thế, tôi nghĩ, bị Duẩn ép điểm chỉ vào Nghị quyết 9 làm “bố dượng tinh thần”, cay đắng từ dạo ấy, Trường Chinh sẽ thấm thía hơn ai hết nỗi mất dân chủ nó khiến anh cũng thành nạn nhân.
Dân có vẻ ưng Trường Chinh hơn Duẩn. Người ta đồn anh có một tổng cố vấn Liên Xô giúp đổi mới. Anh sẽ cho phục hồi những cựu thần thân cận của Cụ Hồ nhưng bị xua đuổi như Giáp. Anh sẽ giải quyết các vụ án xét lại Chu Văn Tấn, người từng đưa đường để anh lên Pắc Bó gặp Nguyễn Ái Quốc.
Đại hội toàn quân làm cho mọi người phấn khởi. Sáu Thọ về dự với hy vọng các tướng lĩnh đánh Campuchia sẽ dồn phiếu cho ông đang nắm Quân uỷ trung ương và như vậy hạ vai trò Giáp trong quân đội, trong đảng. Ai ngờ Thọ kém Giáp xa. Nhưng phiếu cũng thua quy hoạch nhân sự. Các tham luận dữ dằn, trong có bài của Vũ Lăng, phê phán thực trạng sa sút, rối ren. Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân không ngờ bị cho de Trung ương. Vũ Lăng nói Chu Huy Mân đi mà bỏ quên cả mũ bình thiên trên bàn chủ tịch đoàn. Hoàng Tùng về leo lầm xe, tài xế báo cáo “dạ xe bác ở đằng kia ạ” mà vẫn ngẩn ra không hiểu…
Những ngày người ta mong tin Lê Duẩn chết đang quàn tại nhà lạnh 108 là thật. Những ngày dân Hà Nội đổ nhau: Con gì trán hói bụng to, miệng xơi thịt gà, ăn nói ề à, đít thượng Volga?
Ôi, con gì kia, úp mặt vào ghế mà mày giữ kín được tên mày đến thế ư? Ghế là mục tiêu theo đuổi của mày và cũng là thành luỹ che chắn cho mày!
Dân còn dạy Đảng một bài học sơ đẳng về đồng tiền vốn bị đảng coi là nhơ nhớp – vì khuyến khích vật chất đã hạ thấp con người xuống thành con vật:
Đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, đồng tiền là hết ý…
Những người am tường thì minh hoạ bài học trên bằng những con số. Nhờ biết sức mạnh đồng tiền, Nam Hàn, Đài Loan đã nhảy những bước diệu kỳ. Năm 1979, 17 triệu dân Đài Loan xuất khẩu 16 tỉ đô la Mỹ, trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới, tính theo đâu người. Năm 1960 Nam Hàn – nước gửi “lính đánh thuê hung hãn” sang Việt Nam, xuất vẻn vẹn có 60 triệu đô la Mỹ nhưng đến 1981 đã lên 21 tỉ, vừa vặn đổ đồng mỗi năm tăng 1 tỉ. Và mười lăm năm bằng 150 năm phát triển của chủ nghĩa tư bản châu Âu. Thu nhập đầu người từ 50 đô la lên 1.500 một năm. Nhưng cũng như Đài Loan, từ 1960 đến 1990, thu nhập bình quân đầu người tăng sáu lần! Phải mỗi tội “làm chó săn” cho Mỹ như Đảng vẫn lột trần. Lúc ấy chưa thể hình dung rồi đảng lại bạ vào tên chó săn kiêm “lính đánh thuê” này, bạ dữ dội. Hàn Quốc và ta thế mà duyên nợ nặng. Nợ máu duyên tiền kiếp? Ở ta nhờ Đảng cái quái gì cũng hai mặt, hai mang. Với Đảng thì sự thật xã hội luôn là quả đấm tương vào chân lý cao siêu của Đảng.
Đào Duy Quát nói tại một vài hội nghị: Trước khi chết, bác Duẩn gọi mấy anh em lý luận chúng tôi đến nói sau năm sáu chục năm hoạt động đến nay bác Duẩn mới hiểu ra câu của Marx nói lợi ích vật chất là động lực mạnh mẽ thúc đẩy người lao động.
Tôi bảo Kiến Giang: Mao bất lực không làm cho dân sướng về vật chất được bèn phịa ra cái chân lý chính trị hàng đầu, tư tưởng hàng đầu, bác Duẩn nghe sướng quá bê luôn về cho dân xài, đứa nào nói lợi ích vật chất bác phang cho tội xét lại. Bác nhận lỗi ở giường bác chứ đâu có bồi thường cho dân chuyện ba đời cứ phải cầm hơi… Với chính trị hàng đầu, bác phán thế… đếch nào cũng được. Ưu việt của chân lý này là như vậy?
– Song bác thừa biết có hẳn một chương bảo đảm lợi ích vật chất của lãnh đạo cao nhất từ trung ương đến tỉnh, tôi nói tiếp. Tại cánh đồng Tam Thiên Mẫu giữa Cẩm Giàng và Thuận Thành có cả một nông trường nuôi đủ bò, dê, lợn gà, ngỗng, vịt, cá, lươn, ếch… cung cấp cho Bộ chính trị. Ở Thái Bình và nhiều tỉnh, có những thửa ruộng chuyên cấy lúa ngon cho từng vị. Xuống Thái Bình nói chuyện “Mỹ chưa bao giờ bẽ tắc, mất mặt đến thế này, đúng như đã báo trước là chủ nghĩa đế quốc giẫy chết”, Nguyễn Hữu Chỉnh lên xe về đã phải mang giúp mấy bao gạo cho “mấy Anh”: Tớ chỉ nhìn thấy một mảnh bìa viết Anh Nguyễn Duy Trinh ở tai một bao. Là phóng viên đến viết bài, còn ở lại, tôi đùa bảo Chỉnh: “Thắng lợi giòn giã nhỉ!” Hiểu lầm vật chất sang tinh thần, Chỉnh nói: “Chuẩn bị hai ba ngày để nói đấy, Trần Đĩnh ơi”. Tôi chả muốn bảo nay cậu không còn kín đáo ca ngợi Mỹ như hồi xét lại nữa nhỉ. Đúng, trước đây, ở cơ quan, tôi và Chỉnh hay tìm cách kín đáo đề cao Mỹ. Phần lớn khen khoa học.
Tái xuất giang hồ, Trường Chinh có một câu quá hay: Lương của công nhân viên chức chỉ đủ để sống cho mười ngày.
Hoàng Ước, thư ký của Trường Chinh bảo tôi là một hôm Trường Chinh nói với mấy người giúp việc rằng ta trả cho người lao động đồng lương bóc lột. Hoàng Ước bèn nói lương chúng tôi chỉ đủ sống mười ngày. Trường Chinh cau mày khó tin – bóc lột thì có nhưng sao lại có thể ác nghiệt hơn cả đế quốc đến thế – nhưng hôm sau ông bảo Hoàng Ước: Tôi đã hỏi nhà tôi, nhà tôi nói không có chế độ cung cấp đặc biệt thì lương ông cũng chỉ đủ cho nhà này ăn mười ngày. Sau đó Trường Chinh đến nhà máy thuốc lá Thăng Long nói: Phải cứu giai cấp công nhân!
Hay thật! Ở một nước do giai cấp công nhân lãnh đạo mà đảng phải cứu giai cấp công nhân ra khỏi đồng lương bóc lột? Tôi thấy ở đó một khẩu lệnh hành động. Trường chinh rất giỏi đề khẩu lệnh, Nhưng ông không nói cứu công nhân khỏi tay ai? Và thằng khốn nào nó bóc lột công nhân?
Mấy công nhân sắp chữ nhà in bảo tôi: Công nhân được Đảng đại diện mà phải cứu thì dân chết sặc gạch là phải! Thế này chắc có công nhân dỏm nó dìm công nhân xịn. Em là cứ xin phép Đảng cho em soi đèn pin xem đít các bố có nhọ như chúng em không, hay là các bố chính là công nhân dỏm đã nhận xằng.
Song dân biết rất rõ cái cơ chế gà què mổ lẫn nhau nó cho phép bộ máy với lương sống mười ngày vẫn cù cưa được cả tháng, tất nhiên ở mức khốn nạn.
Hãy nói đến cơ chế này ở lĩnh vực y tế được gọi là “từ mẫu!” Xe cấp cứu muốn qua cổng bệnh viện đều phải “kính” người gác 1.000 đồng – không thì mày cho người nhà của mày tò te tí te sớm; rồi khi nằm lên giường mổ, người bệnh lại phải ”tiền đâu trong túi thòi ra”. Trần Thư mổ dạ dày, khi anh đi lại được trong bệnh viện, tôi thấy Thư cứ hai tay nắm cạp quần. Quần không có giải rút!
Mấy hôm sau hai tay được giải phóng, Thư nói vì có rồi. Nay sáng thay quần áo cứ dúi cho chị y tá một nghìn là quần áo đầy đủ lệ bộ. Nghe đâu phụ nữ mất hai nghìn. Cái của phụ nữ quý, phải che kín hơn nên đắt.
Giáo sư vi sinh học Vũ Văn Ngũ, bạn tôi bảo tôi là họp Đại hội công nhân viên chức bệnh viện Bạch Mai, anh chị em người ta lên nói thẳng chúng tôi không luộc kim tiêm, ống tiêm cho bệnh nhân đâu, chúng tôi lấy cồn ấy nấu cơm ăn với nhau chứ ai Lôi Phong mà ra vườn hoa nhặt cành khô lá héo về bệnh viện làm củi nấu bây giờ? Đảng cứ đưa anh hàng xóm hấp lìm ra đế hấp lìm hoá dân ta nhưng dân ta nó cóc chịu!
Ngũ cười bảo tôi: Mình hỏi một cô ai là đứa hấp lìm thì cô ấy nói đứa bảo bọn ta học đứa hấp lìm thì là đứa hấp lìm, còn đại hấp lìm nữa ấy!
Ngũ bịt miệng bảo tôi: Cậu cố tìm hiểu xem Duẩn hay Tố Lành đã xướng chuyện học cái thằng vét rác lấy đồ dùng kia đi nhá! Cái Thảo con tớ nó cứ bảo ghét ai có cái sáng kiến học tập hâm tỉ độ này quá! Ngũ kể một hôm đi vào cổng bệnh viện Bạch Mai, anh và Hồ Đắc Di nhìn thấy băng – rôn tổ bố căng hết mặt tiền toà nhà chính: Hoan nghênh Đại hội V Đáng cộng sản Việt Nam. Di hỏi Ngũ thấy cái chữ V kia nó giống cái gì? Ngũ còn nghĩ thì Di nói: giống cái vagin, đúng không?
Bân, lái xe cho Hồng Hà, uỷ viên trung ương, tổng biên tập báo Nhân Dân, kể với tôi một sáng anh chở Hồng Hà đến Sở điện lực Hà Nội bàn chuyện cung cấp thêm điện cho nhà in báo Đảng đang được các chuyên gia Đông Đức sang lắp máy mới. Xe đến; Bân vào báo người thường trực, anh ta nói giám đốc đi vắng. Bân đưa Hồng Hà về. Lát sau, giám đốc sở điện gọi nói ông chờ báo đảng mãi từ sáng mà không thấy. Thì ra Bân không “bôi trơn”, người thường trực bèn cho uỷ viên trung ương Đảng thấy rõ ngay uy lực tiên phật của đồng tiền.
Tôi bảo “gớm nhỉ” thì Bân tưng tửng: Quần chúng làm nên lịch sử như đảng vưỡn dạy mà anh! Đói thì quân hầu đày tớ phải xây đắp sự nghiệp gian dối thôi. Anh không biết phương châm 12 chữ vàng của dân ta nay là thế này ư? Tăng xin giảm mua, tích cực cầm nhầm, thi đua ăn cắp! Mạt rồi, mạt to rồi…
Tôi hỏi cái gì mạt? Bân lườm tôi: Lại còn phải dạy anh vén váy.
Một hôm vào văn phòng báo, thấy tập hoá đơn các thứ bình nước nóng, máy phát điện, đồ điện… ghi là “lắp vào nhà thủ trưởng”, tôi bảo Dũng – Trung uý – anh cán bộ tài vụ trẻ ở đó: Cậu giữ lại đủ các cái này cho tớ…?
– Để bắt Văn phòng trung ương thanh toán cho Hoàng Tùng chứ sao?
Anh em nói nhà Hoàng Tùng duy nhất là nhà có ba hệ thống điện: điện lưới, điện của lãnh đạo và máy phát điện Đức đem sang xây dựng nhà in báo đảng.
Thái Cò – thợ đúc chữ nhà in – và hai ba anh thợ nữa được cử đến lắp mạng điện của nhà in cho nhà Hoàng Tùng kể với tôi: em làm ở trong ngõ vào nhà, ngay bên dưới cửa sổ vợ chồng Hoàng Tùng đang ăn sáng ở sau đó. Em nói: “Lắp ống đựng dây điện này thì phải độn đầu tre mới xong được đây”.
– Ông chì ống thiếc sao lại độn đầu tre? Vợ Hoàng Tùng thò đầu ra hỏi thì Hoàng Tùng gạt đi.
Lát sau, người nhà ra đưa cho Thái Cò mấy gói chè cùng mấy bao thuốc lá. Hoàng Tùng hiểu chữ độn đầu tre của giai cấp công nhân. Thái Cò nói anh thấy có phải là cả nước này ăn cắp ăn nảy vặt không? Tôi bảo Thái Cò: Khốn nạn, đất nước toàn dân cò mà lại lử cò bợ thì ước mơ và bản lĩnh cũng chỉ là để mò tép riu thế thôi!
Thái Cò là anh thợ cùng tố đúc chữ với tôi dạo tôi lao động cải tạo ở nhà in. Mẹ Thái chết, tôi đến phúng thì Thái nhấm nháy phường bát âm nổi kèn trống lên. Sau Thái bảo tôi: Có mấy lão trưởng ban bên toà soạn đã ở đó nhưng em chỉ cho nổ xã luận chào anh. Lập trường giai cấp công nhân xịn chúng em thế chứ đâu như lập trường bọn công nhân dỏm.
Trong thời gian thai nghén Đổi mới, Hoàng Ước có lần nói với Trường Chinh:
– Tôi giúp việc anh, chắc anh không muốn tôi nịnh, vậy xin anh cho tôi được nói thế này: Dân đang mong mau chấm hết chế độ Ba Đồng Chinh để dân được thở. Buồn là lại dính cả anh ở đấy. Mà cũng lại chỉ anh gỡ được. Chỉ thấy thắng lợi, anh Duẩn không thấy đất nước bế tắc! Đấy, nông nghiệp bí bét, được 14 triệu tấn đã phúc mà anh Duẩn cứ bắt phải 21 triệu!
– Ông ấy nói sao? Tôi hỏi. Hoàng Ước bảo: Im lặng.
– Chắc buồn vì có tên mình trong cái chế độ mà dân mong cho mau sập.
Lần này Ước im lặng.
Mong muốn cứa Trường Chinh cũng chả làm gì lại được. Lương cho sống có mười ngày đã thành hòn cốt lắt lay của cái chế độ chuyên lấy tinh thần, tư tưởng làm thống soái và người kém khoa kinh tế ra chỉ đạo.
Hết thập niên đầu của thế kỷ 21, người ta nói vác lên là đồng lương sống được 20 ngày. Đảng phóng tay cho thị trường tàn nhẫn dìm dân tay không. Và phận cò lử vẫn cứ phải mò tép.
Tin đồn lạc quan ngày một nhiều. Nào Giáp chắc chắn thủ tướng, Sáu Thọ chắc chắn về. Còn nói đến cả làm sao thu hồi tiền các ông ấy gửi ở các ngân hàng nước ngoài. Những ngày trở dạ của Đại hội 6 (từ 15 đến 18-12-1986) phải nhận là nức lòng.
Và tất nhiên làm cho không ít người hoảng nữa. Ai chứ chắc Lê Đức Thọ không thể ngồi im. Các ông theo Mao đã để lại bao nhiêu tội ác. Chỉ nói một việc: Đàn áp nội bộ đến mức đụng đến cả lãnh tụ tối cao, Võ đại tướng v.v… Chuyến này Giáp mà được Trường Chinh bố trí cho tái xuất giang hồ thì có chuyện. Mà cờ đầu Lê Duẩn chết rồi, Thọ phải tìm cách gỡ. Tôi cho rằng Sáu Thọ chả thể xoay ngược tình thế.
Hôm cuối cùng trù bị – mai ra đại hội cờ đèn kèn trống một người cậu họ của Kiến Giang, đại tá công an tại chức đưa cho anh danh sách Trung ương mới bầu. Sau tên từng người có ghi cả số phiếu. Hơn một trăm uỷ viên đều người tử tế, chí ít cũng không tai tiếng nhiều. Giáp sẽ là thủ tướng. Phiếu bầu cho Giáp cao hơn cho Trường Chinh. Sáu Thọ vào hàng gần bét. Một anh bạn đến chơi được Kiến Giang cho đọc. Bật nghẹn ngào ôm lấy Kiến Giang: Đất nước thế này bắt đầu sống được rồi đây.
Tôi rạo rực. Quên khuấy câu đúc kết: Tôi tiêu tiền thật và người ta tiền giả. Tôi chỉ thấy câu tuyên chiến của Trường Chinh “Phải cứu lấy giai cấp công nhân” là một kêu gọi giành lại chính nghĩa. Đại hội ra công khai, tôi xem tivi cả ngày tại nhà Minh Việt. Tôi cảm động theo dõi Báo cáo Chủ tịch Trường Chinh đọc. Đánh giá khá trung thực. Đảng mất lòng tin cúa dân. Nhiều thói xấu được phanh phui như duy ý chí, lời nói không di đôi với việc làm (tu từ che cho chữ dối trá). Vạch rõ nguyên nhân của mọi nguyên nhân (thất bại) là công tác tổ chức (dạ con, buồng trứng của bộ máy hư hỏng) và công tác tư tưởng (nhà máy xây dựng tệ duy ý chí và dối trá, đàn áp)…
Khoảng sáu giờ, công bố nhân sự đại hội. Rụng rời. Trường Chinh rút. Nguyễn Văn Linh lên. Võ Nguyên Giáp thôi Bộ chính trị. Nổi lên rõ ràng hình thái mi về ta về, mi vào từng này, ta vào từng nấy, chưa vật lấm lưng được nhau. Thọ còn mạnh lắm. Có bộ máy là nhờ ông mà. Tối mịt tôi chia tay Minh Việt, hơi buồn. Minh Việt hỏi còn đí đâu không? Tôi nói xuống Đào Phan. Việt nói đúng, ông đi đi. Có lẽ nhiều anh em khó hiểu đấy.
Trời đổ mưa nặng hạt và rét căm căm. Quảng trường Ngân hàng trong mưa lạnh tối nay thôi không còn là cái sân khấu đầy nước vàng ròng hôm nào nữa. Tôi nhìn lên chân dung Hồ Chí Minh trên đỉnh Ngân hàng vẫn mỉm cười tươi tỉnh.
Vài năm nay người ta đặt chân dung Cụ Hồ ở tít trên cao kia. Quốc khách được đón ở đây sẽ phải đứng dưới lãnh tụ Việt Nam, nói trong nội bộ thế. Vẫn giấc mộng lớn của nhược tiểu ngàn xưa muốn sử Tàu đi cổng hông mà vào nhà ông. Giận nó một dáo quạt vào đầu cho nó đuổi theo qua cổng ngách, thế là nó chui vào bẫy. Nhưng thế nào đó không rõ, dân đồn là nước ngoài không chịu (vào bẫy) lại chuyển đón họ ở trên Chủ tịch phủ. Còn công nhân vệ sinh đường phố kháo: một đêm bão lớn, bức chân dung bị gió thổi tung đi. Người ta lặng lẽ để nó vào chỗ cũ nhưng khoan vào vòm mái ngân hàng bốn lỗ rồi đóng cọc sắt với bốn dây cáp lớn chốt chân dung Cụ vào đó. Gió ngày đêm lay giằng bức tranh đã phá nứt vòm mái bê tông cốt sắt ngân hàng làm dột từ nóc dột xuống.
Đến Đào Phan, C5 Kim Liên, tầng 5. Vợ cồng anh đang ngơ ngẩn ngồi cùng con rể, đại tá Bảng, con trai Phùng Bảo Thạch. Tôi nói thắng to về chính trị: Đảng đã phải đối mới, con tàu đã quay mũi sang hướng tử tế nhưng tốp lái còn bị lổn nhổn xôi đỗ. Một nhát phá sao nổi được trận địa tổ chức là thánh địa của Sáu Thọ.
Tiễn tôi ra chiếu giữa, Đào Phan ba-đờ-xuy nâu kẻ ô, mũ len cười:
– Hay thật, mày lại đến phân tích, động viên tao. Cảm ơn.
Hôm sau cán bộ thầm thì kháo nhau việc Trường Chinh bị Sáu Thọ ép về.
Hoàng Ước bảo tôi: Buổi sáng trước hôm ra đại hội chính thức, Lê Đức Thọ kéo những Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Võ Thúc Đồng, Lê Thanh Nghị… đến gặp Trường Chinh.
Hoàng Ước và mấy thư ký của Trường Chinh sang buồng kế bên phòng khách đã cùng vợ Trường Chinh thành mấy nhân chứng nghe rõ hết cuộc dồn ép lịch sử. Trước đó, theo Hoàng Ước, Trường Chinh đã mấy phen cự tuyệt ký vào thư xin nghỉ do Nguyễn Khánh, Chánh văn phòng trung ương Đảng thảo sẵn mang đến tận nhà. Lần này Thọ thân dẫn một đoàn đông đảo và hùng hậu. Trường Chinh vẫn nói ông ở hay về là việc của đại hội. Cuối cùng Phạm Văn Đồng lên tiếng. Nói anh và tôi đều học Hồ Chủ tịch đặt lợi ích của dân nước lên cao hơn lợi ích cá nhân, vả chăng anh lại là tổng bí thư yếu kém nhất trong các tổng bí thư xưa nay của Đảng ta, anh không về e có những điều không hay. Trường Chinh ký! Mãnh hổ nan địch quần hổ!
Đồng quá giỏi! Đồng đã “thuyết phục” người tổng bí thư làm Tổng khởi nghĩa và Kháng chiến chống Pháp từ quan bằng hạ giá ông xuống: Kém Trần Phú với Xô viết Nghệ Tĩnh, kém Nguyễn Văn Cừ với Nam kỳ Khởi nghĩa và dĩ nhiên Lê Duẩn. Tóm lợi, bét tĩ.
Trường Chinh nhìn thấy rõ ai ở đằng sau Đồng. Lưng Đồng dễ đẩy. Vậy thì thôi về! Ở lại ông cũng chẳng xoay xở nổi mà có khi còn mang vạ.
Tiếc là Trường Chinh không có hồi ký nào. Giả như tôi không nổi cơn “thất tình” với ông.
Lê Phú Khải, nguyên phóng viên đài phát thanh, bộ phận Pháp ngữ La voix du Vietnam, kể rằng Tuyết, em họ anh, con tướng Qua, coi nhà pha, cuối những năm 80 làm phó ban tài chính Trung ương đã ngậm ngùi bảo Khải rằng bà Trường Chinh có hôm tìm Tuyết, đưa một hộp các đồ nữ trang nói em bán giúp chị để chị mua vài con lợn chị nuôi kẻo túng quá. Em nhờ thì người ta xem toàn là vàng tây, đồ trang sức nước ngoài tặng. Nhận hộp về, bà Trường Chình buột ra một câu mà em nghe não ruột não gan: “Thế thì chị làm sao bây giờ?”. Có lẽ nhiều người đã rút ra ở đây bài học là phải ra sức tìm cách củng cố đời con. Hoàng Ước sau có một hồi ký nói lại ngày anh mới về giúp việc Trường Chinh. Có đoạn viết Trường Chinh hỏi tuổi Ước. “Dạ, tôi ba mươi bảy, nhưng còn dại lắm ạ”, Ước nói. Trường Chinh nói luôn: “Tôi năm mươi vẫn dại!” Ước hiểu là Trường Chinh muốn nói đã một mình giơ đầu chịu báng, nhận lấy trách nhiệm sai lầm Cải cách Ruộng đất rồi thôi tổng bí thư.
Đầu năm 2007, viết sách ca ngợi Trường Chinh, giáo sư Trần Nhâm bắt đầu công khai chê Đệ tam quốc tế nặng “giai cấp chổng giai cấp” nên lơ là Nguyễn Ái Quốc. Chỉ thế thôi vì ông còn giữ uy tín cho Đệ tam (dù đã giải tán và phe đã tan nhưng vốn là lãnh tụ tối cao của phong trào cộng sản và công nhân toàn thế giới). À, “lơ là”? Là sao? Là không tin, không dùng, cho xếp xó chứ? Thế mà cứ chịu ngoan một bề. Cả đến đời con cháu.
***
Trường Chinh chết, Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính và Hà, con gái cả đến nhà chia buồn. Hai mẹ con về, Đặng Xuân Kỳ tiễn. Kỳ vừa đi qua sân sỏi vừa nói: ông cụ tôi ngoài không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Họp Bộ chính trị với Trung ương cũng uống nước của nhà mang theo và nếu không về nhà ăn trưa được thì ông cụ nhịn.
Thấy tôi ái ngại lắc đầu, Hồng Ngọc cử hỏi: Muốn giữ vệ sinh hay là còn gì nữa hả? Giữ vệ sinh hay giữ thân đều phải chú ý đằng miệng.
Hồng Ngọc hơi ngẩn ra.
– Giữ vệ sinh thì khảnh cái đưa vào miệng, giữ thân thì kén kỹ cái đưa ra.
Hồng Ngọc:
– Tay Trần Đĩnh này!
Hoàng Tùng viết trong hồi ký: “Một nỗi đau của Bác Hồ là mấy vị đầu não của Đảng không ưa nhau. Từ 1966 – tức là sau Nghị quyết 9 ba năm – Bác hay mời cơm mấy vị sang ăn nhưng chả ai nói với ai câu nào. Thế mới biết học Bác khó quá thay vậy!”
Có thể từ khi không còn Bác để cố công nhờ mấy bữa cơm hàn gắn nội bộ đầu não Đảng và đất nước, Trường Chinh thôi ăn ở chỗ lạ. Với ông, nay chỗ ăn lạ duy nhất là chỗ của đảng. Nhưng phi đảng mời thì còn ai mời ông? Tôi lạ là các bộ óc đầy hằn học, nghi ngờ nhau như vậy lại vẫn nhất trí được với nhau trong việc trị dân.